Tơi tả do lũ

26/10/2021 05:40 GMT+7

Ở một số tỉnh miền Trung , mưa lũ gây ra nhiều điểm sạt lở uy hiếp khu dân cư; nhiều tuyến đường hư hỏng… gây thiệt hại nặng về giao thông, thủy lợi.

Ngày 25.10, lũ ở Quảng Ngãi bắt đầu rút, để lại khắp vùng rốn lũ là H.Bình Sơn những rác, bùn non và sạt lở. Sau 3 ngày chạy lũ, nay người dân gò lưng dọn lũ, khắc phục hậu quả.

Người Quảng Ngãi còng lưng dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau lũ

Sạt lở đường ở xã Trà Lâm, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi)

PHẠM ANH

Sạt lở núi nghiêm trọng

Ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, H.Bình Sơn, cho biết xóm Soi (gần 100 khẩu), bị chìm trong biển nước trong mấy ngày qua, có chỗ ngập khoảng 3 m. Trong mấy ngày lũ lụt, ngày nào xã cũng bố trí thuyền máy, lực lượng công an, dân quân để di dời dân đi tránh lũ, dắt gia súc, chuyển tài sản cho dân. Theo ông Dân, ngoài xóm Soi, xã Bình Minh còn xóm Vạn, thôn Mỹ Long cũng tơi tả do lũ.

Chiều 25.10, ông Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, cho biết chỉ ước tính thống kê về đường giao thông và thủy lợi, địa phương đã thiệt hại hàng chục tỉ đồng, chưa kể các công trình do tỉnh Quảng Ngãi thực hiện. Để khắc phục những hư hại do lũ lụt gây ra, H.Bình Sơn đang huy động tối đa sức người sức của, trong đó có lực lượng xung kích, đoàn viên thanh niên, công an, dân quân và các hội đoàn thể.

Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo thống kê (chưa đầy đủ), toàn tỉnh có hơn 11.000 ngôi nhà bị ngập nước do mưa lũ (tỉnh đã tổ chức di dời 1.370 hộ/4.541 khẩu trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn); nhiều tuyến đường, đặc biệt là ở các tuyến quốc lộ, bị đất đá sạt lở, bồi lấp ở hàng chục vị trí, với tổng khối lượng là 3.754 m3, trong đó nhiều nhất là QL 24C có 32 vị trí, làm cho 2 vị trí bị tắc đường, 5.500 m2 mặt đường bị hư hỏng. Các tuyến đường tỉnh như: Dung Quất - Sa Huỳnh, đường Trường Sa, đường Hoàng Sa, đất, đá sạt lở, bồi lấp nhiều vị trí, với tổng khối lượng 3.128 m3. Ngoài ra, các tuyến đường do huyện, xã quản lý cũng hư hỏng nặng nề.

Đáng lo là tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng xảy ra ở các huyện miền núi, nhất là ở Trà Bồng, Sơn Tây. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 2.564 m kênh mương bị sạt lở; 3 hồ chứa nước bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp; 12 công trình nước sạch sinh hoạt bị hư hỏng; hàng trăm héc ta sản xuất rau màu, cây ăn trái… bị thiệt hại, hư hỏng do lũ gây sạt lở, sa bồi.

Người dân xóm Soi (xã Bình Minh, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) dọn bùn non sau lũ

PHẠM ANH

Bình Định: Nhiều điểm sạt lở uy hiếp khu dân cư

Do mưa lớn kéo dài, sáng 25.10, vách núi Bà Hỏa (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) bất ngờ bị sạt lở, đất đá đổ ập xuống đường Nguyễn Tất Thành làm bị thương 3 người.

Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo UBND TP.Quy Nhơn phong tỏa khu vực sạt lở trên núi Bà Hỏa để đảm bảo an toàn cho người dân và khẩn trương mời các chuyên gia khảo sát địa chất, đánh giá tác động trong tình hình thời tiết tiếp tục mưa lớn để xây dựng phương án xử lý lâu dài. Đồng thời, UBND TP.Quy Nhơn cũng triển khai lực lượng rà soát các khu dân cư dọc núi Bà Hỏa, các khu vực có nguy cơ ngập lụt ở các phường để có phương án di dời dân, ứng phó trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.

Điểm sạt lở núi Bà Hỏa tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) vào sáng 25.10

HOÀNG TRỌNG

Sáng cùng ngày, TP.Quy Nhơn còn một điểm sạt lở tại P.Ghềnh Ráng uy hiếp khu dân cư. Huyện miền núi An Lão cũng có nhiều điểm sạt lở, uy hiếp khu dân cư tại 2 xã An Vinh, An Toàn. Trong đó, tuyến đường từ TT.An Lão đi xã An Vinh bị sạt lở 3 vị trí, khối lượng sạt lở khoảng 1.500 m3...

Núi Bà Hỏa sạt lở, hàng chục khối đất đá đổ xuống, 1 người bị thương nặng

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh rà soát, tổ chức sơ tán người ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, tại khu vực núi Gành ở xã Cát Minh (H.Phù Cát) có 36 hộ dân đang sinh sống gần khu vực sạt lở núi rất nguy hiểm, UBND H.Phù Cát phải có phương án sơ tán dân nếu có mưa bão.

Thủ tướng có Công điện về việc chủ động ứng phó

Ngày 25.10, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 1426 /CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, trong đó tập trung hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn dân cư trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ: Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, khắc phục nhanh các tuyến giao thông, hồ đập bị sự cố, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút...

TTXVN

Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, miền Trung tiếp tục có mưa lớn

Ngày 25.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và dự báo tiếp tục mạnh lên thành bão, ảnh hưởng đến các tỉnh nam Trung bộ.

Lúc 16 giờ cùng ngày, tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,1 độ vĩ bắc và 112,5 độ kinh đông, cách Khánh Hòa khoảng 380 km, cách Ninh Thuận khoảng 370 km. Vùng gần tâm ATNĐ, sức gió mạnh nhất ở cấp 6, tức là từ 40 - 50 km/giờ, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 16 giờ hôm nay (26.10), tâm bão ở khoảng 11,5 độ vĩ bắc và 110,0 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất mạnh cấp 8, tức là từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10. Vùng biển nguy hiểm trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 9,0 - 13,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 114,5 độ kinh đông. Theo đó, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão, dự báo từ chiều nay (26.10), ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8. Trong các ngày 26 - 27.10, các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ có mưa to đến rất to. Dự báo lượng mưa từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, bắc Tây nguyên và miền Đông Nam bộ từ 100 - 200 mm, có nơi trên 200 mm. Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và nam Tây nguyên có mưa từ 150 - 250 mm, có nơi trên 300 mm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió đông, khu vực bắc Trung bộ, trung Trung bộ dự báo có mưa to, có nơi mưa rất to trong các ngày 27 - 30.10.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.