Phú Quốc xôn xao vì vụ cưỡng chế bến xe buýt trên 3.000 mét vuông đất “mượn”

16/11/2022 16:24 GMT+7

Khu đất công diện tích gần 3.000 m 2 bị “mượn” làm bến xe buýt ở thành phố Phú Quốc trong hơn 2 năm đã bị Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang cưỡng chế, thu hồi.

Sáng 16.11, Ban cưỡng chế thuộc Sở TN-MT Kiên Giang tổ chức cưỡng chế và thu hồi gần 3.000 m2 đất bị “mượn” làm bến xe buýt ở TP.Phú Quốc.

Người “mượn” khu đất công nói trên là ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, TP.Phú Quốc).

Ông Dũng “mượn” khu đất này để xây dựng một nhà điều hành, một quán cà phê và một trung tâm bảo dưỡng ô tô…

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 27.4.2020, UBND TT.Dương Đông (nay là P.Dương Đông) phát hiện Công ty CP xe buýt Phú Quốc (trụ sở tại P.Dương Đông, TP.Phú Quốc) do ông Nguyễn Văn Dũng làm Giám đốc thực hiện hành vi chiếm gần 3.000 m2 đất. Phần đất này được cơ quan chức năng xác định là đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị do nhà nước quản lý.

Lực lượng chức năng được điều động di dời đồ đạc trong ki ốt

HOÀNG TRUNG

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, tại thời điểm làm việc với cơ quan chức năng, ông Dũng thừa nhận công ty đang sử dụng phần đất nói trên nhưng không thừa nhận hành vi chiếm đất. Ông Dũng cho rằng công ty chỉ “mượn” đất nhà nước làm bến xe tạm chứ không chiếm.

Vào cuối tháng 5.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP xe buýt Phú Quốc 280 triệu đồng vì hành vi chiếm đất phi nông nghiệp. Đồng thời, buộc công ty khôi phục hiện trạng đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm.

Căn ki ốt trên đường Nguyễn Trung Trực và nhà điều hành là 2 công trình đầu tiên bị phá dỡ

HOÀNG TRUNG

Đến cuối tháng 5.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty CP xe buýt Phú Quốc vì có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Về nguồn gốc gần 3.000 m2 đất này, trước năm 2013 là đất thuộc Cảng hàng không Phú Quốc quản lý. Đến tháng 10.2013, phần đất này được thu hồi và giao cho Ban quản lý Đầu tư và phát triển đảo Phú Quốc (nay là Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc) quản lý.

Vì sao việc cưỡng chế thu hồi bị chậm trễ?

Theo ghi nhận của Thanh Niên, sáng sớm 16.11, do đã được cơ quan chức năng tổ chức vận động từ chiều hôm trước nên phía ông Dũng đã cho người thu dọn bớt đồ đạc ra ngoài. Vì thời gian gấp gáp nên chỉ đưa được một số vật dụng cần thiết.

Phá dỡ 2 công trình trên khu đất bị “mượn” làm bến xe buýt

HOÀNG TRUNG

Đúng 7 giờ, các thành viên của Ban cưỡng chế do đại diện Sở TN-MT Kiên Giang chỉ đạo đã đến địa điểm phần đất mà ông Dũng đã “mượn”.

Đúng 7 giờ 30 phút, đại diện Sở TN-MT Kiên Giang đọc quyết định cưỡng chế trước sự chứng kiến của lãnh đạo P.Dương Đông, Trưởng ban nhân dân KP4, P.Dương Đông và người dân chứng kiến.

Phá dỡ quán cà phê trong khu đất bị “mượn”

HOÀNG TRUNG

Sau khi hoàn tất các thủ tục, Ban thực hiện cưỡng chế đã cho lực lượng di dời đồ đạc trong các công trình trên khu đất. Sau đó, 2 xe cuốc được điều động phá dỡ nhà điều hành bến xe buýt và ki ốt phía đường Nguyễn Trung Trực. Tiếp theo đó là phá sập quán cà phê được xây dựng bằng sắt thép, mái lá. Cuối cùng là phá dỡ trung tâm bảo dưỡng ô tô nằm trên đường Mạc Cửu.

Ông Huỳnh Văn Định, Trưởng phòng TN-MT TP.Phú Quốc, cho biết sẽ khôi phục hiện trạng ban đầu của đất như trước khi ông Dũng “mượn”. Nghĩa là ngoài cây cối trước đây có sẵn thì tất cả những gì của phía Công ty CP xe buýt Phú Quốc cũng như quán cà phê đều được đưa đi hết.

Sau chưa đầy 1 giờ, đã phá dỡ xong 3 công trình trên khu đất bị “mượn”

HOÀNG TRUNG

Đây là vụ cưỡng chế thu hút sự quan tâm của dư luận Phú Quốc. Trước câu hỏi vì sao việc cưỡng chế thu hồi khu đất này bị chậm trễ, nhiều lần gia hạn cưỡng chế, một đại diện Sở TN-MT Kiên Giang cho biết từ khi có quyết định cưỡng chế, phía công ty CP xe buýt đã khiếu nại, rồi khiếu kiện ra tòa.

“Qua những lần bị khiếu nại và khiếu kiện, UBND tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh bổ sung quyết định, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để tránh khiếu nại về sau”, vị đại diện Sở TN-MT Kiên Giang nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.