Phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

12/10/2024 07:41 GMT+7

Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cho biết, sắp tới Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM sẽ được mở rộng không gian hoạt động và phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville theo tỉ lệ 1:1.

Phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước- Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày chuyên đề Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi

Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp

Vừa qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập  (1979 - 2024). Buổi lễ còn bao gồm phần trao quyết định của Bộ VH-TT-DL về việc công nhận Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM xếp hạng I trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.; khai mạc trưng bày chuyên đề Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi cũng nhận được sự quan tâm.

Tại lễ kỷ niệm, bà Lưu Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM đã ôn lại chặng đường 45 năm hình thành và phát triển của bảo tàng. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM đã có những đóng góp hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố; góp tiếng nói tích cực trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc cho nhiều thế hệ người Việt Nam.

Phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước- Ảnh 2.

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM nhận bằng khen của UBND TP.HCM tại lễ kỷ niệm 45 năm thành lập

Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM khẳng định, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM đã trở thành một trong những địa điểm giáo dục về lịch sử dân tộc, về tư tưởng, đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM. Sở VH-TT TP.HCM đánh giá cao và ghi nhận những thành tích của bảo tàng trong những năm qua, biểu dương tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ viên chức và người lao động, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của ngành văn hóa thành phố. 

Theo ông Trần Thế Thuận, thời gian qua, Sở VH-TT TP.HCM cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP.HCM mở rộng không gian hoạt động và được sự chấp thuận. Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cho biết dự án sẽ được mở rộng diện tích tương đương với diện tích hiện có, được thực hiện trong 2 giai đoạn.

Phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước- Ảnh 3.

Nghi thức bàn giao và tiếp nhận dự án Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM

Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp

"Giai đoạn 1, Sở giao cho các đơn vị liên quan lên phương án thiết kế, trình sơ bộ cho Thường trực UBND TP.HCM, lấy ý kiến các sở ngành thành phố, cơ bản được đồng thuận. Sắp tới, chúng tôi tiến hành giai đoạn 1, cụ thể là cải tạo lại cảnh quan của không gian hiện hữu cũng như tiến hành phục dựng chiếc tàu Amiral Latouche Tréville (con tàu chở Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước) theo tỷ lệ 1:1. Trên con tàu sẽ thiết kế, phục dựng căn bếp, nơi làm việc của Bác trước đây cũng như thiết kế thêm không gian để trưng bày tư liệu, hình ảnh về suốt chặng đường đi của Bác trong gần 30 năm. Giai đoạn 2, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích về phía cảng Sài Gòn; thiết kế và mở rộng không gian trưng bày. Chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị công nhận Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM là di tích lịch sử cấp quốc gia", ông Thuận thông tin thêm.

Phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước- Ảnh 4.

Hình ảnh con tàu Amiral Latouche Tréville

Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Khai mạc triển lãm chuyên đề Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi

Chuyên đề Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi giới thiệu 39 hiện vật, là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM và Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế.

Trong đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế đem đến 20 tác phẩm hội họa, điêu khắc của các nghệ sĩ. Tác phẩm gây chú ý có tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân ra đời vào năm 1970 của hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh. Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh họa trên máy đánh chữ của tác giả Ngô Mạnh Tiên, được ông sáng tác năm 1975. Đặc biệt, trong số các tác phẩm trưng bày còn có của 2 tác giả người nước ngoài là Robert C.Ekins với tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác giả Katanandov Sergey Leonidovich với tác phẩm Chân dung Nguyễn Ái Quốc năm 1923.

Phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước- Ảnh 5.

Một số tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại triển lãm

Ảnh: L.X

Phục dựng con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước- Ảnh 6.

Nhiều bức tranh chân dung về Bác Hồ được sáng tác trên những chất liệu độc đáo như dây điện thoại, gạo, nhựa, da, cát...

Ảnh: L.X

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM giới thiệu 17 hiện vật vô cùng độc đáo từ chất liệu đến hình thức thể hiện như: sơn dầu, vẽ ngược kính, đá quý, nhựa, da, cát, tóc, gạo, inox, dây điện thoại, đá hoa cương… Trong đó, nhiều tác giả là những người tên tuổi với nhiều sáng tác về Bác Hồ như họa sĩ Hoàng Hoa Mai, nghệ nhân Ý Lan, Đinh Gia Diên, Đỗ Đình Cường.

Mỗi tác phẩm trong không gian trưng bày Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi đều thể hiện được sự tìm tòi, khám phá về chất liệu, kỹ thuật, bút pháp công phu của các tác giả, cũng như tính biểu đạt nghệ thuật về đặc điểm, thần thái của chân dung lãnh tụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.