Cương thổ Tây Nam: Hồi ức ông cha

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
07/10/2019 07:00 GMT+7

Kết quả hoàn thành 84% phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, nhân dân 2 nước.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ (nay là Ủy ban Biên giới quốc gia, thuộc Bộ Ngoại giao), khẳng định như trên và nhấn mạnh: “Nhà nước VN đã xác lập chủ quyền đối với vùng ĐBSCL và quá trình thực thi chủ quyền đối với khu vực này đã diễn ra theo những phương thức thụ đắc lãnh thổ đương thời, tùy theo mật độ dân cư và những biến động chính trị trong những thế kỷ 17 và 18”.

Dấu mốc gò gai, bờ đất

Bà Lê Thị Bánh sống cạnh chùa Cây Mít (xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên, An Giang) nằm cạnh kênh Vĩnh Tế, đã 85 tuổi nhưng vẫn rành mạch những chuyện xảy ra từ hồi còn bé: “Năm 1945, tôi 11 tuổi thường theo cha mẹ ra kênh Vĩnh Tế kiếm cá. Lội thêm chút cánh đồng theo kênh Ranh là bờ đất cao, cha nói đó là đất Campuchia, mình không được sang đánh bắt bên đó và phải canh chừng, không cho người bên đó vượt sang mình mần ruộng. Ngay từ hồi ấy, lũ trẻ đã biết bờ đất cao là biên giới 2 nước”.
Chiến tranh xảy ra, bà Bánh cùng gia đình trôi dạt vào tuốt sâu vùng Châu Đốc, mãi sau ngày 30.4.1975 mới trở lại quê hương, nhặt từng mảnh pháo, vỏ đạn để sạch đất làm ruộng. Cũng những ngày tạm yên súng đạn ấy, bà Bánh cùng người dân trong ấp vẫn nắm cơm kho cá giúi vào tay những chiến sĩ công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng - BĐBP) mỗi tuần lên chốt dọc bờ kênh Vĩnh Tế giữ đất. “Tụi nó toàn ngoài Bắc vô, còn trẻ măng. Dân miệt này cứ thấy bộ đội đi dọc kênh Vĩnh Tế là biết anh em tuần tra bảo vệ biên giới”, bà Bánh kể, rồi nghèn nghẹn: “Đêm 30.4.1977, tụi Pol Pot uýnh qua bờ kênh Vĩnh Tế. Súng nổ suốt ngày đêm. Cáng thương ùn ùn chuyển về phía sau. Tụi tui lại phải sơ tán về Châu Đốc để bộ đội đánh trả, giữ biên giới”.
Nhà ngay cạnh ngã ba sông, nơi con sông Tà Ten từ Campuchia nối liền với kênh Vĩnh Tế thành sông Giang Thành và chạy dọc theo biên giới đổ ra biển Tây Nam tại Hà Tiên, ông Châu Văn Học gắn bó suốt 80 năm với mảnh đất biên giới Tân Khánh Hòa (H.Giang Thành, Kiên Giang). Dẫn tôi ra bờ sông Giang Thành nhìn sang xã Preak Chreay (H.Koh Thum, Kandal, Campuchia), ông Học kể: “Đi qua sông mới tới biên giới. Hồi bé, tụi tui được người lớn hướng dẫn lấy chuẩn biên giới bằng mấy gò gai. Dân ở đây, mùa nắng đi mần ruộng, ai cũng quen múc nước tưới cho những gò gai cổ thụ” và cười: “Biên giới ngàn đời, phải biết mà giữ”…
Cương thổ Tây Nam: Hồi ức ông cha1

Kênh Vĩnh Tế, đoạn từ TP.Châu Đốc (An Giang)

Ảnh: M.T.H

Những người đi mở đất

“Từ thế kỷ 17 và 18, nhà nước VN đã xác lập chủ quyền và thực thi quyền chủ quyền đối với vùng ĐBSCL”, TS Trần Công Trục mở đầu cuộc nói chuyện với tôi và diễn giải: Dưới thời bảo hộ Pháp (1863 - 1953), các vị vua Khmer đã đề nghị Pháp giao lại lãnh thổ Nam Kỳ, nhưng người Pháp từ chối bởi nhà Nguyễn đã giao phần đất này cho Pháp năm 1862 và sau đó năm 1874 chứ không phải các vua Khmer.
Cũng từ những cơ sở này, Cộng hòa Pháp đã tiến hành xác lập biên giới theo đúng thủ tục pháp lý quốc tế hiện thời: Đoạn biên giới phía bắc (Trung Kỳ - Cao Miên) theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương (1904 - 1905); đoạn biên giới phía nam (Nam Kỳ - Cao Miên) theo Công ước Pháp - Campuchia (năm 1870 và 1873) sửa đổi bổ sung bằng Nghị định năm 1893 của Thống đốc Nam Kỳ và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1914. “Toàn bộ đường biên giới VN - Campuchia được thể hiện tương đối đầy đủ trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ năm 1929 đến năm 1954”, TS Trần Công Trục khẳng định như vậy.

