“Từ ngày bỏ phố về quê trong ví mình không có nổi 1 triệu đồng, tiền kiếm được một tháng có thể không bằng bữa đi nhậu với bạn bè lúc còn ở thành phố, nhưng đổi lại chúng ta được sự bình yên, được tự do, được thoải về đầu óc… Nói chung cái gì cũng có cái giá của nó và nếu bạn nào có ý muốn bỏ phố về quê thì phải dự trù được cuộc sống sẽ khác xa hoàn toàn khi còn ở phố, và phải can đảm, cố gắng hết mình với sự lựa chọn của bản thân”, sau gần 2 năm bỏ phố về quê, Trần Văn Luân tâm sự.
|
Bỏ vị trí giám đốc để về quê
Mới đây, Luân (31 tuổi, quê Hậu Giang) đăng hình ảnh những ngày còn ở phố trong những bộ vest bảnh bao và hình ảnh toàn thân lấm lem bùn lầy vì công việc nuôi ốc hiện tại ở quê nhà, kèm với dòng trạng thái: “Trước và sau khi bỏ phố về quê, nhìn thôi là biết em thích nghi cỡ nào rồi”.
Những hình ảnh này đã khiến cho nhiều bạn trẻ có ý định bỏ phố về quê cũng phải ngưỡng mộ trước sự thích nghi của Luân, bên cạnh đó, cũng có thêm được nhiều chuẩn bị cho bản thân cả về tinh thần lẫn những kế hoạch lâu dài nếu muốn rời phố về quê.
|
|
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành xây dựng dân dụng Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ), Luân khăn gói lên TP.HCM xin việc và được một công ty xây dựng nhận vào làm, lúc đầu Luân chỉ được làm công trình nhà cấp 4, gắn bó hơn một năm Luân được phân công làm giám sát kỹ thuật, nhưng thời điểm đó lương còn thấp mà cuộc sống ở thành phố với mức lương như vây anh chàng thấy không đủ sống, vậy là xin nghỉ việc và thử sức mình với công việc mới. Được người anh giới thiệu và Luân chuyển sang làm kinh doanh, làm ở vị trí nhân viên kinh đoanh đúng 4 tháng 23 ngày thì Luân được bổ nhiệm làm Giám đốc kinh doanh chi nhánh, và gắn bó với vị trí đó trong 3 năm.
|
“Lúc đảm nhận vị trí giám đốc kinh doanh chi nhánh thì mình mới 25 tuổi, ở cái tuổi đầy nhiệt quyết và nhiều ước mơ. Mình còn nhớ tháng lương đầu tiên nhận được ở vị trí mới là hơn 18 triệu, nói chung là gấp nhiều lần so với làm xây dựng, nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó. Mình lao vào công việc bất kể ngày đêm, và những bữa tiệc tùng ăn nhậu với công ty, khách hàng cứ thế triền miên. Mình cưới vợ mà mà còn không xem ngày giờ gì hết mà chỉ chọn ngày thứ 7, chủ nhật làm ngày cưới để sau ngày cưới là thứ 2 và mình lại trở về với công việc. Thật sự, mình đánh đổi nhiều thứ, nhiều lúc mình quên luôn là mình có vợ, công việc ngày càng áp lực…”, Luân nhớ lại.
Rồi một ngày, Luân chợt nhận ra: “Mình không thích hợp với áo cọc quần tây, mình cần gia đình, cần bữa cơm chung hơn là những bữa ăn nhậu không hồi kết. Mình bắt đầu suy nghĩ đã đến lúc cần sống vì gia đình, thế là mìnhquyết định thôi việc để bỏ phố về quê. Rào cản lớn nhất là gia đình, cha mẹ, đồng nghiệp điều bất ngời với quyết định của mình, họ có lúc giận nhưng không sao chỉ cần cố gắng dù làm gì đi nữa cũng sẽ có ngày đạt được thành quả”.
Quyết tâm của chàng trai chưa một lần biết làm nông là gì
Mặc dù là bỏ phố về quê nhưng Luân cho biết anh chàng không hề đưa ra quyết định một cách đường đột mà trước đó Luân đã có kế hoạch hơn nửa năm: “Trong nửa năm đó mình suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng mình quyết định về quê chọn khởi nghiệp bằng nghề nuôi con ốc nhồi, một công việc mà buộc mình suốt ngày phải lội mương, lội bùn lầy. Khi bắt đầu ai cũng nói mình khùng vì chọn cái nghề mà cái quần không khô”, Luân dí dỏm kể.
|
|
Nhớ lại những ngày đầu mới bắt đầu công việc như một người nông dân thực thụ, Luân cho biết ngày đó khó khăn chồng chất: “Lúc đầu công việc khá là khó khăn với mình, vì từ nhỏ tới giờ mình không biết gì về việc làm nông, hơn nữa từ lúc học xong là mình đã đi làm ở thành phố nên chưa một ngày làm ruộng làm vườn. Khó khăn nữa là môi trường sống, lúc đầu khi mới về quê mình sống và làm việc một mình trên khu đất 5000m2, không điện, không nước sạch, cuộc sống sinh hoạt hầu như bị đảo lộn hết. May mắn là được hàng xóm thương, nhà kế bên cho mình câu nhờ điện, wifi...để dùng”.
