UBND tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị T.Ư hỗ trợ công trình xử lý khẩn cấp khắc phục ảnh hưởng cơn bão số 3.
Tỉnh này đề nghị được giao triển khai các thủ tục đầu tư 2 công trình.
Một là, xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến QL32C với chiều dài 430 m, chiều rộng 21,5 m; tổng mức đầu tư 865 tỉ đồng (ngân sách T.Ư hỗ trợ 100%).
Hai là, gia cố, nâng cấp đoạn đê, kè xung yếu và hệ thống tường ngăn lũ thuộc đê tả, hữu sông Thao (kết hợp QL2D và QL32C) với quy mô dự kiến là 18 km (đoạn QL2D là 12 km, đoạn QL32C là 6 km), tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng (ngân sách T.Ư hỗ trợ 100%).
Phát hiện thi thể nam giới nghi nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu
Trước đó, do ảnh hưởng của bão, nước lũ lên nhanh, tràn qua đê, gây ngập úng nhiều khu vực tại H.Hạ Hòa, ảnh hưởng nghiêm trọng việc lưu thông trên tuyến đường QL32C và QL2D.
Đặc biệt, ngày 9.9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng (H.Tam Nông) bị sập 2 nhịp cầu. Vụ việc khiến 3 ô tô, 6 xe máy, 1 xe điện rơi xuống sông; 3 người được cứu, 8 người vẫn đang mất tích. Công an tỉnh Phú Thọ đã phát thông báo truy tìm danh tính các nạn nhân.
Hôm 12.9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại tỉnh Phú Thọ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ báo cáo về các thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn, đồng thời đề nghị T.Ư quan tâm, giúp đỡ đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến QL32C; đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại ngày càng tăng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị xem xét, hỗ trợ đầu tư gia cố, nâng cấp các đoạn đê xung yếu và hệ thống tường chắn sóng thuộc đê tả, hữu sông Thao; hỗ trợ vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…
Cho ý kiến đối với các nội dung trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, cầu Phong Châu là giao thông huyết mạch không phải chỉ cho Phú Thọ mà cho cả các tỉnh xung quanh.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng cầu sẽ phải làm và hoàn thành sớm, khẩn trương khảo sát thiết kế, đánh giá cùng với địa phương và triển khai hoàn thành càng sớm càng tốt.
Với việc đầu tư nâng cấp đoạn đê xung yếu chắn sóng tại sông Thao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, tỉnh cần nghiên cứu và đưa vào triển khai thực hiện các công trình có sức chịu đựng cao trước bão lũ thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Vụ sập cầu Phong Châu: Nước sông Hồng rút chậm, tìm kiếm nạn nhân rất gian nan
Trước mắt sẽ làm cầu phao
Việc xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu đã bị sập là phương án lâu dài. Còn trước mắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết sẽ sử dụng phương án tạm thời là làm cầu phao để phục vụ cho người dân di chuyển.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2, và đại diện các đơn vị đã tới khảo sát vị trí lắp cầu phao tại khu vực gần cầu Phong Châu. Tuy nhiên, do mực nước sông Hồng dâng cao, công tác triển khai gặp nhiều khó khăn.
Ngày 14.9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Tam Nông, cho biết sau 5 ngày cầu Phong Châu bị sập, đến nay mực nước sông Hồng đã giảm khoảng 2 - 3 m. Sau khi đánh giá mực nước, đảm bảo an toàn, có thể thực hiện cứu hộ và lắp đặt cầu phao, lực lượng chức năng sẽ tiến hành thực hiện.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích và tính toán phương án trục vớt phần dầm cầu bị rơi.
Theo ghi nhận, khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, cùng ca nô và các trang thiết bị khác được huy động để phục vụ công tác tìm kiếm. Lực lượng chức năng liên tục quần thảo trên mặt sông, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân.
Bình luận (0)