'Minari' phản ánh tình trạng nhập cư vào Mỹ đã lỗi thời với nhiều người Hàn

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
24/04/2021 10:30 GMT+7

Câu chuyện chân thành về hiện trạng người nhập cư Hàn Quốc trong Minari đã gây được tiếng vang đối với nhiều người Mỹ gốc Á nhưng với một số người Hàn Quốc, bộ phim đưa ra quan điểm quá lỗi thời về việc nhập cư vào Mỹ.

Minari (tựa Việt: Khát vọng đổi đời) do Lee Isaac Chung - một người Mỹ gốc Hàn đạo diễn, được sản xuất tại Mỹ, nhận 6 đề cử Oscar, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Youn Yuh Jung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Oscar, một diễn viên Hàn Quốc nhận đề cử dù đã bước sang tuổi 74.
Phát hành giữa đại dịch Covid-19, Minari đậm văn hóa Hàn trên đất Mỹ và việc nhận đề cử Oscar đã giúp phim khá thành công về thương mại ở Hàn Quốc, nơi bán đến 7 triệu USD tiền vé trong tổng số 11 triệu USD tổng doanh thu toàn cầu, trong đó có 2 triệu USD từ các suất chiếu ở Mỹ, theo số liệu của trang IMDb.

Trailer Phim Minari (Khát vọng đổi đời)

Minari kể câu chuyện về một gia đình nông dân nhập cư sống ở vùng nông thôn bang Arkansas vào những năm 1980 đúng vào thời kỳ hoàng kim của dòng người nhập cư từ Hàn Quốc đến Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay, câu chuyện này ngày càng xa lạ với nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là lớp trẻ.
“Đúng là mọi người ít quan tâm đến Minari do chủ đề của nó, vì ngày nay chủ yếu là những người giàu có nhập cư vào Mỹ”, một giáo viên 35 tuổi tên Jeong nói với Reuters.
Khoảng 350.000 người Hàn Quốc được ước tính đã nhập cư vào Mỹ trong những năm 1980 sau khi được tự do du lịch và học tập ở nước ngoài. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, số người Hàn đến Mỹ hằng năm đạt đỉnh vào năm 1986, ở mức 30.500 người nhưng giảm xuống còn 8.000 người/năm vào những năm 2000. Tiếp đó chỉ khoảng 4.000 người/năm sau khi Washington thắt chặt kiểm soát nhập cư sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Youn Yuh Jung nhận đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc ở tuổi 74

ẢNH: IMDB

Dữ liệu của Bộ này cho thấy, hầu hết những người Hàn Quốc nhập cư Mỹ đều có việc làm hoặc đáp ứng yêu cầu đầu tư gần một triệu USD để có suất định cư.
Căng thẳng chủng tộc, nổi bật là vụ xả súng gần đây ở Atlanta khiến 4 người Mỹ gốc Hàn thiệt mạng và số ca tử vong do Covid-19 tăng cao đang phủ bóng đen lên ý tưởng sống ở xứ cờ hoa, Park Soo Hui (69 tuổi) - người có thân nhân hiện sống ở Mỹ nhận định.
Bà Park Soo Hui cho biết Minari nhắc nhở về những khó khăn mà người thân phải chịu đựng sau khi chuyển đến Mỹ vào đầu những năm 1990. Nhưng cô cháu gái tuổi teen lại có suy nghĩ khác. Bà nói: “Người thân của tôi hy vọng có một cuộc sống tốt hơn ở Mỹ vì ở đây họ gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng họ phải trải qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu đến Mỹ, bao gồm nạn phân biệt chủng tộc và lục đục gia đình vì quan điểm sống. “Khi chúng tôi cùng xem phim Minari, cháu gái tôi cho rằng không phải ai cũng có cơ hội đến Mỹ”.

Cảnh trong phim Minari

ẢNH: IMDB

Minari là bộ phim thứ hai của Hàn Quốc gây tiếng vang tại lễ trao giải Oscar sau Parasite (Ký sinh trùng) từng gây bão năm 2020, nhận được 6 đề cử và 4 chiến thắng, bao gồm Phim hay nhất. Parasite thu hút hơn 10 triệu lượt xem tại rạp ở Hàn Quốc trong vòng hai tháng kể từ khi phát hành vào năm 2019, trở thành một trong những bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Minari khởi chiếu tại Hàn Quốc vào ngày 3.3. Khoảng 925.000 khán giả đến rạp xem tính đến ngày 21.4, dữ liệu của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) công bố.
Hơn cả phim Minari, người Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm nhiều đến đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Youn Yuh Jung trong vai một người bà xấu tính đến Mỹ để chăm sóc cháu của mình. Nhà phê bình văn hóa Jung Duk Hyun nhận định khán giả Hàn có thể tập trung hơn vào Youn Yuh Jung vì bà không chỉ giành được đề cử Oscar mà còn là hiện thân của “người bà độc lập, tinh nghịch và vui vẻ” - một hình tượng phụ nữ ngày càng được theo đuổi trong xã hội Hàn Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.