Phục hưng truyền thống mai vàng trên Cửu đỉnh

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
11/02/2022 06:50 GMT+7

Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị của mai vàng (hoàng mai) xứ Huế tổ chức hôm qua 10.2 thể hiện quyết tâm của người Huế: sớm phục hưng truyền thống mai vàng trên Cửu đỉnh.

“Sứ giả” mùa xuân xứ Huế

Hội thảo tổ chức tại Nhà hát cổ Duyệt Thị Đường bên trong Đại nội Huế, thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nhà văn hóa, nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN-PTNT), Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế) cùng các nghệ nhân, người trồng mai và chơi mai xứ Huế, các doanh nghiệp.

Mai vàng bên Cửu đỉnh Huế

Visit Hue

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định mai vàng (hoàng mai) Huế là loại sinh vật cảnh quý của VN với các đặc trưng nhận biết: lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi), hoa cuống ngắn, 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, các cánh xếp khít nhau, mùi thơm dịu nhẹ… Đây là loại cây thể hiện cốt cách con người và trở thành “sứ giả”, tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế và vùng đất phương nam.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng cho rằng đối với người từ Quảng Trị trở vào, hoàng mai là hoa xuân và đến nay vẫn có nhiều vùng trồng mai nổi tiếng như Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bình Thuận, Thủ Đức (TP.HCM), Biên Hòa, Vĩnh Long... Tuy nhiên, mai vàng Huế luôn được nhắc đến như một giống đặc hữu, có vị thế riêng. Dù khác các loại mai xứ Bắc (bạch mai, lạp mai, nhất chi mai...) nhưng mai vàng Huế lại rất phù hợp với cư dân Đàng Trong bởi màu vàng vốn tượng trưng cho ánh sáng, cho phương nam. Thân cây lại xù xì, thô ráp, mạnh mẽ phù hợp với quan niệm về vóc dáng, chí khí người quân tử ở vùng đất mới.

Ngày 26.4.2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên-Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam”. Phong trào “Mai vàng trước ngõ” đã được phát động và triển khai đầu năm 2021, hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai kế hoạch từ nay cho đến năm 2030 đưa phong trào này trở thành trọng điểm. Đặc biệt, hằng năm sẽ tổ chức Lễ hội mai vàng Huế, từ sau năm 2025 nâng tầm thành lễ hội quốc gia.

Cũng theo TS Phan Thanh Hải, mai vàng xứ Huế được vương triều nhà Nguyễn khẳng định một cách chính danh khi hoàng đế Minh Mạng cho khắc trên Nghị đỉnh (thuộc Cửu đỉnh, đúc năm 1835), là một trong 153 hình ảnh tiêu biểu mang tính biểu tượng của đất nước VN và nằm trong nhóm 9 loài hoa được chọn. “Do là loài hoa được vua chúa, giới quý tộc yêu thích nên thường được nâng niu chăm chút công phu để tạo dáng, thế. Hoàng mai Huế tạo nên tập quán chơi và nuôi dưỡng hoa kiểng của người Huế, dung chứa những ý nghĩa sâu sắc gắn liền với vũ trụ quan, nhân sinh quan. Màu sắc vàng quý phái tượng trưng cho màu của hoàng đế, cũng là màu của ánh sáng. Năm cánh hoa tượng trưng cho ngũ phúc”, TS Phan Thanh Hải nói.

TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện VHNT quốc gia tại Huế, cho biết thêm: trong sử sách, thực ra xứ sở được ghi chép có nhiều mai vàng là Quảng Trị chứ không phải Huế. Tuy nhiên, xứ Huế có danh giá ở một vị trí từng là kinh đô nên có tinh thần hội tụ. “Bên cạnh những giống loài bản địa nguyên gốc của Huế, bất cứ loại cây gì khi mang đến Huế trồng đến một thời gian đều sẽ tùy hợp với phong thổ và biến chuyển để trở thành một thổ sản của Huế. Mai vàng cũng là một trong những giá trị đặc thù như vậy của Huế”, TS Trần Đình Hằng nhận xét.

Sẽ có lễ hội mai vàng năm sau ?

Theo TS Hồ Thắng, mai vàng Huế hiện tại chưa phát huy được các tiềm năng, giá trị vốn có, chưa tận dụng tốt tiềm năng ngành kinh tế sinh thái hoa - cây cảnh để tạo nên một thương hiệu tầm cỡ như Hà Lan (hoa tulip), Nhật Bản (hoa anh đào), Bulgaria (hoa hồng)…

Vì vậy, để Huế có thể trở thành xứ sở của mai vàng, nhiều ý kiến tham luận đã gợi mở một số giải pháp. TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng địa phương phải quy hoạch định hướng tạo dựng được những không gian mai vàng (như các tuyến đường, công viên, hai bên sông…) gắn với ánh sáng, ẩm thực truyền thống… Cũng có ý kiến đề xuất bảo tồn giống, cảnh quan, xây dựng thị trường mai thương phẩm. Theo luật sư Nguyễn Bá Hội (Chủ tịch Công ty TNHH tư vấn phát triển thương hiệu AMC Việt Nam, đơn vị hợp tác xây dựng chỉ dẫn địa lý mai vàng Huế), bên cạnh những cây mai thuộc hàng “thượng phẩm”, giá trị cao thì cũng phải có phân khúc thị trường mai cho giới bình dân. Ngoài ra, cần tạo cơ sở pháp lý cho Hội Mai vàng Huế (chủ thể quản lý thương hiệu mai vàng Huế sau này), có chính sách tạo điều kiện cho người sản xuất, nhà vườn, doanh nghiệp… để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng của thị trường.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, thổ lộ từng trăn trở cả tuần lễ trước khi đưa ra ý tưởng xây dựng đề án xứ sở mai vàng Huế. “Vì mai vàng đã có trong tâm khảm, tiềm thức của người dân xứ Huế, là niềm tự hào của quê hương mình, nên khi đưa ra phong trào “Mai vàng trước ngõ” là lập tức được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ”, ông Thọ nói. Để mỗi khi nói đến Huế là người ta nghĩ ngay đến mai vàng, và kỳ vọng mùa xuân năm tới Thừa Thiên-Huế có được lễ hội hoa mai, ông Thọ cho rằng chính quyền địa phương phải sớm xây dựng thương hiệu và nhận diện thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, hình thành những hệ giống cây, có quy chế quản lý bộ cây đầu dòng... “Mai Huế không chỉ có giá trị về cảnh quan mà còn phải có giá trị văn hóa, nhân văn, kinh tế. Địa phương chắc chắn sẽ sớm đưa Lễ hội mai vàng Huế vào trong chuỗi sự kiện Lễ hội bốn mùa của Festival Huế”, ông Thọ bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.