Ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh: “Ngoài thắng lợi trên mặt trận chuyên môn, SEA Games 31 còn tạo ra kỳ tích trên mặt trận truyền thông, trong đó môn bóng đá được đặc biệt quan tâm.
Tổng số lượt view của 2 hashtag chính của SEA Games trên Tiktok là 18,5 tỷ lượt view. Đây là kỷ lục của Tiktok, khi trước đó chỉ có 2 sự kiện thể thao gần đạt tới mức độ này là Olympic Tokyo 2020 và EURO 2020. Bên cạnh đó tổng số lượng nội dung mà người dùng tạo ra liên quan đến SEA Games là 1,47 triệu lượt đăng tải. Và bất ngờ nữa, 70% số lượng lượt xem đến từ Việt Nam. Đặc biệt, riêng bóng đá là môn được theo dõi nhiều nhất, đạt 3,2 tỷ lượt xem trên TikTok. Từ đó, chúng ta thấy được rằng bóng đá nói riêng và thể thao nói chung tại Việt Nam đã và đang có giá trị thương hiệu được người hâm mộ ủng hộ”.
Các trận đấu tại SEA Games 31 thu hút lượng người xem đông kỷ lục |
NGỌC DƯƠNG |
Thạc sĩ Bùi Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục TDTT, cho biết yếu tố chính và quan trọng nhất tạo nên thương hiệu của đội tuyển chính là thành tích thi đấu. Thứ hai là cầu thủ, HLV. Thứ ba là truyền thông. Theo bà Bùi Việt Hà, công tác xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam mới chỉ đặt ra mục tiêu doanh thu cho việc khai thác tài trợ, quảng cáo mà chưa có mục tiêu tổng thể xây dựng và khai thác thương hiệu.
Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam hiện chưa có bộ nhận diện thương hiệu hoàn thiện; ngoài áo đấu của đội tuyển, hầu như người hâm mộ không thấy những biểu trưng riêng của đội như logo, slogan, bộ hình ảnh truyền thông chính thức. Bên cạnh đó, một vấn đề nữa là các hình thức thương mại như vật phẩm, quảng cáo, hợp tác thương hiệu hay các quyền truyền thông khác ngoài bản quyền truyền hình chưa được khai thác sâu rộng.
Những hình ảnh đẹp như thế này sẽ đem lại giá trị cao cho thương hiệu đội tuyển Việt Nam |
ĐỘC LẬP |
Tại hội thảo, có đại biểu nêu quan điểm khá rõ ràng: “Đội tuyển Việt Nam cần xây dựng hệ thống website, fanpages và tài khoản mạng xã hội cũng như các ứng dụng OTT để mở rộng lượng người theo dõi. Số lượng người theo dõi càng lớn thì tỷ lệ thuận với giá trị thương mại của đội tuyển trên mạng xã hội càng cao, khả năng tìm kiếm và thu hút các nhà tài trợ càng lớn.
Cầu thủ, HLV và các thành viên khác của đội bóng cũng là một kênh truyền thông rất hiệu quả cho đội tuyển quốc gia. Vì vậy, cần thỏa thuận với các cầu thủ và CLB cách thức sử dụng và hợp tác trên các tài khoản mạng xã hội của các thành viên đội tuyển quốc gia sao cho các bên cùng có lợi. Bên cạnh việc xây dựng và phát triển các kênh truyền thông của mình, VFF cần tìm kiếm và ký kết những đối tác truyền thông chiến lược để tận dụng ưu thế và kinh nghiệm của các đối tác truyền thông bên ngoài”.
HLV Mai Đức Chung cũng là nhân vật tạo được sức nặng cho thương hiệu bóng đá Việt Nam |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Phó Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Minh Châu đã phân tích về lộ trình xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam thời gian qua và định hướng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu trong thời gian tới. Ông Châu nói: “Năm 2017 đánh dấu những thành công của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế, sau quá trình đầu tư dài hạn và chú trọng bóng đá trẻ. Những kết quả to lớn cấp khu vực và châu lục đánh đấu thời điểm khởi sắc của bóng đá Việt Nam. Điều đó đặt ra bài toán cần phải có sự đầu tư chiến lược và dài hạn để phát triển hội nhập bóng đá thế giới hướng tới World Cup 2026.
Cụ thể về mục tiêu và tầm nhìn, từ năm 2023 đến 2025, đội tuyển nam Việt Nam phấn đấu vào top 8 châu Á cũng như góp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup 2026. Năm 2026 và 2030, Việt Nam phấn đấu dự VCK World Cup cũng như vào tốp 7 châu Á. Đội tuyển nữ Việt Nam hướng tới tốp 4 châu Á. Trong giai đoạn từ 2027 đến 2031, Việt Nam sẽ có kế hoạch được chọn là nước chủ nhà VCK World Cup nữ.
Các đội tuyển Việt Nam sẽ được chú trọng trong việc hoàn thiện khẩu hiệu (slogan) có bản sắc; có bài hát riêng để định vị; hình ảnh linh vật của đội tuyển Việt Nam và biểu tượng (rồng ngậm ngọc) sẽ được phổ biến rộng rãi hơn nữa đến người hâm mộ bóng đá".
Bình luận (0)