Đào kênh chặn ngoại xâm

GS-TS khoa học Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, là một trong số ít những nhà giáo, nhà sử học đã trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ 1972 - 1975. Trải qua chiến tranh, nên ông rất thấm thía giá trị hòa bình, giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Khi bàn về vấn đề “chủ quyền lãnh thổ của VN trên vùng đất Nam bộ”, GS-TS Vũ Minh Giang khẳng định: “Từ thế kỷ 17, để thực thi chủ quyền, các chúa Nguyễn đã tổ chức các đơn vị hành chính, sắp đặt quan cai trị, lập sổ sách quản lý dân đinh, ruộng đất. Năm 1698, chúa Nguyễn thành lập Phủ Gia Định gồm 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Sau năm 1774, vùng đất từ nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau được chia làm 12 dinh, trong đó vùng đất Nam bộ chia thành 4 dinh. Trừ Hà Tiên lúc đầu còn là 1 dinh phụ thuộc, mỗi dinh quản hạt 1 phủ, dưới phủ có huyện, tổng hay xã. Từ đó, về cơ bản tổ chức hành chính trên vùng đất Nam bộ đã được kiện toàn”.
Triều Nguyễn thành lập vào năm 1802, tiếp tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn, đã hoàn thiện hệ thống hành chính và thống nhất quản lý trên quy mô cả nước. Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập sổ địa bạ toàn bộ Lục tỉnh Nam Kỳ. Bên cạnh chính sách chính trị, quân sự, triều đình khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, mở mang phát triển các dinh điền, đồn điền, xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển giao thông thủy bộ. Năm 1817, vua Gia Long cho đào kênh Thoại Hà. Vào đầu những năm 1820, vua Minh Mạng giao cho đào kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên dài trên 70 km.
Ngay từ khi mới khẳng định quyền quản lý, các chính quyền người Việt đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ. Chính quyền các chúa Nguyễn đã kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ của quân Xiêm vào các năm 1715, 1771... Tiêu biểu là chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vang dội của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào năm 1785. Sang thế kỷ 19, các vua Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống các trường lũy và đồn bảo trấn thủ dọc theo biên giới để bảo vệ lãnh thổ. (còn tiếp)
Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới VN - Campuchia (ký ngày 20.7.1983) đã thống nhất áp dụng 2 nguyên tắc:
1. Trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa 2 nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất) là đường biên giới quốc gia giữa 2 nước.
2. Ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ, hoặc 2 bên đều thấy chưa hợp lý thì 2 bên sẽ cùng nhau bàn bạc, giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của 2 nước, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Trên cơ sở đó, giữa VN và Campuchia đã ký được Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và năm 2005 lại ký thêm Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định năm 1985.
Căn cứ vào 2 hiệp ước này, hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc. Đến nay, công tác phân giới cắm mốc đã thực hiện được khoảng 84% khối lượng công việc.
(TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ)
Biên giới VN - Campuchia được hình thành cùng với biến động của lịch sử 2 nước. Cho đến cuối thế kỷ 18, đường biên giới giữa 2 nước đã hình thành và tương đối ổn định. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược VN. Năm 1884, triều đình Huế đầu hàng Pháp, thừa nhận chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ, chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Năm 1887, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương (Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên, Ai Lao). Chính quyền Pháp có Công ước ngày 9.7.1870; Công báo Đông Dương 1873, 1899, 1904; Nghị định 1897, 1914, 1932, 1933, 1935, 1936, 1939, 1942 về xác lập biên giới.
Giai đoạn 1954 - 1978, ta tập trung cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới Tây Nam. Hội đàm phân giới cắm mốc 2 bên diễn ra nhưng không kết quả.
Năm 1979, nước Cộng hòa nhân dân Campuchia được thành lập. Ngày 18.2.1979, hai bên ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác; Hiệp định về vùng nước lịch sử (7.7.1982); Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới (20.7.1983); Hiệp định về Quy chế biên giới (20.7.1983); Hiệp ước hoạch định biên giới (27.12.1985). (Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.