Thủ lĩnh của Buộc Mú

14/09/2021 10:01 GMT+7

Tốt nghiệp đại học, về quê, Xồng Bá Lẩu (bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, H.Kỳ Sơn, Nghệ An) bắt tay vào trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Rồi Lẩu được bầu làm trưởng bản và anh đã trở thành thủ lĩnh giúp bà con dân bản nhanh chóng thoát nghèo.

Cử nhân về quê trồng gừng, nuôi trâu
Buộc Mú nằm giáp biên giới Việt - Lào. Đứng ở bản này nhìn lên đỉnh núi Puxai Laileng cao ngất ngưởng là đường biên. Từ đây ra trung tâm H.Kỳ Sơn gần 50 km, đường dốc dựng đứng, còn xuống đến trung tâm của tỉnh thì 250 km. Con đường từ quốc lộ 7 nối vào bản này dài 35 km, mới được rải nhựa vài năm trước. “Hồi trước muốn ra quốc lộ 7 phải mất vài tiếng đồng hồ chạy xe máy. Đường đi cực khổ lắm”, Xồng Bá Lẩu kể.
Năm 2008, Lẩu thi đậu vào Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế), khoa Kinh tế nông nghiệp. Đó là người thứ 2 của xã biên giới Na Ngoi xuống núi đi học đại học chính quy. “Một người trước em học Trường đại học Văn hóa Hà Nội, về làm công chức xã. Mục đích của em lúc đó cũng là học để về làm cán bộ xã như anh ấy. Bố em là công chức xã, ông bảo mày phải học, không học thì sẽ khổ mãi”, Lẩu nói.
Năm 2012, cầm tấm bằng đại học về quê, nhưng cơ hội để làm “cán bộ xã” không đến được với Lẩu. Trong cái rủi lại có cái may, không làm cán bộ xã thì cánh cửa khác lại mở ra, rộng hơn, thích hợp hơn với sở trường và khả năng của anh.
Đỉnh Puxai Laileng cao 2.700 m so với mực nước biển. Dưới chân núi, quê của Lẩu là vùng đất khá màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Từ lâu, người dân ở đây đã trồng gừng nhưng chỉ để sử dụng trong gia đình. Khi Lẩu tốt nghiệp đại học về quê, gừng của Na Ngoi vừa mới trở thành hàng hóa, được thị trường ưa thích vì chất lượng tốt. Nhận thấy cây gừng sẽ là cứu cánh để thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu, Lẩu bắt tay vào trồng gừng, nuôi trâu. Sáng sớm, Lẩu cùng vợ đùm cơm lên rừng, làm việc hùng hục đến tối mịt. Một năm sau, Lẩu đã có 1 ha gừng và đàn trâu 12 con.
Đường sá đi lại còn rất khó khăn, một số thương lái lợi dụng để ép giá dù gừng ở đây rất được thị trường ưa chuộng. Không để công sức và giá trị của củ gừng do mình làm ra bị đối xử bất công, Lẩu xuống TP.Vinh, mò mẫm tìm đến tận đầu mối thu mua. Anh gặp được một số chủ doanh nghiệp chuyên thu mua gừng và hợp tác với họ để tạo đầu ra ổn định cho củ gừng của gia đình và dân bản. Từ đó, Lẩu đứng ra làm đầu mối cho doanh nghiệp thu mua gừng của dân. Anh mua thêm một lô đất ở ngay đầu bản, dựng một căn nhà để làm điểm thu mua gừng và buôn bán tạp hóa.

Cây tam thất anh Lẩu mang về phát triển tốt dưới tán rừng

ẢNH: HỮU VI

Trưởng bản tốt bụng  

Thân hình nhỏ thấp, nụ cười có duyên, thân thiện và đầu óc tư duy kinh tế tốt khiến người đối diện rất dễ mến khi trò chuyện với Xồng Bá Lẩu. Anh nói, nếu ra trường mà được tuyển làm công chức xã, chưa chắc anh có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và giúp dân bản làm ăn bằng việc anh làm trưởng bản. Nhìn cách làm ăn của Lẩu, người dân ở Buộc Mú phải thừa nhận: “Có học có khác, cái chữ và kiến thức đúng là không thừa”.

