Nói cách khác, giáo dục Việt Nam đang tìm kiếm sự chuyển mình mang tính đột phá để trang bị 3 điều trên hoặc nhiều hơn thế nữa cho lực lượng lao động tương lai. Và tôi nghĩ cô Nguyễn Thị Duyên - giáo viên Trường Tiểu học Hàm Nghi (TP. Đông Hà, Quảng Trị), là một nhân tố quan trọng trong những bước chuyển mình của thị trường giáo dục.
Dũng cảm đi tìm sự sáng tạo
Tự nhận mình là “gà mờ” tiếng Anh nhưng cô Duyên đã kết nối lớp học nhỏ của mình đến với hơn 27 quốc gia trên thế giới bằng một công cụ vừa lạ vừa quen là Skype.
Cô học trò Nguyễn Bảo Ngọc (hiện học khối 7 Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ về cô giáo cũ của mình: “Do vị trí địa lý khác nhau nên khung giờ cũng khác nhau nhưng cô vẫn online qua Skype cùng em và các bạn nước ngoài vào ban đêm khá muộn hoặc cả giờ nghỉ trưa. Điều em tâm đắc ở cô là lòng nhiệt huyết với học trò, với cộng đồng. Dù cô không giỏi tiếng Anh nhưng cô vẫn chịu khó học và cố gắng luyện mỗi ngày để dể dàng hơn trong việc kết nối với bạn bè quốc tế”.
Bảo Ngọc gần đây còn nhận được giải 3 cuộc thi English Champion với quy mô toàn quốc do iSMART Education tổ chức, trở thành điển hình đáng tự hào của việc đào tạo tiếng Anh qua phương thức của cô Duyên.
Không dừng lại ở việc trao đổi trong phạm vi lớp học, vào ngày hội Skype Quốc tế, cô Duyên đã mời hơn 150 nhà giáo dục và các lớp học trong nước và quốc tế tham gia chuyến đi thực tế ảo thăm Thành cổ Quảng Trị và Bảo tàng Quảng Trị.
Trong những năm qua, nhờ có duyên biết đến “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam” (với hơn 58.000 thành viên), cô Nguyễn Thị Duyên đã chuyển đổi bản thân mình cả trong suy nghĩ lẫn hành động với mong muốn giúp đỡ những đồng nghiệp trên khắp cả nước và như một lời cảm ơn đến những đồng nghiệp đã hỗ trợ, đóng góp cho sự chuyển mình của giáo dục Việt Nam. Dự án “21 giờ yêu thương” - nơi chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy và cách ứng dụng những công cụ hiện đại đã ra đời. Nhờ sự điều phối của cô Duyên, “21h yêu thương” đã cung cấp nhiều chủ đề bổ ích, mang nhiều giá trị cho các thầy cô muốn học tập, thay đổi bản thân, vượt qua chính mình.
Cô Võ Tuyết Thành - giáo viên Trường THPT Trần Phú, thành viên Ban truyền thông cộng đồng của dự án, chia sẻ:“Bắt đầu kênh '21h yêu thương' chỉ là những buổi kết nối Skype giữa giáo viên Việt Nam và giáo viên nước ngoài. Lúc đó chị Duyên là người lan tỏa Skype đến giáo viên trong cộng đồng. Từ đó các hoạt động chia sẻ về chuyên môn, về các ứng dụng của Microsoft và các ứng dụng khác trong đội ngũ giáo viên Việt Nam ngày càng sôi nổi. Đầu tiên là những hoạt động tự phát; sau đó được ban quản trị cộng đồng tạo một kênh riêng trên Microsoft Teams để mời các giáo viên chia sẻ. Ngày nào chúng tôi cũng làm việc, trả lời câu hỏi của giáo viên khắp cả nước, viết bài, trực buổi chia sẻ đến 11 giờ đêm. Có nhiều khi muộn hơn thế.”
|
Dần dần, nhiều nhóm cộng đồng trên mạng xã hội Facebook tiếp tục ra đời và các hội nhóm luôn được cô Duyên “thắp lửa và truyền lửa” cả ngày lẫn đêm. Thấy được những đóng góp tuyệt vời đó, năm 2019, cô Duyên là một trong hai giáo viên của tỉnh Quảng Trị vinh dự cùng 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được Bộ Giáo dục - Đào tạo tuyên dương tại lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019". Đặc biệt, AKS Education Awards đã vinh danh và trao cho cô Giải thưởng giáo viên toàn cầu năm 2020 - giải thưởng danh giá dành cho những giáo viên có ảnh hưởng to lớn trong công cuộc đổi mới giáo dục toàn cầu.
Sát cánh cùng cộng đồng
Bên cạnh những đóng góp trong công tác giáo dục cũng như cộng đồng giáo viên trong và ngoài nước, cô Duyên cùng gia đình còn tích cực trong các công tác xã hội. Nhờ kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả và sự tín nhiệm từ bạn bè đồng nghiệp, cô Duyên và nhóm “Thiện nguyện giáo viên Quảng Trị” do cô làm trưởng nhóm đã thực hiện gần 100 lượt cứu trợ trong đợt bão lũ cuối năm 2020 với gần 300 triệu đồng tiền mặt và hơn 30 tấn hàng hóa. Ngoài ra, cô Duyên cùng nhóm kết nối được rất nhiều nhà hảo tâm đến trực tiếp với những làng quê và những ngôi trường bị thiệt hại nặng nề do lũ bão với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Cô Duyên cùng tình nguyện viên nhóm mình không ngại khó khăn, lan tỏa yêu thương, giúp đỡ được nhiều bà con vùng lũ, các cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là thầy cô và các em học sinh từ miền xuôi đến miền ngược. Cô chia sẻ: “Nhà mình gần một tháng lũ không nhóm bếp, thời gian nghỉ tiết hoặc ngày nghỉ, hai vợ chồng và nhóm thiện nguyện cứ đi đi về về xem có chỗ nào cần giúp không, khó khăn nhất là việc cân nhắc sử dụng tiền quyên góp sao cho hợp lý, sao cho đúng hoàn cảnh và giúp được nhiều bà con”.
|
Qua tấm gương nhà giáo như cô Nguyễn Thị Duyên, tôi tin rằng yêu cầu về đội ngũ lao động tương lai sẽ không dừng lại ở sự sáng tạo, kỹ năng lắng nghe chủ động và khả năng làm việc nhóm hiệu quả mà còn ngày càng nâng cao thêm nhiều yếu tố khác để mỗi người trở thành lao động ưu tú và bản lĩnh, không ngại chuyển mình, không lười lắng nghe và không ngừng kết nối vì cộng đồng.
|
Bình luận (0)