Khép lại kỳ SEA Games đặc biệt

24/05/2022 08:53 GMT+7

SEA Games 31 khép lại sau 10 ngày tranh tài quyết liệt, nhưng ngoài những tấm huy chương, đại hội tạo dấu ấn đậm nét trong mắt bạn bè khu vực về một VN chu đáo, hiếu khách và đặc biệt đề cao tuyệt đối tính cao thượng.

Những hình ảnh nhân văn

Hình ảnh cầu thủ U.23 Malaysia ôm vai vỗ về cô gái bé nhỏ Bích Vân (tình nguyện viên) khi chia tay Việt Nam để về nước, còn Bích Vân cùng đồng đội bật khóc nức nở trong sự lưu luyến, có lẽ sẽ trở thành một trong những hình ảnh giàu ý nghĩa nhất, nhân văn nhất của SEA Games 31. Hay cũng gây ấn tượng mạnh mẽ là hình ảnh và phát ngôn của nữ tỉ phú Nualphan Lamsam - với tên gọi quen thuộc là “Madam Pang”, khi bà đứng ở sân tập ở Nam Định, quả quyết với phóng viên Thái Lan rằng U.23 Thái Lan thi đấu ở sân Thiên Trường như được chơi trên sân nhà bởi sự nồng hậu hiếm thấy của khán giả Việt Nam. Madam Pang cảm động khi đội khách được đón tiếp trọng thị và ân cần.

Khán giả cổ vũ cuồng nhiệt

Ngọc Dương

Chúng ta đã đánh bại những khó khăn do khách quan đem lại để dành trọn vẹn trách nhiệm, tình cảm của mình cho các đoàn thể thao, khẳng định uy tín của Việt Nam trong khu vực. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia SEA Games 31, nói rất đúng, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đến giờ phút này có thể khẳng định Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games và quảng bá với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và những thành tựu về mọi mặt của đất nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thành tích HCV của Việt Nam ở các môn/nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic:

Bơi lội: 11; Điền kinh: 22; Boxing: 3; Rowing: 8; Canoeing: 8; Xe đạp: 4; Đấu kiếm: 5; Bóng đá: 2; TDDC: 7; Bóng ném: 2; Judo: 9; Bắn súng: 7; Bóng bàn: 1; Taekwondo: 9; Tennis: 1; Cử tạ: 3; Vật: 17.

Tổng: 119, chiếm tỷ lệ 58% so với tổng số HCV giành được.

Nước chủ nhà của SEA Games 31 cũng đã được các nước ghi nhận sâu sắc về sự nỗ lực tột độ trong công tác tổ chức. Bộ trưởng Bộ Du lịch - Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitpra nhấn mạnh ông hết sức ấn tượng với sự tận tâm và chuyên nghiệp của Việt Nam khi đăng cai SEA Games 31. Bộ trưởng Phiphat Ratchakitpra đánh giá rằng Việt Nam đã rất dũng cảm khi tổ chức đại hội trong bối cảnh chưa nước nào từng đăng cai SEA Games trước đây phải trải qua dịch bệnh. Các nước Đông Nam Á cảm ơn Việt Nam, bởi ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam, nước chủ nhà SEA Games 31 đã khẩn trương và tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực để đại hội không bị hủy và đến lúc này đã thành công tốt đẹp. Vị Bộ trưởng này khẳng định, thông qua SEA Games, Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội để đẩy mạnh công cuộc phục hồi, tăng trưởng du lịch sau đại dịch.

Việt Nam đã có nhiều thời điểm phải chạy đua với thời gian để kịp tiến độ, đặc biệt về sự chuẩn bị cơ sở vật chất. Nhưng như nhận xét của Hoàng thân Kuwait, Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng châu Á Salman Al-Sabah khi ông đến trường bắn quốc tế tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội: “Tôi khẳng định trường bắn phục vụ SEA Games 31 của Việt Nam là trường bắn rất hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đang tổ chức rất thành công môn bắn súng SEA Games 31”. Biên tập viên Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (BERNAMA) Elmi Rizal Bin Elias chia sẻ, các phóng viên khu vực khi đến Việt Nam làm nhiệm vụ đều được đón nhận sự hỗ trợ nhiệt tình của ban tổ chức.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Việt Nam là sự thân thiện. Chỉ cần nói SEA Games là tôi sẽ nhận được sự giúp đỡ của mọi người, từ tìm kiếm khách sạn trú ngụ, đi lại và cả tìm đồ ăn. Mọi thứ thật hoàn hảo, tôi không thấy bất cứ khó khăn nào.

Chaithakorin Tangsritanawong, phóng viên kênh T.Sports 7 của Thái Lan

Nhận xét về SEA Games, Chaithakorin Tangsritanawong (Thái Lan), phóng viên của kênh T.Sports 7, đánh giá: “Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Việt Nam là sự thân thiện. Chỉ cần nói SEA Games là tôi sẽ nhận được sự giúp đỡ của mọi người, từ tìm kiếm khách sạn trú ngụ, đi lại và cả tìm đồ ăn. Mọi thứ thật hoàn hảo, tôi không thấy bất cứ khó khăn nào”.

