Intel Core i9-12900K sở hữu kiến trúc lai, kết hợp các nhân hiệu năng (P-core) và nhân hiệu quả (E-core) giúp xử lý các tác vụ khác nhau chạy nền để giảm tải cho nhân chính. Về số lượng, vi xử lý cao cấp nhất của Intel Alder Lake có 8 nhân P-core và 8 nhân E-core (tổng ộng 16 nhân) và 24 luồng tính toán.
Đối với một cỗ máy game ở thời điểm hiện tại, các vi xử lý đến từ đội Xanh có hiệu năng vượt trội so với đội Đỏ. CPU mạnh nhất của AMD ở thời điểm hiện tại là Ryzen 9 5950X tuy chưa thể sánh bằng Core i9-11900K và i9-10900K ở mảng game, nhưng lại chiếm ưu thế ở những phần mềm đòi hỏi nhiều nhân và luồng tính toán. Liệu sự xuất hiện của Core i9-12900K với mức giá thấp hơn cả đối thủ đến từ đội đó có thể tiếp tục ngôi vương từ đội nhà, và lấy lại thế thượng phong ở các tác vụ khác?
Để tìm ra đáp án cho câu hỏi trên, Thanh Niên đã thiết lập một hệ thống thử nghiệm hoàn chỉnh quanh nền tảng vi xử lý i9-12900K, với các linh kiện hỗn hợp ở phân khúc trung và cao cấp. Cấu hình cụ thể như bên dưới:
Vi xử lý: Intel Core i9-12900K
Bo mạch chủ: Asus Maximus Hero Z690
Tản nhiệt: Arctic AIO Liquid Freezer II 280 ARGB (cùng bộ kit nâng cấp cho LGA1700)
RAM: Kingston FURY Beast 5200MHz 32GB (2x16GB)
Ổ cứng: Kingston Renegade 2TB PCIe 4.0
Nguồn: FSP Hydro PTM Pro 1000W
Thùng máy: FSP CMT212
Kể cả khi bật Turbo Boost Max, các nhân P-core của Core i9-12900K cũng không có mức xung nhịp cao như các sản phẩm tiền nhiệm, đạt tốc độ cơ bản 3,2GHz và tăng tốc tối đa 5,2GHz. Trong khi đó, các nhân E-core, không có mốc so sánh, lần lượt đạt 2,4GHz và 3,9GHz mặc định và tăng tốc.
Dựa trên những số liệu này, nhiều người sẽ nghĩ rằng Intel đang đi theo hướng của AMD, giảm bớt xung nhịp của nhân và tăng số lượng nhân lên. Thực tế cho thấy, điều đó không đúng. Khi thử nghiệm với Cinebench R20, CPU cao cấp nhất của Intel có điểm số đơn nhân đầu bảng (767 điểm), và Alder Lake Core i5-12600K chiếm vị trí thứ 2 (735 điểm). Cả 2 đều bỏ xa i9-11900K (642 điểm) và Ryzen 9 5950X (632 điểm) ở phần thử nghiệm này.
Trong bài kiểm tra đa nhân, Ryzen 9 5950X với 16 nhân và 32 luồng cuối cùng đã bị khuất phục với điểm số thấp hơn khoảng 5%. Điều này cho thấy Intel Core i9-12900K đã lần đầu tiên sau nhiều năm đánh bại được AMD trong tác vụ xử lý đồ họa 3D. Cả 2 lần lượt đạt mức điểm số là 10125 và 10628 sau khi hoàn thành tác vụ benchmark Cinebench R20 đa luồng. Kết quả trên cho thấy kiến trúc lai của Intel đạt được thành công ngoài mong đợi, và các nhân E-core làm tốt nhiệm vụ của mình, giải phóng các nhân P-core khỏi một số trọng trách. Sự phân bổ nhiệm vụ của Windows kết hợp nhịp nhàng với vi xử lý, đem lại hiệu quả tốt nhất có thể.
Ở mảng game, thử nghiệm kết hợp với VGA Nvidia RTX 3070 8GB cho ra kết quả cũng tương đối tốt. Trong phần này, Intel Core i9-12900K đánh bại các đàn anh của mình và dĩ nhiên, những CPU của AMD cũng chưa thể sánh kịp, dù khoảng cách không phải là quá xa.
