100 năm ngày sinh GS Từ Giấy 10.10.1921 - 10.10.2021: Những sáng kiến thần diệu

12/10/2021 08:10 GMT+7

“Gạo bốn túi”, “lương khô”, “mô hình vườn - ao - chuồng”, “áo chống đạn cho Fidel Castro làm từ tre”, “ngâm chân nước nóng cho chiến sĩ trên đường hành quân”… đều là những sáng kiến kỳ diệu, gắn với tên tuổi nhà dinh dưỡng học Từ Giấy.

Những chiến sĩ cách mạng cùng hành quân vào mặt trận với bác sĩ (BS) Từ Giấy ngày xưa, còn lưu truyền nhiều chuyện kể về ông, như chuyến hành quân mùa đông lên sông Đà ở Chiến dịch Hòa Bình cùng ông Nguyễn Thanh Bình, sau là Bí thư Hà Nội. Mỗi khi hạ trại nghỉ, Từ Giấy tay không lặn xuống sông tìm hang bắt cá, chỉ vài hơi lặn, khi lên khỏi mặt nước đã bắt được cá to. Khi đi gặp ao hồ, Từ Giấy quan sát quanh là biết dưới có ba ba nhỏ hay to, ếch… giúp cải thiện bữa ăn cho mọi người. Những tài lẻ ấy khiến nhiều đồng đội như Nguyễn Thanh Bình tự tin nói rằng: “Đi với Từ Giấy thì không lo chết đói”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Viện Nghiên cứu ăn - mặc tại Hòa Bình năm 1971, GS Từ Giấy là Viện trưởng (thứ 2 từ trái qua)

Sáng kiến chiến trường

Trong điều kiện kháng chiến, vật chất, phương tiện, lương thực… đều thiếu thốn, để quân đội đảm bảo được 3 tốt với “ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt”, BS Từ Giấy đã đưa ra những sáng kiến thú vị.

Đó là sáng kiến “gạo bốn túi”. Ngày trước khi chuyển gạo vào chiến trường, chỉ đựng bằng bao tải, nên đa phần bị ẩm mốc, BS Từ Giấy khắc phục khiếm khuyết ấy, ông cho điều chỉnh cách đóng gói. Lớp trong cùng đựng gạo là túi ni lông, kế đến là túi vải bố, lồng tiếp vào túi bao tải chống va đập, túi ngoài cùng lại là ni lông để chống thời tiết, mưa ẩm. Với cách đóng gói này, gạo dễ dàng đem thả trôi sông, vận chuyển được số lượng lớn ở những vùng khó đi lại mà chất lượng không hề hấn gì. Các bao gạo lại chịu đựng va đập, địa bàn nào cũng phù hợp.

Để giúp chiến sĩ mắc bệnh sốt rét có được bữa ăn ngon theo tiêu chí “3 tốt” mà từ 1953, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo, là điều không dễ dàng. BS Từ Giấy sáng kiến lập các “trạm chế biến thực phẩm” tại chiến trường. Ông biết đặc tính người mắc sốt rét rất thèm chua, nên cho dựng các trạm muối dưa, chum vại lớn tập hợp ra các bãi cát, tận dụng nắng to, dưa muối chua rất nhanh, từ đó đóng gói chuyển vào chiến trường, người sốt rét ăn vừa ngon miệng lại nhanh phục hồi.

Biết tính người Việt trong bữa ăn quen dùng nước mắm, BS Từ Giấy sang Bộ Y tế xin máy dập thuốc mang về Bộ Quốc phòng để dập viên nước mắm cô, nhỏ gọn như viên thuốc, dễ dàng đưa vào chiến trường, phục vụ các bữa ăn cho bộ đội.

Kèm theo trạm chế biến là những yêu cầu phòng bệnh cho chiến trường như đi vệ sinh hố mèo (đào lỗ, vệ sinh xong lấp lại), binh sĩ hành quân ngủ màn, không ngủ đất, rửa tay trước khi ăn, tráng rửa bát đũa bằng nước đun sôi, dùng đũa hai đầu - một đầu gắp thức ăn, một đầu sử dụng; khi đóng quân là tổ chức hun muỗi hằng ngày, súc miệng nước muối. Những kiến thức tưởng chừng rất giản đơn và bình dân ấy lại là nền tảng chống dịch cực kỳ hiệu quả, đáp ứng “ăn tốt, ngủ tốt” cho chiến sĩ.

GS Từ Giấy nhận Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ từ Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

tư liệu gia đình

Muốn “đi tốt”, cho chiến sĩ ngâm chân

Để làm được cái tốt còn lại (đi tốt) là điều rất khó. Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, để kiểm tra sức khỏe bộ đội, một cuộc hành quân thử nghiệm được tiến hành với quãng đường tương đương 200 km, nhưng quân số khỏe mạnh về đến điểm chỉ định đạt có 50%. BS Từ Giấy đưa ra sáng kiến giúp chiến sĩ “đi tốt” bằng việc cho ngâm chân nước nóng.

