Dồn lực cho vắc xin, cứu trợ nhanh và mạnh hơn nữa

23/07/2021 04:54 GMT+7

Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 bùng phát quá nhanh, quá nguy hiểm. Vì vậy, các giải pháp, gói hỗ trợ dành cho người dân cũng phải nhanh hơn, mạnh hơn nữa.

Hôm qua (22.7), Quốc hội (QH) dành gần cả ngày để nghe báo cáo, thảo luận về tình hình KT-XH, thu chi ngân sách. Nhiều vấn đề được đưa ra, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu (ĐB) thuộc 19 tổ về giải pháp để hỗ trợ người dân vùng dịch, giúp doanh nghiệp (DN) vực dậy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP, không để lỡ nhịp với đà phục hồi của thế giới.

Sáng 23.7: Cả nước thêm 3.898 ca Covid-19, riêng TP.HCM có 3.302 ca

Tiền đâu để hỗ trợ?

Trước đó, thay mặt Chính phủ đọc báo cáo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhưng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64% là mức khá cao so với các nước trên thế giới, lạm phát được kiểm soát. Về đối sách, Chính phủ vẫn khẳng định mục tiêu giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiên định mục tiêu kép, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển KT-XH.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH do Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh trình bày sau đó đồng tình với nhận định của Chính phủ; ghi nhận kết quả tích cực về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Ủy ban Kinh tế đánh giá việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ dịch Covid-19 đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của DN với hơn 168.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Thẩm tra giải pháp tháo gỡ khó khăn, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.
Thảo luận tại tổ, GS-TS Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân) cảnh báo nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp so với đà phục hồi của thế giới (Trung Quốc quý 2 tăng 12%, Singapore tăng 10%...). “Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, cần các gói hỗ trợ không phải dạng “hà hơi, thổi ngạt” như vừa qua, không phải chỉ để DN không bị chết, không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá”, ĐB Cường nói và đề xuất nếu DN có được nguồn lực tốt thì thậm chí có cơ hội để thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy; có thể mua lại các dây chuyền, mua lại những công nghệ của nước ngoài về để thay thế.
Về câu hỏi “tiền ở đâu?”, ĐB Cường cho biết hiện thu ngân sách đạt 58,3% dự toán, đây là con số rất tốt để có dư địa hơn nữa cho việc thực hiện các chính sách về tài khóa. Cộng thêm chỉ số CPI thấp thì 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa. Trong đó, cần giảm hơn nữa lãi suất cho vay đối với DN.
ĐB Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng thời gian qua, việc thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, do đó cần có giải pháp để gói hỗ trợ được giải ngân nhanh chóng đến với các đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Hiển đợt dịch lần thứ 4 phức tạp, diễn biến mạnh, nhiều DN bị ảnh hưởng, nên gói hỗ trợ lần thứ 4 phải đủ lớn để vực dậy các DN. “Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng vừa tung ra chỉ là trước mắt, cần phải có gói 62.000 tỉ đồng như trước đây hoặc phải lớn hơn thì đó mới là liều vắc xin cho người dân”, ĐB Hiển nói và lưu ý việc giãn, hoãn, miễn thuế là điều cần thiết và cần tiếp tục duy trì.

Nỗi lòng người Đà Nẵng ngày về tránh Covid-19: Thất nghiệp 2 tháng không xu dính túi

Dồn lực cho vắc xin

Ngoài giải pháp kinh tế, theo các ĐB, then chốt và cấp bách nhất hiện nay là làm sao tiêm vắc xin nhanh nhất để miễn dịch cộng đồng. Báo cáo trước QH tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Đỗ Văn Chiến trình bày cho biết cử tri và nhân dân còn băn khoăn lo lắng trong bối cảnh khan hiếm vắc xin toàn cầu, cam kết của các nhà cung ứng lỏng lẻo, vắc xin trong nước chưa sản xuất được, phải có giải pháp thật sự đột phá, khả thi thì mới đạt được tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số của cả nước như kế hoạch. Chính phủ cần chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin của người dân.

Chính phủ khóa mới vẫn giữ nguyên 22 bộ, ngành

Sáng 22.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước QH tờ trình cơ cấu Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chính phủ cho rằng việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết, phù hợp. Theo Thủ tướng, Bộ Chính trị cũng có kết luận khẳng định “trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 như khóa XIV”. Cụ thể, Chính phủ đề nghị QH quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ như khóa XV nhiệm kỳ 2016 - 2021.
ĐB Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, góp ý Chính phủ cần dốc tổng lực huy động nguồn nhưng phải công khai minh bạch trong kế hoạch tiêm vắc xin. “Thông tin mới được biết qua báo chí chứ chưa thấy có kế hoạch địa phương nào được phân bổ bao nhiêu, kế hoạch hằng tuần tiêm ra sao. Người dân đăng ký nhưng không biết bao giờ tiêm. Nên có một kế hoạch rất chi tiết để đảm bảo minh bạch và trước mắt ưu tiên cho tỉnh có dịch như phía nam và TP.HCM”, ĐB Việt đề nghị.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vắc xin. ĐB Lan cũng lo lắng về các bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng, tử vong: “Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro, anh em không dám giải ngân”. Đây cũng là lo lắng của ĐB Trần Hoàng Ngân khi ông bày tỏ “rất đau buồn” khi TP.HCM đã có hàng trăm ca tử vong. “Chúng ta cần đẩy nhanh sản xuất vắc xin trong nước, giảm tối đa thủ tục để đưa vắc xin nội vào sử dụng”, ông nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (ĐB đoàn TP.HCM) đồng ý thúc đẩy huy động nguồn vắc xin và tiến trình nghiên cứu, sản xuất, phổ biến vắc xin sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng. Chủ tịch nước cũng cho biết tại kỳ họp này, ông đã đề nghị QH bổ sung vào nghị quyết kỳ họp nội dung về phòng chống dịch Covid-19, vì Chỉ thị 16 do chính ông ký ban hành khi còn là Thủ tướng nhiệm kỳ trước, đã không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tình hình mới.

Bản tin Covid-19 ngày 22.7- Cả nước 6.194 ca mới, TP.HCM có thể áp dụng 16+ ở vùng nguy cơ

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Bội chi ngân sách bình quân 3,7% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.
Về xã hội: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/10.000 dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%.
Về môi trường: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.