Tạm dừng khai thác cảng An Thới
Sáng 20.6, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang cho biết vừa có thông báo cảng An Thới ở P.An Thới (TP.Phú Quốc) tạm dừng khai thác.
Theo Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang, việc tạm dừng khai thác trên nhằm để quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cảng trên theo quy định. Đồng thời, tạm thời không cho phép tàu thuyền vào và rời cảng An Thới.
Trước đó, ngày 11.6, Cục Hàng hải Việt Nam cũng có văn bản gửi UBND TP.Phú Quốc, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang thông báo đã thực hiện chấm dứt hợp đồng cho quyền khai thác cảng An Thới đối với liên danh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Namaste và Công ty cổ phần cảng Sài Gòn từ ngày 18.2; đồng thời, yêu cầu liên danh 2 công ty này thực hiện giao hồ sơ và tài sản thuê cho Cục Hàng hải Việt Nam vào ngày 18.5.
Kể từ khi nhận lại tài sản từ bên thuê cho đến khi lựa chọn đơn vị được quyền khai thác, hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án xử lý tài sản cảng An Thới, Cục Hàng hải Việt Nam giao lại việc quản lý tài sản cảng An Thới cho Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị địa phương và các đơn vị liên quan thông báo đến các hộ dân kinh doanh biết việc tạm dừng khai thác cảng An Thới. UBND TP.Phú Quốc hỗ trợ việc giữ gìn an ninh trật tự, chống lấn chiếm buôn bán kinh doanh tại cảng.
Nhiều doanh nghiệp than khó
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù thông báo tạm dừng khai thác cảng An Thới có hiệu lực từ 12.6 nhưng hiện mọi hoạt động tại cảng gần như vẫn diễn ra bình thường dù số lượng ca nô và tàu thuyền neo đậu trong khu vực cảng đã ít hơn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ca nô cho biết, đang gặp nhiều khó khăn khi cảng An Thới tạm dừng, doanh nghiệp phải di chuyển ca nô về địa điểm neo đậu mới tại khu vực Bãi Khem. Việc này khiến khi chi phí vận chuyển phát sinh do quãng đường xa hơn.
Anh Nguyễn Đình Hiền (chủ doanh nghiệp ca nô Nguyễn Hiền tại cảng An Thới) cho biết, trước đó đã chốt khá nhiều tour ca nô với đối tác với mức giá ưu đãi hết mức có thể, cho nên việc thay đổi địa điểm neo đậu đang khiến doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ. "Thay đổi chỗ neo đậu, quãng đường ca nô phải chạy xa gần gấp đôi quãng đường cũ nên mỗi chuyến phải tốn thêm 400.000 đến 500.000 đồng tiền nhiên liệu, doanh nghiệp lỗ nặng", anh Hiền nói.
Tương tự, một giám đốc một công ty ca nô cho biết ngoài việc đội chi phí thì việc chuyển qua điểm neo đậu mới còn tiềm ẩn nguy hiểm khi đoạn đường phát sinh đi qua kênh Giếng Tiên. Đây là đoạn rất nguy hiểm cho các phương tiện khi đi qua, đặc biệt là thời điểm hiện nay Phú Quốc đang bước vào mùa biển, thường xuyên có nhiều sóng to, gió lớn.
Bình luận (0)