"Theo tôi các trường học và những đơn vị giáo dục nên dừng việc phun khử khuẩn (thường dùng Cloramin B) để tránh lãng phí. Gần một tháng nay các trường đóng cửa, không có ai vào thì làm gì có nguồn bệnh. Việc phun khử khuẩn chỉ dùng khi nghi ngờ hoặc chắc chắn có nguồn bệnh", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - Nội thần kinh, bệnh viên Nhi đồng 1 chia sẻ.
Ông Khanh cho biết, trước đây, một số trường dùng đến khử khuẩn khi có một vài học sinh trong trường bị mắc bệnh tay, chân, miệng. Còn hiện nay, các trường chỉ cần vệ sinh khuôn viên trường, lớp học, lau chùi bàn ghế, vật dụng với xà phòng bình thường như trước đây là được.
Theo ông, để phòng bệnh hiệu quả trong trường học, điều quan trọng nhất bây giờ là các thầy cô nên dạy cho học sinh cách phòng chống bệnh đúng quy trình, tự bảo vệ mình. Trường cũng cần phải dạy cho các em cách xử lý như thế nào khi trường có ca mắc bệnh. Điều này cực kỳ quan trọng.
|
Trước đó, ông Khanh cũng cho rằng việc cho học sinh nghỉ học 1-2 tuần cũng không giải quyết được vấn đề. Vì hiện nay chưa ai dự đoán được khi nào sẽ hết dịch bệnh, nếu cho học sinh nghỉ có thể phải nghỉ trong thời gian dài.
Trước đó, ngày 3.2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra trong trường học.
Theo đó, Sở đã yêu cầu tất cả các trường học, đơn vị giáo dục phải tiến hành vệ sinh, tổ chức khử khuẩn và vệ sinh trường lớp đồng thời đảm bảo việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết.
Nhiều tỉnh thành khác cũng đã tiến hành cho phun khử khuẩn trong trường học để phòng bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Bình luận (0)