Tăng gần 19% đến năm 2030
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 23.9 về việc phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) của Bộ Công thương, về giá điện, Bộ đề xuất giá bình quân sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh (1 USD = 100 cent) vào năm 2020 lên mức 8,4 - 9,4 cent/kWh vào năm 2030. So với phương án phụ tải cơ sở, giá điện bình quân theo phương án điều hành sẽ cao hơn 10% vào năm 2030; ước tính giai đoạn 2030 - 2050 lên 10,8 - 11,4 cent/kWh.
Hiện giá điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.864,44 đồng/kWh (tương đương 7,9 cent/kWh, tính theo tỷ giá năm 2020), nếu lên mức 8,4 - 9,4 cent/kWh, cũng theo tỷ giá năm 2020 (khoảng 236 đồng/cent), giá điện bình quân trong giai đoạn tới có thể lên tương đương 1.982 - 2.218 đồng/kWh. Trong đề xuất tăng giá điện, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh yếu tố giá điện VN hiện đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nếu có tăng lên mức 8,4 - 9,4 cent/kWh vẫn thấp hơn giá điện hiện tại của Indonesia (10,07 cent/kWh) và Thái Lan (10,74 cent/kWh). Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra dự báo giá thành điện gió, điện mặt trời trong tương lai sẽ giảm mạnh. Điện gió trên bờ đến năm 2025 giảm xuống 6,35 cent/kWh (từ 7,74 cent hiện nay), xuống 5,72 cent/kWh; điện mặt trời xuống 5 - 6 cent/kWh năm 2030. Thậm chí, Bộ Công thương khẳng định, một số dự báo cho thấy giá các loại hình năng lượng tái tạo có thể giảm nhanh hơn nữa.
Bộ Công thương thời gian qua có nhiều đề xuất cho tăng giá điện trong thời gian tới |
Ngọc Thắng |
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho rằng tăng giá điện là việc “một sớm một chiều” do chi phí đầu vào sản xuất điện tăng. Tăng giá điện đúng giá thị trường cũng là cách thúc đẩy đầu tư tư nhân vào ngành này, như cách điều chỉnh giá xăng. Còn hiện tại, ngành điện, cụ thể ở đây là Tập đoàn điện lực VN (EVN) - một doanh nghiệp nhà nước đang được độc quyền mua bán điện, chưa theo giá thị trường, nên việc tính toán tăng phải có bên Bộ Tài chính kiểm soát, dựa trên một số tiêu chí nhất định. Chẳng hạn, chi phí đầu vào gồm những gì, tăng bao nhiêu, tăng cụ thể ở khâu nào… TS Phùng Đức Tùng nói thẳng: Muốn tăng giá điện, phải sớm minh bạch hóa thị trường, giá phải tuân theo quy luật thị trường, cung cầu rõ ràng, lúc đó mới tăng. Trong đề xuất về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công thương mới đây, có nội dung khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN sẽ được quyết định tăng giá điện và các bộ, cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chỉ được báo cáo để kiểm tra, giám sát thôi. “Ở đây, như nói trên, chưa có thị trường điện, tăng giá điện không thể để một doanh nghiệp nhà nước quyết được. Nếu cho EVN có quyền tăng giá, các nhà bán lẻ bán điện cho doanh nghiệp có tăng không?”, ông Tùng nói.
VN nên tham khảo cách xây dựng thị trường điện của các nước là giảm tối đa khâu trung gian, cái nào mua bán trực tiếp được, nên tăng cường đẩy mạnh. Nhà nước chỉ làm hạ tầng truyền tải điện, cho các doanh nghiệp sản xuất điện thuê tải điện bán cho người tiêu dùng, giá được thỏa thuận giữa hai bên.
