Những năm gần đây, cứ tới tết, bên cạnh những loại hạt, bánh kẹo truyền thống và chén trà xuân, người trẻ muốn có thêm những trái hồng treo gió
Đà Lạt. Hồng treo gió là gì, nguồn gốc từ đâu mà khiến người ta mê mẩn vị như vậy?
Câu chuyện từ nước Nhật
Anh Tùng, 31 tuổi, một người khởi nghiệp ở Cầu Đất, Đà Lạt kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về hồng treo gió, món ăn có lịch sử lâu đời từ Nhật Bản. Cây hồng là loại cây phổ biến với bà con tại những vùng quê ở đất nước Mặt trời mọc. Và để bảo quản trái hồng theo một cách đặc biệt, tạo ra món ăn có hương vị hoàn toàn khác biệt, người dân Nhật đã gọt vỏ trái hồng, để nguyên cuống, treo dây lên và hong trước hiên nhà để đón nắng gió trời.
Đã mắt nhìn những vườn hồng ở Lâm Đồng
|
Hồng được gọt vỏ và treo gió trong nhà hong
|
Chúng tôi qua Nhật và tận mắt nhìn những người nông dân khu vực Kurume, tỉnh Fukuoka làm hồng treo gió và bán trong những phiên chợ quê cùng nhiều nông sản khác nhau, như củ cải, khoai lang. Lúc mới treo, hồng có thể còn vị chát. Nhưng những trái hồng treo gió khi tới độ ngon, vỏ màu hổ phách, vỏ dai mà bên trong mềm mại, xé ra thì bên trong lớp mật ứa ra ngọt ngào. Trong ngày đông lạnh, làm tách trà nóng, ăn miếng hồng treo gió ngọt thanh thì không còn gì ngon bằng.
Theo anh Tùng, khoảng 6, 7 năm trước, một nhóm người làm nông nghiệp ở Đà Lạt đã được qua Nhật Bản, từ sự hỗ trợ của các chương trình của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mà họ được học hỏi,
chuyển giao công nghệ làm hồng treo gió truyền thống từ đất nước này. Từ đó, nghề làm hồng treo gió ở Đà Lạt bắt đầu, đánh dấu mốc chuyển mình cho loài trái cây dân dã, có thời kỳ buồn bã là người dân để hồng chín đỏ cả quả đồi vì giá xuống quá thấp, hái về bán cũng không có lãi.
Đã mắt nhìn hồng treo gió vàng ruộm như mật ong
|
Khi mà Đà Lạt ngày càng được người trẻ khắp nơi yêu thích tìm về, bên cạnh ngắm các mùa hoa, tận hưởng thành phố trong sương, người trẻ hăm hở ngắm nhìn góc khác về thành phố này, với những vườn hồng chín đỏ, vàng rực, với những nhà làm hồng treo gió vàng ươm như mật ong.
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, chàng trai khởi nghiệp với FoodMap đưa nông sản Việt lên “sàn” thương mại điện tử, trong đó nông sản hồng treo gió luôn được tìm kiếm vào
ngày tết chia sẻ, để làm hồng treo gió ngon trước hết phải lựa chọn loại hồng phù hợp. Hồng trứng, hay hồng vuông thường được sử dụng. Trái không được chín quá cũng không được xanh quá sẽ không đủ lượng đường. Việc xử lý vỏ phải được làm nhanh và vô trùng.
Khởi nghiệp với hồng treo gió có khó?
Ngày càng nhiều người trẻ “bỏ phố về quê”, trong đó họ chọn Đà Lạt và nhiều nơi ở Lâm Đồng để khởi nghiệp. Làm hồng treo gió từ loài cây đặc sản này là một trong những hướng đi nhiều người đang theo đuổi.
Làm hồng treo gió để ăn thì đơn giản nhưng để khởi nghiệp với nó thật không dễ dàng
|
Khi trái hồng se lại, bên trong mật ngọt ứa ra
|
Anh Phan Hanh, một người cũng
khởi nghiệp với nông nghiệp sạch ở thị trấn Dran, H.Đơn Dương, Lâm Đồng cho biết vào mùa thu, khoảng tháng 10 là lúc mùa hồng chín rộ nhất. Đây cũng là lúc các nhà làm hồng treo gió thu mua hồng sỉ từ các nhà vườn, chuẩn bị cho mùa bán hàng đặc sản vào dịp tết.
“Thời điểm trước tết 1 tháng này là lúc hồng vào cuối mùa, vườn hồng chỉ còn ít trái, giá cao nên nhà vườn để dành bán trái”, anh Phan Hanh chia sẻ.
Hồng treo gió là món ăn ngon, sản phẩm đậm đà hương vị tự nhiên này đã nâng tầm giá trị nông sản Việt, khi mà trái hồng tươi có khi chỉ 3.000 - 4.000 đồng một ký thì khi treo gió, hong gió xong có thể bán tới 250.000 đồng hoặc hơn một ký. Nhưng khởi nghiệp với hồng treo gió có dễ dàng?
Ngày tết còn gì vui hơn là nhâm nhi hồng treo gió bên chén trà xuân
|
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết, có những điều người khởi nghiệp cần lưu ý: “Làm hồng treo gió khi đã trở thành một nghề và tạo ra số lượng sản phẩm lớn thì không dễ dàng. Đó là quá trình nghiên cứu thử nghiệm lâu dài để ra một công thức chuẩn cho phù hợp với khí hậu tại nơi sản xuất. Đồng thời chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng đạt chuẩn không phải rẻ. Một lưu ý quan trọng nữa nếu bạn muốn gắn bó với hồng treo gió đó chính là phải nghiên cứu quy trình bảo quản. Đặc biệt trong quá tình vận chuyển từ nơi sản xuất (thường từ Đà Lạt, Lâm Đồng) về nơi tiêu thụ vì hồng treo gió rất dễ lên men, sinh khí tự nhiên dẫn tới căng phồng, có mùi rượu lẫn phát sinh nấm mốc”.
Bình luận (0)