Cựu phi công Từ Đễ kể lại cách làm của cha mình: “Rất đơn giản, khi hành quân dừng chân, ông cụ tôi chia quân số, người lo hun muỗi, người đào hố, người đi hái lá rừng, người đun nước nóng, các thao tác nhịp nhàng, chỉ 7 phút là hoàn thiện chỗ ngâm chân. Hố đào trải bạt ni lông, nước nấu lá rừng sôi, đổ vào hòa cho ấm và bộ đội thay nhau ngâm chân. Khi cơ bắp căng, mỏi mệt, ngâm chân trong nước ấm có các loại lá thuốc rừng, huyệt đạo khai thông, cơ thể khỏe, chân không mỏi, đi tốt ngay. Nhờ vậy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các sư đoàn với gần 80.000 người, hành quân gian khổ 300 - 400 km mà đảm bảo quân số hơn 90% là điều không tưởng ngay cả trong suy nghĩ những bậc thầy về y học quân sự tại Học viện Quân y Leningrad (Liên Xô) mà sau này bố tôi được cử đi tu nghiệp”.

BS Từ Giấy còn có nhiều sáng kiến về ẩm thực cho quân đội, trong đó có chuyện hành quân thiếu rau, ông cho làm rau muống sấy khô, đóng gói. Với các chiến sĩ miền Bắc thời chống Mỹ phục vụ mặt trận phía nam, túi rau muống khô không chỉ đáp ứng chuyện dinh dưỡng mà còn là tinh thần, là hương vị quê hương làm vơi đi nỗi nhớ trong hành trang chiến đấu của họ.

Lương khô cũng là một sáng kiến nổi trội khác của BS Từ Giấy. Ông Từ Đễ chia sẻ về đề tài lương khô: “Trong khi thế giới dùng thịt hộp, điều kiện ta khó khăn, không đủ công nghệ sản xuất, bố tôi sử dụng đạm thực vật, làm lương khô từ đậu nành, tựa bánh khảo. Lương khô dành riêng cho đặc công thì ông thêm sữa, đường vào, vì đường cung cấp năng lượng trực tiếp, bổ sung vitamin, tăng lực, tăng tinh thần chiến đấu”. Đến giờ lương khô vẫn được chế biến, và ứng dụng rộng rãi trên nhiều phương diện cuộc sống.

Từ áo giáp tre chống đạn đến VAC

Là bác sĩ, nhà dinh dưỡng, nhưng trong hoạt động khoa học của Từ Giấy, có một chi tiết lạ là ông đảm nhiệm việc thiết kế áo giáp chống đạn dành cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhân chuyến thăm Quảng Trị ngày 15.9.1973. Ông Từ Đễ lý giải: “Bố tôi lúc ấy là Viện trưởng Viện Nghiên cứu ăn - mặc quân đội, vì chữ mặc đấy nên bố tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ thiết kế một áo giáp chống đạn cho Fidel. Ngày đó VN không có nguyên liệu làm áo giáp, bố tôi và trung tá Trần Tự Đãi về quê chặt tre già, chẻ lấy phần mắt tre, đan hình vây cá. Sau đó thử nghiệm cho bom bi nổ ở khoảng cách 10 m, 7 m, 5 m, 3 m. Thử nghiệm khác là cho súng AR15 bắn ở cự ly 15 m, 10 m, 5 m, 3 m. Ở khoảng cách 5 m, các phương pháp thử đều an toàn, đến ngưỡng 3 m thì áo bị thủng. Thế là bố tôi chế thành công áo giáp chống đạn cho Fidel, nhiều hình ảnh tư liệu về Fidel chuyến đi ấy, thấy cơ thể ông phình to, là do mặc áo tre chống đạn của Từ Giấy”.

“Chúng ta dường như quên nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, chỉ chăm tập trung xây bệnh viện to nhỏ, nhưng công tác vệ sinh, ăn uống sạch, giữ gìn môi trường sống sạch… thì lại lơ là. Rừng bị chặt phá, nguồn nước thải tù đọng, nhiễm bẩn, không khí ô nhiễm, sống không khoa học, lười vận động, béo phì… Khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nghiệm lại những gì cha tôi dạy từ hơn 70 năm trước, vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn để áp dụng”.

Cựu phi công Từ Đễ

Một sáng kiến thú vị khác của BS Từ Giấy mà sau này trở thành trào lưu sống, là mơ ước của không ít người, chính là mô hình vườn - ao - chuồng (VAC). Đây là một sáng kiến được rút tỉa kinh nghiệm nhà nông và của người xưa với nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền. Ông Từ Đễ kể thêm về quê hương mình: “Chỉ có quê tôi vùng Khê Hồi, phủ Thường Tín xưa, có tục thờ thần phân bắc. Cứ đến 23 tháng chạp, người dân nấu chè lam, bóp bên ngoài nhìn cho giống cục phân, rồi đem ra miếu cúng thần phân để cầu mong mùa màng tươi tốt. Với nông nghiệp thì phân ủ (phân bắc) rất quan trọng. Mô hình VAC chính là vòng tròn khép kín, là giải cứu cho cái nghèo ngày xưa, có VAC thì không lo đói ăn, giải quyết dinh dưỡng cho nông thôn”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, GS-BS Từ Giấy đã để lại nhiều sáng kiến; khi gặp những quan điểm, ý kiến trái chiều, ông vẫn khiêm nhường đón nhận, tiếp tục sống và làm việc hướng đến mục đích cuối cùng là nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng cho toàn quân, toàn dân. Những chương trình vận động nuôi con bằng sữa mẹ, tô màu cho bát bột, vitamin A cho mắt, ăn tổng hợp (trộn nhiều thực phẩm như cách làm cà bung, bún thang...) qua nhiều thập kỷ vẫn còn nguyên giá trị ứng dụng. Đặc biệt ở thời kỳ giãn cách xã hội, những mô hình VAC còn tồn tại, thực sự là một “pháo đài” chống dịch hiệu quả. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.