Bài thử nghiệm được chia làm 2 phần: Thuần game và Chơi game kết hợp xử lý đa nhiệm. Kết quả cho thấy người dùng cần có VGA từ Nvidia RTX 3070 trở lên để không bị “nghẽn cổ chai” khi đồng hành cùng Core i9-12900K.
Điểm số cụ thể của các thử nghiệm game ở độ phân giải 1080p và thiết lập đồ họa cao nhất như sau:
Thuần game:
Borderlands 3: 175 khung hình/giây
Apex Legends: 270 khung hình/giây
Cyperpunk 2077: 164 khung hình/giây
Grand Theft Auto V (GTA V): 184 khung hình/giây
Call of Duty: Warzone: 191 khung hình/giây
Chơi game kết hợp xử lý đa nhiệm
Borderlands 3: 165 khung hình/giây
Apex Legends: 240 khung hình/giây
Cyperpunk 2077: 144 khung hình/giây
Grand Theft Auto V (GTA V): 167 khung hình/giây
Call of Duty: Warzone: 181 khung hình/giây
Một lần nữa, các nhân E-core tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải quyết các phần mềm chạy nền, không làm giảm quá nhiều khung hình/giây khi vừa chơi game vừa thực hiện các tác vụ khác. Đây là điều mà các streamer cảm thấy hữu dụng: kích hoạt các phần mềm quay phim màn hình cũng như xử lý hiệu ứng webcam trong lúc đang chơi game sẽ không còn ảnh hưởng nặng đến trải nghiệm game chung. Các nhân E-core sẽ đảm nhận vai trò giải quyết các phần mềm không đang được hiển thị, giúp chúng luôn hoạt động ở mức cao nhất, để cho các nhân P-core thể hiện sức mạnh của mình trong việc xử lý hình ảnh game.
Một số tính năng thú vị khác của Intel Core i9-12900K bao gồm Extreme Tuning Utility, cho phép ép xung chỉ với một cú nhấp chuột, dành cho cả nhân P-core và nhân E-core; hỗ trợ RAM DDR5 và PCIe 5.0 cho các linh kiện thế hệ mới sắp ra mắt.
Speed Optimizer thiết lập tốc độ cho các nhân P-core ở mức 5GHz, vừa đủ để hoạt động liên tục mà không bị “màn hình xanh”. Với tản nhiệt Arctic Liquid Freezer II 280 ARGB, vi xử lý lần lượt đạt các mức nhiệt độ tối đa 76 và 84 khi tắt và bật Speed Optimizer lúc đang benchmark trên Cinebench R20. Khi chơi game, nhiệt độ của vi xử lý thấp hơn khoảng 6 đến 10 độ tùy thuộc vào độ nặng của game. Có thể thấy, tản nhiệt nước đến từ Arctic làm khá tốt vai trò của mình trong việc làm mát cho Core i9-12900K. Kết quả này xấp xỉ với mức nhiệt độ mà Core i9-11900K đạt được khi sử dụng Liquid Freezer II 280 ARGB. Bộ kit nâng cấp tương thích với LGA1700 của tản nhiệt khá dễ lắp đặt, tương thích hoàn toàn với bo mạch chủ Asus Maximus Hero Z690. Nếu sử dụng những phiên bản cao cấp hơn như Liquid Freezer II 360 hoặc 420, chắc chắn nhiệt độ sẽ còn giảm đáng kể.
Một thử nghiệm nhanh về sức mạnh của đồ họa tích hợp (iGPU) UHD 770 trên CPU cho thấy kết quả rất khả quan. Với thiết lập đồ họa cao nhất, UHD 770 xuất hình với tốc độ 40 khung hình/giây khi chơi Dota 2. Đây là điều hiếm có VGA tích hợp nào làm được.
Về tổng thể, Intel Core i9-12900K là một vi xử lý hàng đầu ở thời điểm hiện tại, cả về mặt làm việc, giải trí lẫn chơi game. Sản phẩm hiện đang hỗ trợ rất nhiều tính năng mới mà các linh kiện xoay quanh đó còn chưa được giới thiệu, hoặc giới thiệu hạn chế. Điều này cho thấy CPU là một món đầu tư cho tương lai, khi các hãng sản xuất bo mạch chủ liên tục cập nhật BIOS để cải thiện hiệu năng, cũng như khi các thiết bị hỗ trợ những tính năng mới như PCIe 5.0 ra đời. SSD Gen 5 có lẽ sẽ là sản phẩm đầu tiên trình làng.
Bình luận (0)