Theo Engadget, cách nay hơn 1 tuần, NASA ký hợp đồng trị giá 2,9 tỉ USD với SpaceX để chế tạo tàu đổ bộ Mặt trăng phục vụ dự án Artemis Moon. Khi chọn SpaceX, NASA phải bỏ qua hai nhà thầu khác là Dynetics và Blue Origin.
Không đồng ý với quyết định này, Blue Origin đã gửi đơn phản đối lên chính phủ liên bang, tuyên bố NASA trao hợp đồng cho đối thủ không phù hợp.
Người phát ngôn của Blue Origin nói với Engadget: "NASA đã thực hiện một thương vụ mua lại đầy sai sót cho chương trình Human Landing System, thay đổi mục tiêu vào phút cuối. Quyết định của họ loại bỏ mọi cơ hội cạnh tranh, thu hẹp đáng kể cơ sở cung cấp, trì hoãn và gây nguy hiểm cho việc đưa Mỹ trở lại Mặt trăng".
Bob Smith - CEO Blue Origin cho biết: "[NASA] khá giỏi trong các thương vụ, nhất là nhiệm vụ hàng đầu đưa Mỹ trở lại Mặt trăng. Tôi cảm thấy những sai sót này cần được giải quyết và khắc phục".
Sự kiện NASA chọn SpaceX thay vì Blue Origin cho sứ mệnh trở lại Mặt trăng một lần nữa lại châm ngòi cuộc chiến giữa hai tỉ phú công nghệ. Sau khi hay tin Blue Origin phản đối quyết định của NASA, Elon Musk không bỏ lỡ cơ hội "đá xoáy" đối thủ trên Twitter. Nhà sáng lập SpaceX mỉa mai Jeff Bezos còn "không thể đưa tàu lên quỹ đạo".
Trong quá khứ, hai tỉ phú giàu nhất nhì thế giới nhiều lần thể hiện sự bất đồng quan điểm cả trên Twitter và trong những bài phỏng vấn với báo chí. Jeff Bezos tập trung đưa con người lên Mặt trăng và gọi tham vọng vươn tới sao Hỏa của Elon Musk là "thiếu động lực". Còn Musk hay gọi Bezos là "kẻ sao chép", chê Blue Origin phát triển quá chậm cũng như Bezos đã quá già.
Sở dĩ Blue Origin gọi SpaceX là lựa chọn "rủi ro cao" vì hợp đồng họ giành được có cả điều khoản dùng tàu Starship đang trong quá trình phát triển để đưa các phi hành gia lên Mặt trăng. Cho đến nay, hầu hết các thử nghiệm Starship của SpaceX đều kết thúc bằng những vụ nổ. Tuy nhiên, gần đây công ty đạt được thành công đáng kể khi hoàn thành sứ mệnh Crew-2 của NASA, dùng tên lửa Falcon 9 và tàu Crew Dragon để đưa 4 phi hành cập bến an toàn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Bình luận (0)