Phú Quốc ô nhiễm trầm trọng

09/05/2019 07:03 GMT+7

Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) đang thực sự lâm nguy vì ô nhiễm môi trường cả sông lẫn biển. Sự phát triển “nóng”, quản lý kém khiến đảo ngọc trả giá đắt về môi trường.

Đi trên dòng sông “chết”

Trưa 7.5, ngồi theo ghe của ông V.Ng, một người dân từng làm nghề câu lưới địa phương, chúng tôi tận mắt chứng kiến “cái chết” của sông Dương Đông. Dưới cái nắng gay gắt, chiếc ghe lướt trên dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi tanh. “Mới 2 - 3 năm trước, ra sông giăng lưới, thả câu vẫn còn có ăn, nhưng giờ thì cá tôm chẳng còn. Mà nước dơ thế này, mình thò chân xuống còn không dám thì nói gì lội xuống bắt cá”, ông V.Ng nói.
Ông Phạm Văn Nghiệp cho biết, hiện đã có nhà đầu tư quan tâm đến dự án thu gom xử lý nước thải ở Phú Quốc, nhưng cái khó là nhà đầu tư cần mặt bằng rộng gần trăm héc ta, vị trí ngay TT.Dương Đông, chưa kể phải đầu tư lại toàn bộ hệ thống cống. Nhưng không còn cách nào khác bởi vấn nạn ô nhiễm đã đến mức vượt quá tầm kiểm soát của địa phương.
Đi về phía hạ nguồn, đoạn sông từ cầu Hùng Vương ra tới cửa biển, rác được sóng đẩy về tập kết như một bãi rác nổi. Chiếc ghe cứ chạy được chừng vài chục mét lại chết máy vì rác quấn vào cánh quạt chân vịt. Mỗi lần như vậy lại mất ít nhất 5 phút để gỡ rác.
Về phía thượng nguồn con sông chừng 6 km, ngoài rác thải đủ thứ là những mảng rong rêu cùng bọt bẩn nổi kín mặt sông. Rẽ vào nhánh rạch Suối Đá, mùi hôi thối khủng khiếp khi ghe chạy ngang một nhà thùng nước mắm.
Sống chịu trận trong căn nhà được bao quanh bởi rạch Suối Đá, ông Nguyễn Văn Năm bức xúc kể, sinh kế của 3 người trong gia đình ông từ xưa nhờ vào nghề lưới cá và chăn nuôi gà. Ông bảo ngày trước, mỗi hôm giăng lưới ông cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng về mua lúa cho gà; nhưng mấy tháng nay không hiểu nước ô nhiễm từ đâu xả ra đen kịt, cá chết nổi trắng rạch.

Những miệng cống đen xả ra biển

Dọc bãi biển ở khu vực trung tâm TT.Dương Đông, nơi người dân thường gọi là bãi Bà Kèo, chúng tôi ghi nhận có 30 ống cống lộ thiên chõ miệng ra biển. Tại khu vực này cách đây không lâu, một du khách người Hàn Quốc đã quay clip cảnh tượng một dòng nước đen kịt tràn ra biển từ một miệng cống trên bãi biển.
Cống xả thải chảy thẳng ra biển ở bãi biển Bà Kèo, TT.Dương Đông
Cống xả thải chảy thẳng ra biển ở bãi biển Bà Kèo, TT.Dương Đông
Nhân viên của một khách sạn gần đó (xin giấu tên) cho biết: “Cống này dẫn nước thải từ hai bên đường Trần Hưng Đạo đổ xuống, cứ sau mỗi trận mưa thì nước thải lại đổ ra biển ồ ạt như thế”. Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng KP.7, TT.Dương Đông nói: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, Phòng TN-MT huyện, Cảnh sát môi trường, họ có xuống kiểm tra xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết gì”.
Về hướng địa phận xã Dương Tơ, còn có không ít xác cá chết dạt lên bờ. Ông T.Koster, du khách đến từ Cologne, Đức lắc đầu nói: “Tôi cho rằng nếu không ngăn chặn ngay việc này, bãi biển tuyệt đẹp ở đây sẽ bị giết chết”.

Biết thủ phạm nhưng “lực bất tòng tâm”

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho biết ô nhiễm sông Dương Đông và một số bãi biển ở Phú Quốc đã xảy ra nhiều năm nay. “Huyện biết hết nhưng lực bất tòng tâm”, ông Nghiệp nói và giải thích thêm: “Thời điểm hiện nay là ô nhiễm nặng nhất bởi mưa đầu mùa đến, nguồn nước ô nhiễm từ suối, nước đọng suốt mùa nắng kết hợp nước xả thải từ các hộ dân sống ven sông, các hộ kinh doanh sẽ đồng loạt tuôn ra sông, biển”. Lãnh đạo H.Phú Quốc cũng xác nhận, tình trạng các hộ dân, hộ kinh doanh xả nước thải, rác thải ra sông đã tồn tại lâu nay. Cùng với đó, ngư dân cũng vô tư quăng rác xuống sông. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, ông Nghiệp cho biết chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền đến các hộ dân, doanh nghiệp không xả thải bừa bãi. Cùng với đó là tuyên truyền Nghị định 155 về xử lý các hành vi vi phạm về môi trường nhưng hiệu quả không cao. Đến nay, số doanh nghiệp bị xử lý vi phạm về môi trường rất ít; trong khi hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người dân vi phạm bị xử phạt gần như chưa có.
Nói về giải pháp lâu dài, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc cho rằng Phú Quốc đang rất cần nguồn lực của tỉnh, trung ương để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Trước hết là di dời các hộ dân ven sông kết hợp với đầu tư làm bờ kè, đường sá; di dời các nhà thùng nước mắm vào khu tập trung, có hệ thống thu gom xử lý nước thải. “Phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải bởi nếu phát triển mà để ô nhiễm tồn tại như thế này thì rồi không ai đến nữa”, ông Nghiệp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.