Đi chống dịch, chàng trai nuôi chó giúp chủ nhà F0 ở Sài Gòn

03/08/2021 14:01 GMT+7

“Xin thương Moon-si. Xin cho nó ăn hoặc nuôi giùm khi nhà đi vắng. Gia đình xin cảm ơn”, dòng chữ trên bìa cứng khiến Nguyễn Duy cảm động. Anh quyết định nuôi chó giúp chủ nhà F0 ở Sài Gòn đang đi cách ly.

Nguyễn Duy, sinh viên năm 3, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, phân hiệu tại TP.HCM. Khi dịch bệnh bùng phát, nam sinh viên 21 tuổi tình nguyện tham gia chống dịch tại địa phương mình đang sinh sống là P.5, Q.Tân Bình. Chú chó anh đang nuôi giúp chủ nhà là F0 đang phải đi cách ly tập trung, cũng tình cờ chính là nhà cô giáo dạy môn thể dục của anh thời học THCS.
“Cô biết tôi là tình nguyện viên chống dịch ở phường. Một hôm cô gọi điện cho tôi nói là gia đình cô đều là F0 nên phải đi cách ly tập trung, bây giờ chú chó nhỏ này không biết gửi đâu. Cô nhờ tôi có biết trung tâm thú y nào thì mang chó đi gửi giúp cô không tội nghiệp. Tôi tới nhà cũng thấy tấm bảng cô viết chữ trên bìa các tông để lại là "xin thương Moon-si, xin cho nó ăn hoặc nuôi giùm khi nhà đi vắng" thì rất thương. Tôi quyết định cùng với các tình nguyện viên khác chăm sóc em ấy luôn”, Nguyễn Duy kể.

Tấm biển của gia đình F0 để lại khiến Duy và các tình nguyện viên rất xúc động

Ảnh NVCC

‘Cơ duyên’ với những chú chó trên đường chống dịch

Từ tháng 6, Duy tình nguyện tham gia chống dịch tại P.5, Q.Tân Bình. Là nhóm trưởng của một nhóm với 15 bạn trẻ tình nguyện viên, Duy phân công, điều phối công việc. Khu vực P.5 có 5 khu phố. Thông thường, mỗi sáng các bạn sẽ trực chốt tại các khu phong tỏa trong những khu phố.
Sau đó, họ chia thành những nhóm nhỏ, thực hiện phun khử khuẩn các nhà có người thuộc diện F1 và chuẩn bị phát nhu yếu phẩm cho khu phong tỏa.
Khi TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng, nhóm của Duy vào từng nhà kêu gọi người dân tới điểm lấy mẫu đúng giờ. Sau đó, các bạn hỗ trợ điều phối tại khu lấy mẫu, vừa nhập liệu, ghi thông tin mẫu, vừa đảm bảo cho mọi người giãn cách đúng 5K.

Các tình nguyện viên trong đội của Duy mỗi người mỗi công việc, người phun xịt khuẩn, người phát nhu yếu phẩm...

Nguyễn Duy đang đi trao các nhu yếu phẩm cho người dân ở P.5

Ảnh NVCC

“Một lần tôi vào từng nhà để phát phiếu và nhắc mọi người đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 thì con chó trong nhà chưa cột chạy xồ ra, cắn cho một phát vào chân. Cũng may tôi mặc đồ bảo hộ ở bên ngoài nữa, nên không bị làm sao nhưng sau lần ấy là rất sợ. Nhưng như mình có duyên nợ với mấy chú chó. Sau thấy Moon-si của nhà cô giáo là F0, tôi thấy rất thương nên đã cùng nuôi nó trong những ngày chủ nhà đi cách ly”, Duy kể.
Cô giáo để lại chìa khóa nhà cho Duy. Mỗi sáng trên đường đi trực, anh ghé qua nhà cho chó ăn. Chú chó ngoan sau lần đầu còn e dè sợ sệt với chàng trai mặc đồ bảo hộ xanh đầy mùi nước xịt khuẩn đã dần dần làm quen và ăn hết các phần thức ăn mang tới. Chú chó cũng làm quen với hết các thành viên trong đội tình nguyện. Trưa vào chiều, các tình nguyện viên ăn gì thì Moon-si lại được ăn đồ dư.
Mới đây, một nữ nhân viên y tế trong P.5, Q.Tân Bình cũng nhờ Duy và đội tình nguyện hỗ trợ chăm sóc một chú chó của chị không, vì chị đi chống dịch suốt, không còn thời gian nào dành cho thú cưng. Nhưng lần này Duy không dám đảm nhận. “Chú chó này khá lớn, giống nước ngoài nên chúng tôi không biết cách chăm sóc. Có thể tôi sẽ liên hệ một trung tâm thú y nào đó giúp chị”, Duy nói.