Hiện nay Luân nuôi ốc và cũng kết hợp trồng thêm một số loại nông sản như chuối, đu đủ, rau màu phục vụ cho gia đình. Nửa năm đầu thì thu nhập bấp bênh nhưng Luân đã cải tạo lại tất cả thì đến hôm nay cũng đã có thu nhập từ chuối, bông súng, tuy là không nhiều nhưng cũng đủ để sống và trang trải các chi phí. Sắp tới, Luân dự định sẽ mở trang trại bán ốc giống và ốc thương phẩm với hi vọng sẽ cải thiện thêm thu nhập để lo cho gia đình.
|
Mặc dù cuộc sống nhiều khó khăn và đánh đổi như vậy nhưng khi được hỏi có hối hận không thì Luân chẳng ngại ngần trả lời: “Từ cái ngày mà bắt đầu cuộc sống nông dân, trong ví mình không có được 1 triệu đồng, biết bao là chi phí tất cả là nhờ vợ, lâu lâu có xin ba mẹ chút đỉnh để mua đồ ăn cơm, thật sự nó không như trong mơ đâu mọi người, nhưng mình chưa bao giờ hối hận và cũng không có ý định sẽ trở lại công việc trước đây, mặc dù có nhiều công ty đã mời về làm nhưng mình điều từ chối”.
|
|
Vậy lý do là gì mà khiến Luân nhất quyết bám trụ với cuộc sống còn nhiều khó khăn ở quê nhà như vậy? Về vấn đề này, Luân nói: “Đơn giản mình muốn được gần gia đình, hơn nữa trước khi quyết định bỏ phố về quê mình đã có định hướng, có kế hoạch rõ ràng, và mình đang đi đúng hướng như mình đề ra ban đầu nên việc hối hận với mình là không có mà ngược lại mình rất vui và hài lòng với những thứ hiện tại. Một điều quan trọng nữa là mình muốn làm ra nhưng sản phẩm sạch, trước là phục vụ gia đình và sau là kiếm thêm thu nhập cũng như mong muốn mọi người xung quanh thay đổi tư duy làm nông nghiệp, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…”.
|
Mặc dù rất hạnh phúc với cuộc sống bỏ phố về quê nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn có một điều khiến Luân còn buồn lòng: “Đó là mẹ mình vẫn chưa chấp nhận. Đã hơn một năm rồi mẹ mình chưa ghé quá chỗ mình ở, điều đó làm mình hơi buồn, nhưng mình sẽ cố gắng làm để mẹ tin tưởng rằng mình sẽ sống tốt hơn, làm tốt hơn khi ở quê”.
Không khuyến khích người trẻ bỏ phố về quê
“Thành thật mình không khuyến khích các bạn từ bỏ thành phố về quê đâu, ai cũng có hoàn cảnh riêng lý do riêng dẫn đến sự quyết định, nhưng vì lý do áp lực công việc thì không nên các bạn ạ. Dù làm bất cứ công việc gì thì chuyện áp lực là điều đương nhiên, hãy can đảm vượt qua. Đừng vì 1 phút bốc đồng mà từ bỏ vì cuộc đời chúng ta có được bao nhiêu lần để bắt đầu lại, nếu gặp khó khăn mà từ bỏ thì khi về quê các bạn cũng sẽ từ bỏ rồi tìm việc nữa thôi, vì vậy hãy luôn cố gắng hết mình với đam mê và cuộc sống hiện tại”, Luân khuyên và cũng gửi gắm thêm: “Nhưng đối với những bạn đã có kế hoạch có định hướng rõ ràng và sự chuẩn bị tốt cho tất cả mọi thứ khi về quê thì các bạn hãy cứ mạnh dạn lên. Vì kế hoạch mà không thực hiện thì mãi mãi nó chỉ là mớ hỗn độn”.
|
Mặc dù không khuyến khích người trẻ cứ chán công việc lại bỏ phố về quê, nhưng với những bạn trẻ đã có kế hoạch về quê thì Luân cho rằng các bạn phải chuẩn bị kỹ rất nhiều thứ.
“Đầu tiên đó là sự quyết tâm và chịu khó, bởi vì cuộc sống dưới quê khác xa hoàn toàn. Thứ 2 là sức khỏe, phải có đủ sức khỏe để đương đầu với những khó khăn. Bạn sẽ không có ngày chủ nhật, ngày lễ, bạn chỉ biết làm, làm và làm. Tập làm quen với việc thức dậy từ 5 giờ sáng và làm tới khi tối mịt. Điều thứ 3 cần chuẩn bị đó là tài chính, hãy học cách tiết kiệm và làm quen với việc bạn không có tiền trong ví bất cứ lúc nào, tiền lương của các bạn chính là sức lao động cần cù mà bạn bỏ ra. Và một điều quan trọng nhất đó là sự đồng thuận từ gia đình trước khi các bạn quyết định bỏ phố về quê”, Luân chia sẻ.
Bình luận (0)