Phương pháp mới trì hoãn mất trí nhớ

23/04/2017 09:13 GMT+7

Cuống rốn hứa hẹn trở thành chìa khóa của tuổi thanh xuân, với nghiên cứu mới cho thấy protein chiết xuất trong máu cuống rốn có thể cải thiện hoạt động trí não ở người già.

Nhiều người có thói quen bỏ quên đồ đạc và thường cuống cuồng đi tìm mỗi khi cần dùng tới, có thể kể đến các món đồ như chìa khóa, kính đeo mắt... Và mỗi lần như thế lại mất thời gian lẫn công sức, cũng như khiến bản thân trở nên bực dọc không ít. Trải nghiệm này càng diễn ra thường xuyên hơn khi con người già đi, do chức năng của phần não mã hóa những ký ức về không gian và tình tiết, tức thùy cá ngựa, giảm sút theo tuổi tác.
Mới đây, các chuyên gia về thần kinh của Đại học Stanford (Mỹ) đã chứng minh việc truyền huyết thanh chiết xuất từ máu cuống rốn cải thiện được chức năng của thùy cá ngựa ở đối tượng, cho phép khôi phục đáng kể các hoạt động lưu trữ ký ức và nhận thức.
Trong báo cáo đăng trên chuyên san Nature, tiến sĩ Tony Wyss-Coray cho biết thùy cá ngựa đóng vai trò trọng yếu cho phép con người ghi nhớ thông tin, chẳng hạn như nơi bạn để chìa khóa và đã ăn gì vào buổi sáng. Vì nhiều lý do chưa rõ, thùy cá ngựa đặc biệt dễ bị tổn hại trong quá trình lão hóa.
“Theo đà tăng dần của tuổi tác, thùy cá ngựa thoái hóa, mất đi các tế bào thần kinh và co rút lại”, tiến sĩ Wyss-Coray chỉ ra. Trước đó, phòng thí nghiệm của chuyên gia này đã phát hiện việc tiêm huyết thanh của chuột trẻ trực tiếp vào cơ thể chuột già cho phép nhóm thứ hai đạt điểm tốt hơn trong các bài kiểm tra về trí nhớ và học hỏi.
Trong cuộc thí nghiệm mới, đội ngũ các nhà khoa học đã sử dụng lứa chuột được điều chỉnh gien để không xảy ra phản ứng miễn dịch khi tiêm huyết thanh của người. Họ bắt đầu tiêm huyết thanh lấy từ máu cuống rốn người vào một nhóm chuột, trong khi hai nhóm còn lại được sử dụng huyết thanh từ máu người trẻ tuổi và máu người già. Khi chuột già tiếp nhận huyết thanh lấy từ máu cuống rốn theo tần suất 4 ngày/lần trong 2 tuần, chức năng của thùy cá ngựa ở nhiều đối tượng cải thiện đáng kể.Trong khi đó, huyết thanh từ máu người già không gây tác dụng gì ở chuột, còn huyết thanh người trẻ tạo ra ảnh hưởng tức thời.
Các nhà nghiên cứu cũng đã cô lập được protein gọi là TIMP2, mà theo họ chịu trách nhiệm cho sự đảo ngược tình trạng suy thoái năng lực trí nhớ. Để kiểm tra, các chuyên gia thử tiêm TIMP2 vào chuột già và hiệu quả gần như tương tự khi so sánh với kết quả thu được từ nhóm tiêm huyết thanh cuống rốn.
Khác với tủy sống, máu cuống rốn có thể được thu thập vào thời điểm trẻ chào đời và lưu trữ được nhiều thập niên trong dung dịch ni tơ lỏng. TIMP2 là một dạng protein xuất hiện dồi dào trong máu cuống rốn. Khi con người già đi, protein này sụt giảm dần về số lượng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện trên có thể dẫn đến những liệu pháp điều trị mới đối với Alzheimer và những tình trạng suy giảm chức năng nhận thức có liên quan đến tuổi tác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.