Phụng dưỡng... người dưng

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
17/04/2021 08:36 GMT+7

Thương những cụ già neo đơn vò võ một mình không ai chăm sóc, những học sinh Trường THPT Đông Hà (TP.Đông Hà, Quảng Trị) đã đến phụng dưỡng. Theo thời gian, 'người dưng' đã trở thành người thân.

Cô tấm ngày nay

Một buổi chiều thứ bảy trung tuần tháng 4, trong gian nhà ọp ẹp vốn im lìm của bà Lê Thị Hồng Ngọc (71 tuổi, trú KP.8, P.1, TP.Đông Hà) bỗng thấy đông người vào ra, rúc rích tiếng nói cười. Bà Ngọc sống ở đây một mình, 3 đứa con đang mưu sinh ở nhiều nơi. Lớn tuổi, bà lại bị bệnh cột sống nên đi lại hết sức khó khăn...
Nhóm bạn trẻ ở trong nhà bà Ngọc là học sinh lớp 11A5 Trường THPT TP.Đông Hà. Hôm nay, đến lịch cả nhóm đến thăm và chơi với bà. Lê Phương Nga cho biết lớp 11A5 được Đoàn trường phân công “phụng dưỡng” bà Ngọc từ 1 năm rưỡi nay. Theo định kỳ, mỗi tuần, có 1 tổ của lớp sẽ đến với bà Ngọc. “Bà cụ tội lắm, lớn tuổi sống một mình lại ốm đau nên hầu như không làm được gì. Mỗi lần đến, chúng em chia nhau người quét nhà, rửa bát, người lau dọn, giặt áo quần... Hôm nào rảnh thì chúng em còn mua thịt cá, nấu cơm và cùng ăn với bà rồi mới về”, Nga nói.
Học trò nữ chiếm số đông trong nhóm bạn trẻ đang tụm lại ở nhà bà Ngọc, nên đối với bà, đấy là những cô Tấm trong chuyện cổ tích đang về giúp bà ở tuổi xế chiều. “Khi mấy đứa đến cửa nhà ngổn ngang, mà khi đi tất cả sáng choang”, bà Ngọc nói “có vần”.
Nhóm học sinh lớp 12A10 nhận phụng dưỡng cụ bà Hoàng Thị Thỏn cách trung tâm TP.Đông Hà hơn 5 cây số. Bà Thỏn đã 82 tuổi, cũng sống một mình trong ngôi nhà “Đại đoàn kết” dựng bên sông Hiếu, thuộc KP.9 (P.Đông Giang). Bà có duy nhất cô con gái nhưng đã mất khi 25 tuổi, để lại 2 cháu ngoại nhưng đều đang ở xa. Hằng tháng bà chỉ có được khoản tiền trợ cấp 540.000 đồng, thêm một ít thóc lúa của hợp tác xã và sự đùm bọc của bà con chòm xóm. Ngặt nỗi, lưng bà quá còng, đi lại rất khó khăn, muốn nhích lên một tí cũng phải vịn vào cái xô nhựa. Nên nhiều lúc gạo có sẵn đó nhưng không ai nấu cho ăn.

Chúng tôi muốn các em bỏ chút thời gian học hành để sống chậm lại, nhìn thấy những mảnh đời xung quanh mình, cùng giúp đỡ họ. Và từ đó, các em biết trân trọng những gì đang có, đặc biệt là mái ấm gia đình mình, môi trường học tập của mình”

Nguyễn Thanh Toàn 
Phó bí thư Đoàn Trường THPT TP.Đông Hà, Quảng Trị

Hôm nhóm bạn trẻ lớp 12A10 sắp đến, bà Thỏn như nhớ lịch, ngồi ở bậu cửa chờ. Khi các em vào nhà, mỗi người mỗi việc, bà ngồi lặng lẽ nở nụ cười sung sướng. “Bà lớn tuổi rồi, ăn uống đâu bao lăm nhưng mà buồn, vì trơ trọi một mình. Cuối tuần nào, bà cũng mong mấy đứa đến, chẳng phải vì muốn chúng làm việc đâu mà chỉ cần chúng nói chuyện, đùa giỡn là bà vui, sống thêm được dăm năm nữa”, bà nói.

Thương ông bà mình hơn

Tận mắt thấy những cô cậu học trò mướt mồ hôi dọn dẹp, quét tước, nấu nướng... giúp đỡ những bà cụ không người thân thích, tôi buột miệng hỏi: “Ở nhà các em có siêng năng như này không?”. Nhiều em đồng thanh đáp lại: “Có chứ ạ!”. Có bạn vui vẻ khoe: “Nhờ giúp đỡ các cụ nên “trình” làm việc nhà của bọn em càng tăng”.
Phan Tấn Kiệt (lớp 12A10, Trường THPT Đông Hà) tâm sự: “Đến với các cụ già neo đơn, em càng thương ông bà của mình hơn. Bởi một khi có thể giúp đỡ các cụ già "người dưng" thì cớ sao không chăm ngoan, học giỏi và làm tất cả những gì có thể để ông bà ruột thịt mình được mát dạ mát lòng”…
Có lẽ điều Kiệt tâm sự cũng chính là một trong những nguyên do để Đoàn Trường THPT Đông Hà phát động chương trình “Tình nguyện gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Anh Nguyễn Thanh Toàn, Phó bí thư Đoàn trường, cho hay từ ý tưởng ban đầu, Đoàn trường tìm hiểu, rà soát và giao cho 7 lớp phụng dưỡng 7 cụ già neo đơn. “Thực tế, chương trình bỏ kinh phí ra không nhiều, chỉ là mua chút thực phẩm đến nấu ăn với các cụ hoặc mua ít đồ dùng lặt vặt. Thứ phải “tốn kém” nhiều nhất chính là công sức, thời gian. Chúng tôi muốn các em bỏ chút thời gian học hành để sống chậm lại, nhìn thấy những mảnh đời xung quanh mình, cùng giúp đỡ họ. Và từ đó, các em biết trân trọng những gì đang có, đặc biệt là mái ấm gia đình mình, môi trường học tập của mình”, anh Toàn nhắn gửi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.