Phương Tây ùn ùn bổ sung vũ khí cho Ukraine

07/01/2023 06:01 GMT+7

Mỹ và Đức đã quyết định gửi xe chiến đấu bọc thép cho Ukraine trong bối cảnh lệnh ngừng bắn của Nga đang bị phương Tây nghi ngờ.

Theo Reuters, Mỹ và Đức ngày 5.1 thông báo hai nước này sẽ gửi xe chiến đấu bọc thép cho Ukraine. Thông tin này được đưa ra trong tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc điện đàm trước đó cùng ngày. “Cuộc xung đột Ukraine đang ở thời điểm quan trọng và chúng tôi phải làm mọi thứ có thể giúp Ukraine chống lại lực lượng Nga”, Tổng thống Biden cho biết.

Xe chiến đấu bộ binh Bradley của quân đội Mỹ

Reuters

Tuyên bố nói rằng Mỹ sẽ cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley trong khi Đức sẽ cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ số lượng xe bọc thép Ukraine sẽ được nhận. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết gói vũ khí mới của Mỹ cho Kyiv dự kiến bao gồm khoảng 50 xe chiến đấu Bradley. Ukraine đã nhiều lần nói rằng nước này cần 600 - 700 xe chiến đấu bộ binh cùng với 300 xe tăng từ phương Tây để có cơ hội chọc thủng các vị trí ngày càng kiên cố của Nga dọc tiền tuyến.

Xem nhanh: Ngày 316 chiến dịch Nga, ông Putin bất ngờ ra lệnh ngừng bắn, Mỹ, Đức, Pháp cấp xe tăng, thiết giáp cho Ukraine

The Guardian nhận định động thái này là một bước thay đổi lớn trong hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Cho đến nay, Mỹ và Đức vẫn rất thận trọng trong việc gửi khí tài NATO sử dụng sang Ukraine vì lo ngại Nga xem đây là hành động leo thang căng thẳng. Vì vậy, dù Mỹ và Đức không đưa xe tăng sang, quyết định cung cấp xe bọc thép cho Ukraine vẫn có vai trò rất quan trọng.

Hệ thống tên lửa Patriot của quân đội Đức

AFP

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4.1 tuyên bố sẽ viện trợ xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine. Một trợ lý của ông Macron cho biết đây là lần đầu tiên xe tăng do phương Tây sản xuất được chuyển cho Ukraine. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng AMX-10 RC chưa đủ để được xem là xe tăng đúng nghĩa.

Lệnh ngừng bắn của Nga bị nghi ngờ

Lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong hai ngày 6 - 7.1 nhân dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo Nga mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hôm 5.1 đã bị phương Tây soi xét một cách ngờ vực.

Giao tranh vẫn râm ran dù Nga tuyên bố ngừng bắn ở Ukraine

AFP đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng lệnh ngừng bắn nói trên chỉ đơn giản nhằm tìm chỗ thở cho nỗ lực tiến hành chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng bày tỏ lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng thời gian ngừng bắn để “tái tập hợp lực lượng, nghỉ ngơi và cuối cùng là tấn công trở lại”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng lệnh ngừng bắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin không đáng tin và con đường duy nhất để khôi phục hòa bình là Nga rút quân khỏi Ukraine.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 5.1 nói lệnh ngừng bắn ông Putin đưa ra không có tác dụng gì trong việc thúc đẩy triển vọng hòa bình. Thay vào đó, ông Cleverly cho biết Nga phải rút quân và chấm dứt các cuộc tấn công của mình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu tối 5.1 đã thẳng thừng từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của Nga. Ông Zelensky cũng cho rằng đây là một chiêu trò để ngăn chặn bước tiến của lực lượng Ukraine ở vùng Donbass và đưa thêm lực lượng Nga vào khu vực.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ ngày 6.1 nhận định lệnh ngừng bắn là thời gian để lực lượng Nga nghỉ ngơi, hồi sức và tái định hướng để khởi động lại các hoạt động tấn công ở những khu vực quan trọng. ISW cũng cho rằng Nga đang cố gắng cáo buộc Ukraine không sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để tiến tới đàm phán khi đưa ra tuyên bố ngừng bắn đột ngột như vậy.

Người dân Ukraine chạy trốn giao tranh ác liệt ở Bakhmut

Cùng với xe chiến đấu bọc thép, Đức cũng sẽ cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine sau khi Mỹ có quyết định tương tự vào tháng trước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đánh giá cao đóng góp của Đức và cho biết Berlin đang góp phần quan trọng trong việc đánh chặn tên lửa Nga. Theo CNN, Lầu Năm Góc còn đang xem xét việc đưa binh sĩ Ukraine sang Mỹ để huấn luyện cách sử dụng Patriot.

Trước các động thái mới nhất của Washington, Hãng tin TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 6.1 cho rằng các tuyên bố về “bản chất phòng thủ” của những vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine từ lâu đã trở nên vô nghĩa. Ông Antonov cũng nói việc chuyển giao xe chiến đấu cho Ukraine xác nhận rằng Washington không cố gắng lắng nghe lời kêu gọi của Nga về những hậu quả có thể xảy ra nếu Mỹ tiến hành hành động nguy hiểm như vậy.

Nhà Trắng không xác nhận tổ hợp HIMARS đã bị Nga phá hủy ở Ukraine
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.