Nhân tố giúp dân bản thoát nghèo

Nhận xét về trưởng bản Xồng Bá Lẩu, ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, không ngớt lời khen ngợi. Ông bảo đó là một người năng động, làm kinh tế giỏi và là nhân tố tạo động lực giúp người dân Buộc Mú cùng thoát nghèo, làm giàu.  
Buộc Mú là vùng rừng, nhưng đất sản xuất không nhiều. Rừng đã bị cấm nên dân bản không được phát thêm để làm rẫy. Năm 2014, một người dân cùng bản chuyển đi nơi khác sinh sống đã bán lại cho Lẩu cái rẫy 5 ha. Anh lập tức trồng gừng và hàng trăm gốc đào trên diện tích này. Mô hình gừng và đào này đã cho thu nhập “như trong mơ” khiến nhiều người trong bản cũng làm theo.
Nhờ kiến thức ở đại học và từ các tài liệu, Lẩu đã hướng dẫn cho người dân cách nuôi trâu, trồng gừng, trồng đào và kỹ thuật chăm sóc như anh đã làm cho chính gia đình mình. Lẩu được dân bản bầu làm trưởng bản và anh trở thành người gần gũi, luôn đồng hành với bà con. “Chú Lẩu giỏi mà tốt bụng, nhà nào cần gì chú ấy cũng nhiệt tình giúp. Chú ấy đến nhà bày cho cách chăn nuôi, trồng và chăm sóc cây gừng, đào”, chị Lầu Y Sủ, một người dân ở Buộc Mú, nói.
Buộc Mú có 96 hộ dân, sống rải rác. 10 năm về trước, hầu như nhà nào cũng thiếu ăn. Từ khi cây gừng trở thành hàng hóa, và đặc biệt là từ khi anh Lẩu về quê, trở thành thủ lĩnh của Buộc Mú, cuộc sống người dân nhanh chóng thay đổi, nhiều gia đình đã có của ăn của để. Lẩu nói, điều may mắn cho anh và cho dân bản là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất thích hợp cho cây gừng. Gừng dễ trồng, không tốn phân bón, quá trình chăm sóc cũng nhẹ nhàng (chỉ làm cỏ) và giá gừng nhiều năm qua ổn định nên người trồng rất phấn khởi.
Hiện nay, diện tích gừng ở Buộc Mú đã gần 70 ha. Năm 2019, gừng Kỳ Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nên giá trị củ gừng ở đây càng tăng lên.
Năm 2020, gia đình anh Lẩu thu hoạch được 12 tấn gừng, trừ các khoản chi phí, anh lãi hơn 220 triệu đồng, chưa kể gần 200 triệu đồng tiền bán cành đào trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều gia đình trong bản Buộc Mú năm qua cũng thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhờ gừng và đào. Từ thành công trên, Lẩu đang triển khai đưa những loài cây dược liệu như tam thất, sâm... thử nghiệm trên vùng đất quê hương.

Trồng tam thất, sâm Puxai Laileng

Giữa lưng chừng đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn này là phần rừng đã giao cho cộng đồng bản Buộc Mú bảo vệ. Buổi sáng, trong khu rừng, Xồng Bá Lẩu lặng lẽ kiểm tra, chăm sóc những cây tam thất vài ba năm tuổi cao chưa đến đầu gối, củ chỉ lớn bằng ngón tay. Tam thất lẫn với cây rừng hoang dại khiến người “ngoại đạo” rất khó nhận biết loài dược liệu quý này. “Giống tam thất này tôi phải đi mua từ Mù Cang Chải (Yên Bái) về. Vùng rừng này không có cây tam thất”, anh giải thích. Khu rừng nơi Lẩu trồng tam thất cao hơn 1.600 m so với mực nước biển. Giữa trưa hè, tán rừng vẫn ẩm ướt, phảng phất hơi sương.
Xồng Bá Lẩu kể, cách đây 3 năm, anh ra thăm một người bạn ở H.Mù Cang Chải. Sau khi tìm hiểu về cây tam thất, anh quyết định bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua về 1.300 cây để trồng thử nghiệm. Anh đem trồng dưới tán rừng ở lưng chừng ngọn núi Puxai Laileng này. Đến nay, sau 3 năm đến với vùng đất mới, thứ dược liệu quý này tỏ ra rất thích hợp với điều kiện và thổ nhưỡng ở đây, cây đã bắt đầu có củ. Chừng khoảng 3 - 5 năm nữa, lứa tam thất này có thể cho thu hoạch.
Xen giữa những cây tam thất, Lẩu cũng đang trồng thử nghiệm một loài sâm bản địa. Người địa phương gọi là sâm Puxai Laileng, như tên gọi dãy núi này. Loài cây chỉ cao hơn đầu gối, lá chia làm ba thùy, hoa màu xanh nhạt. Anh cho biết đã bỏ ra 30 triệu đồng mua sâm của những thợ rừng địa phương, mang về xẻ ra để nhân giống và đã có khoảng 500 gốc. Loài sâm này có giá trị kinh tế cao, vì thế để thử nghiệm, anh phải giấu kỹ những củ sâm dưới tán cây.
Với thử nghiệm này, Lẩu kỳ vọng sẽ tạo ra những củ sâm tự trồng như người dân Quảng Nam đã làm với sâm Ngọc Linh. Để có kiến thức và kinh nghiệm trồng sâm, anh vào H.Nam Trà My (Quảng Nam) học hỏi từ một bạn học cũ. Ngoài ra, chàng thanh niên 33 tuổi này đang trồng hơn 1 ha cây đương quy (một loại thảo dược) trên diện tích lúa rẫy. “Mô hình này thành công, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm để những người trong bản cùng trồng với kỳ vọng cây tam thất, cây sâm sẽ tạo ra giá trị kinh tế cho nhiều người”, anh Lẩu nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.