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong
Tăng tốc thí điểm bán điện trực tiếp trước khi đề xuất tăng giá
Trong tờ trình về việc phê duyệt đề án Quy hoạch điện 8 mới nhất của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ, có đưa ra 5 khâu quan trọng liên quan của ngành điện và quy hoạch đã thực hiện “tối ưu tổng thể 5 khâu trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau” gồm: nguồn điện, truyền tải điện, phân phối, sử dụng điện hiệu quả và giá điện. TS Phùng Đức Tùng bổ sung: Trước mắt, phải cho thí điểm bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất đến tiêu dùng. Việc giảm bớt các khâu trung gian sẽ giảm chi phí, nhờ thế giá điện có thể chưa cần tăng. Bên cạnh đó, các thông số nào thuộc ngành điện chi ra, sử dụng cho việc sản xuất, vận hành, phân phối điện đưa đến người tiêu dùng mới tính vào giá điện. “Nếu có thị trường điện minh bạch thì 5 khâu đó không nên và không thể quy về cho một doanh nghiệp quản lý. VN nên tham khảo cách xây dựng thị trường điện của các nước là giảm tối đa khâu trung gian, cái nào mua bán trực tiếp được, nên tăng cường đẩy mạnh. Nhà nước chỉ làm hạ tầng truyền tải điện, cho các doanh nghiệp sản xuất điện thuê tải điện bán cho người tiêu dùng, giá được thỏa thuận giữa hai bên, không cần sự xuất hiện của EVN trong hợp đồng mua bán này. Tại Úc, một hộ gia đình có thể mua điện, gas từ bất kỳ nhà sản xuất nào, cùng một đường ống, đường truyền, nhưng năm nay có thể mua điện từ công ty A, năm sau thấy giá công ty cung cấp điện B rẻ hơn, có thể đổi mua của công ty B...”, TS Tùng gợi ý.
Một số ý kiến khác cho rằng, EVN là doanh nghiệp nhà nước có sẵn cơ sở hạ tầng rồi sản xuất, vận hành và bán. Giá đầu vào cần phải rõ ràng khâu đầu tư, vận hành, thu chi ra sao mới đề xuất tăng giá được. Quy hoạch điện 8 ưu tiên điện tái tạo, tăng công suất cho loại hình điện này, giá lại được dự báo giảm mạnh từ nay đến năm 2030, nhưng giá điện bình quân lại được đề xuất cho tăng mức cao nhất gần 19% (từ 7,9 cent lên 9,4 cent - PV) giá điện bình quân là chưa hợp lý. Trước đó, trong dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 của Thủ tướng về quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương soạn thảo lấy ý kiến, EVN được tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 1% đến dưới 5% và trong khung giá cũng bị nhiều người phản đối.
Chuyên gia về giá cả, ông Vũ Vinh Phú nói rằng tăng giá điện sẽ không ai phản đối nếu tính toán minh bạch, hợp lý, hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt là lợi ích khách hàng sử dụng điện. Trong đó, cần thẩm định việc tăng giá đến từ những yếu tố nào, chi phí đầu vào và các tính toán trong sổ sách của doanh nghiệp đưa ra có hợp lý không thì việc tăng giá mới thuyết phục. Giá thành điện đến tay người tiêu dùng cho đến nay vẫn “u u minh minh” như giá xăng dầu. Ngành điện còn độc quyền, còn chưa có nhiều đầu mối cung ứng như ngành xăng dầu. Ngoài ra, chi tiết này khá mâu thuẫn, đó là chính sách của VN là tăng điện tái tạo, tiến tới phát thải carbon về 0 vào năm 2050. Nếu nhìn một cách công bằng thì giá điện đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu, giá than thế giới tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng. Trong tờ trình, giá điện tái tạo lại được chính Bộ Công thương dự báo giảm mạnh trong thời gian tới, sao lại đề xuất tăng nhiều thế.
Ngoài ra, nếu dự thảo về quyền tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân của EVN sẽ được nới rộng hơn hiện tại, ông Vũ Vinh Phú lo ngại lĩnh vực năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… rất lớn. Nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ, có thể dẫn tới việc tăng giá không hợp lý, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng như chi phí sinh hoạt của người dân.
Giá điện tái tạo đang giảm lại không tạo điều kiện cho các dự án điện mặt trời có điều kiện tải điện lên đường truyền tải để có nguồn điện sử dụng lâu dài, khuyến khích nhà đầu tư…; đằng này lại đề xuất cho tăng giá điện. Chúng ta còn lúng túng trong điều hành chính sách, nên làm song song sẽ thuyết phục hơn.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú
Bình luận (0)