Mơ người Hà Nội

20/02/2021 13:03 GMT+7

Sau mỗi ngày làm việc, tối về, mấy chị em quây quần bên nhau và… hát. Lạ làm sao, chúng tôi lại chỉ hát những bài hát về Hà Nội.

Lần đầu ra thành phố

Năm 1998, tôi làm công nhân ở một công ty giày thể thao trên phố Hạ Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. Bên bờ đầm Hạ Đình quanh năm gió thổi dàn dạt, có một dãy nhà trọ xây theo kiểu chỏng lỏn, tức là chỉ nhõn một cái nhà bé xíu, đủ kê 2 chiếc giường đôi, không nhà bếp, hay các công trình phụ. Tôi và tám chị em ở Thanh Hóa, Hưng Yên, Thái Bình… đã sống ở đó những ngày đầu ra thành phố.
Sau mỗi ngày làm việc, tối về, mấy chị em quây quần bên nhau và… hát. Lạ làm sao, chúng tôi lại chỉ hát những bài hát về Hà Nội. Đó không phải là một sự lựa chọn chủ ý. Chỉ là, dường như ai cũng thấy những bài hát đó hay hơn bao giờ hết khi nó được cất lên trên chính mảnh đất này, nơi ấp ủ, nuôi dưỡng bao ước mơ lập nghiệp chốn thị thành.
Với mỗi người, việc gắn bó với một miền đất nào đó đôi khi không phải do họ chủ động lựa chọn, mà do một chút duyên lành. Nhiều người vì yêu mà tìm đến, nhiều người vì đã đến mà yêu.
Ngày ấy, tất cả chúng tôi còn rất trẻ, mỗi buổi tối tan ca về nhà trọ, đi qua những gia đình đang sum vầy, nghe nhạc hiệu từ vô tuyến vẳng ra, đứa nào cũng nhớ nhà cồn cào, da diết. Đêm, cả mấy chị em ngồi hát, rồi một ai đó bỗng dưng rấm rứt khóc, thế là tất cả khóc theo. Hồn nhiên khóc, hồn nhiên thương nhớ quê hương, hồn nhiên tin tưởng ở sự lựa chọn hiện tại. Ai cũng ước mơ trở thành một người Hà Nội.
Thi thoảng, có những buổi tối, chúng tôi lại dắt nhau đi bộ trên một chặng dài phố Nguyễn Trãi với hàng xà cừ cổ thụ xòa bóng, rụt rè mua một nắm hạt dẻ nóng hổi trên hè phố và vô tình gặp một, hai người bạn hồi phổ thông đang là sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn gần đó hối hả đạp xe qua, cũng khao khát ngày này năm sau mình cũng là sinh viên như bạn.

Đường Nguyễn Trãi đã thay đổi quá nhiều...

Ảnh Lưu Quang Phổ

Ở lại

Mười lăm năm sau, tôi từng muốn về quê sau khi ra trường, cuối cùng tôi lại làm việc ở thủ đô. Phòng làm việc chung của cả cơ quan nhìn ra đường Bà Triệu luôn tấp nập, thấy 4 mùa giao nhau trong những vui buồn thành thị.
Ở cơ quan tôi, hầu hết mọi người đều là thế hệ thứ 2 sinh ra và lớn lên ở thủ đô. Họ yêu Hà Nội vì đó là nơi phủ trùm lên ký ức ấu thơ, những năm tháng tuổi trẻ, những rung động đầu đời. Mỗi người yêu và bảo vệ thành phố của họ một cách khác nhau, và trong những cách ấy có cả sự… cực đoan.
Chẳng hạn như “ngài nhiếp ảnh gia” của cơ quan tôi. Có thể nói đây là một người Hà Nội gốc, được sinh ra bên bờ hồ Hoàn Kiếm, tuổi thơ trèo sấu, hái me, bắt ve đủ cả. Chỉ có điều, hàng ngày cả gia đình chú sinh hoạt trong ngôi nhà rất chật chội ở phố cổ. Ai cũng khuyên chú bán nhà đi, tìm mua một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô cho thanh thản tuổi già, nhưng chú nhất định không bán, chỉ vì một lý do ít ngờ tới: những nhà quanh đó đã bán cho dân nhập cư, nên đó là lý do vì sao cái phố cổ mỗi ngày thêm lộn xộn, vì người Tràng An chính gốc đã mỗi ngày một hiếm. Cứ thế này, chẳng bao lâu, người Tràng An, hồn cốt của Hà Nội sẽ bị hòa tan…
Quả vậy, 20 năm từ khi đặt chân lần đầu tiên lên mảnh đất thủ đô, tôi chứng kiến những đổi thay ngoạn mục, vừa kỳ diệu, vừa nuối tiếc.
Những người bạn tôi vô tình gặp trên đường đi học về một đêm đông năm nào, giờ đã yên ổn và có nhà riêng ở thành phố. Có một ngôi nhà nhỏ để định cư ở thủ đô là khát khao của hàng triệu người ngoại tỉnh đang làm ăn sinh sống ở Hà Nội. Đã có những chung cư cao tầng mọc lên khắp nơi đáp ứng mong muốn đó. Và người bốn phương trụ lại thủ đô, biến những chung cư thành những ngôi làng tổng hợp văn hóa đa vùng miền. Nhưng, ít ai biết cách hòa nhập một cách văn minh với đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, để đến nỗi một người Hà Nội gốc đã phải có phản ứng tiêu cực, là không chịu nhường chỗ cho bất cứ dân ngoại tỉnh nào, chỉ vì sợ họ làm xấu đi nét văn hóa đậm chất Tràng An.
Bây giờ, mỗi khi đi trên đường Nguyễn Trãi, tôi lại nhớ hàng cây xà cừ cổ thụ ngày nào. Nhớ những người bạn từ 20 năm trước, có ai còn trụ lại? Nhớ lần đầu tiên nhận món lương ít ỏi, ra cửa hàng bách hóa Thanh Xuân chọn mua tặng bố chiếc áo sơ mi đầu tiên, mà cuối cùng ông lại chẳng mặc vừa. Nhớ đêm nhà trọ, nằm trên chiếc giường chỉ duy nhất cái giát tre, nghe tiếng hát Hồng Nhung từ bên kia phố vẳng lại qua một cái ao dày chạt lục bình: “Tôi mong về Hà Nội/Tìm lại tiếng ve ngày trẻ dại…”. Nhớ lời người bạn chung nhà trọ bên bờ đầm Hạ Đình năm xưa: “Nếu không thể trở thành một người Hà Nội tốt, thì cũng nên cố gắng không biến mình thành người Hà Nội xấu” …
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.