Kỷ niệm những lần đói run tay chân khi đi chống dịch

Duy và các thành viên trong đội tình nguyện chống dịch đã gắn bó với khắp các ngõ hẻm của P.5, Q.Tân Bình từ tháng 6 tới nay.
7 cô gái, 8 chàng trai, họ làm việc từ 6 - 18 giờ. Thời gian trước, khi các địa phương lấy mẫu trên diện rộng, họ có thể làm việc tới tối khuya. Cha mẹ nhiều khi lo lắng, nhưng họ tâm sự, bản thân mỗi người đều được rèn luyện trưởng thành trong mùa dịch này. Đi chống dịch, ai cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế trong việc mặc đồ bảo hộ, giữ khoảng cách, khẩu trang và xịt khuẩn. Thời gian đi lấy mẫu cho bà con, cứ 2-3 ngày nhóm lại test nhanh để kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng người.

Nhóm của Duy chốt trực tại các ngõ hẻm của P.5, Q.Tân Bình từ tháng 6

"Vất vả nhất là các bạn nam trong nhóm khử khuẩn phải vác trên lưng những thùng 20- 30 lít trong thời gian dài rất nặng nhọc. Rồi khi hỗ trợ tổ lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi chia nhau, người điều phối bên ngoài, người nhập liệu, người ghi mẫu. Để an toàn nhất cho bản thân và cộng đồng, chúng tôi không dám động vào đồ ăn, nước uống trong suốt quá trình làm việc nên nhiều khi đói bụng tới run tay chân, khát nước tới khô họng vẫn không dám động tới chai nước, hộp cơm. Phải xong xuôi hết mọi việc, thay đồ bảo hộ, phun xịt khử khuẩn, chúng tôi mới ăn uống.
Có những lúc chúng tôi thấy xót lắm, khi điều phối mời bà con vào lấy mẫu, có những ông, bà lớn tuổi đi run run, mà chúng tôi không dám lại gần đỡ ông bà vì mình đang mặc đồ bảo hộ, sợ lây nhiễm chéo, mọi người cứ đứng xa xa và nhắc “bà ơi bà đi cẩn thận nha”, Duy kể.
Nghĩa tình ấm áp của người Sài Gòn luôn khiến những tình nguyện viên như Duy và các bạn thấy ấm lòng. Nhóm của anh thường xuyên nhận được những phần cơm, bánh, nước giải khát từ các nhà hảo tâm trao tặng. Hay chính bà con dân cư sống trong các khu phố ở P.5, thấy các bạn trẻ làm việc vất vả quá lại mang trái cây, bánh, cà phê ra mời.

Những chàng trai cô gái luôn tin Sài Gòn sẽ chiến thắng dịch bệnh

Ảnh NVCC

Nhóm của Duy mới được tiêm vắc xin Covid-19 mũi đầu tiên vào hôm 31.7. Mọi người đều có sức khỏe tốt, trừ một số bạn nữ bị sốt, song không ai vắng mặt trong buổi trực ngày hôm sau. Hiện tại, cả nhóm cũng đang hỗ trợ địa phương việc điều phối, đảm bảo an toàn, giãn cách trong thời gian tiêm vắc xin Covid-19 đại trà.
"Mong sớm được chia tay nhau, ai về nhà đó. Có gặp nhau cũng ở quán cà phê nha chứ nhìn mặt nhau hoài ở chốt trực phong tỏa ngán lắm rồi nha”, chàng trai đi chống dịch kiêm nuôi giúp chó cưng giúp chủ nhà F0 thường trêu vui với các bạn trong nhóm mình như thế. Duy và những người trẻ đang ngày ngày chống dịch luôn mong và tin Sài Gòn chiến thắng dịch Covid-19, để thành phố bình yên sẽ trở về với tất cả mọi người. Để không còn ai phải "ở giữa Sài Gòn vẫn thấy nhớ Sài Gòn một chút"...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.