Còn HLV Norman Fegidero của U.23 Philippines cho biết: “Cá nhân tôi thấy hài lòng về mọi thứ từ khi đặt chân đến Việt Nam. Dĩ nhiên, có đôi lúc xảy ra phiền toái vì một sai sót nào đó, nhưng nhìn chung ban tổ chức nước chủ nhà đều lo lắng chu đáo. Chúng tôi được hỗ trợ nhiệt tình khi cần trợ giúp như thức ăn hợp khẩu vị, di chuyển, khách sạn. Các tình nguyện viên cũng rất niềm nở và chu đáo, điều này giúp chúng tôi an tâm tập trung vào chuyên môn thi đấu”.

Tiến bộ so với dòng chảy thế giới

Đánh giá thành công của một đại hội thể thao tầm cỡ, dĩ nhiên không thể không thẩm định chất lượng chuyên môn của đại hội ấy. SEA Games chưa thể so sánh được với Thế vận hội hay Á vận hội, nhưng kỳ đại hội lần này tại Việt Nam, khán giả cũng đã được chứng kiến những thành tích ấn tượng ở các môn thể thao quan trọng của Olympic. Ở môn điền kinh, thần đồng điền kinh Thái Lan Puripol Booson ngay lần đầu xuất hiện tại SEA Games 31 đã ghi dấu ấn với cú đúp HCV cá nhân 100 m, 200 m, xứng danh vua tốc độ Đông Nam Á. Không những thế, ở nội dung 200 m, anh còn phá lỷ lục SEA Games với thành tích 20 giây 37 (kỷ lục cũ 20 giây 69) tồn tại 23 năm qua. Trang chủ Liên đoàn Điền kinh thế giới (World Athletics) lập tức để mắt đến tài năng này.

Ở môn bơi, kình ngư Teong Tzen Wei (Singapore) phá kỷ lục SEA Games nội dung 50 m tự do với thành tích ấn tượng 21 giây 93. Thành tích này vượt thành tích HCV ASIAD 2018 với 22 giây 11 của Yu Hexin (Trung Quốc) và nằm trong tốp vào chung kết Olympic Tokyo 2020. Hay Nguyễn Huy Hoàng của Việt Nam thống trị cự ly 1.500 m tự do với thông số thành tích 15 phút 00 giây 75, tuy không phá kỷ lục cũ của chính mình (14 phút 58 giây 14) nhưng tốt hơn so với thành tích mà anh đoạt HCB ở ASIAD 2018 (15 phút 01 giây 63). Thành tích của đội tiếp sức 4 x 200 m của Việt Nam lật đổ bơi lội Singapore, phá kỷ lục SEA Games cũng được đánh giá rất cao bởi đối thủ là đương kim hạng ba ASIAD.

Trong khi đó, nhà vô địch Carlos Yulo của Philippines cũng tỏa sáng với 5 HCV ở môn thể dục dụng cụ. Ở SEA Games 3 năm trước trên sân nhà, ngôi sao Đông Nam Á này chỉ đoạt 2 HCV nhưng bùng nổ ở SEA Gams 31 tại Việt Nam. Với thành công tại SEA Games lần này, Carlos Yulo hướng đến thành tích cao ở kỳ Olympic tới.

Tuy một vài thành tích khác chưa tạo được nhiều sự bùng nổ khi đặt vào dòng chảy chung của thể thao thế giới vì chỉ số thành tích tại SEA Games mới đang ở dạng tiệm cận với Thế vận hội hay Á vận hội, song như khẳng định của Giám đốc Học viện Thể thao Singapore Su Chun Wei trên tờ The Straits Times, SEA Games 31 đã mang đến tương lai tươi sáng cho thể thao Singapore cũng như các nước khu vực. Sau thời kỳ dịch bệnh, thậm chí có nhiều thời điểm bị “đóng băng”, thể thao Đông Nam Á vẫn có sự tiến bộ nhất định và SEA Games 31 là cơ hội để các nước thể hiện sự tiến bộ ấy.

Fair play được đề cao

Công tác tổ chức thành công, yếu tố chuyên môn cũng có nhiều điều đáng khích lệ nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh chung của các môn thi đấu tại SEA Games 31. Nhưng nét nổi bật không kém của đại hội lần thứ 31 còn là tính công bằng và cao thượng.

Theo ông Su Chun Wei: “Các cuộc tranh tài ở SEA Games 31 đã diễn ra công bằng và khách quan, nước chủ nhà Việt Nam đã làm rất tốt dù SEA Games phải hoãn lại 1 năm vì dịch bệnh”. Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Malaysia (MAF) S.Muthu trả lời New Straits Times: “Chúng tôi không cảm thấy có bất cứ vấn đề nào ở SEA Games 31. Có những VĐV của chúng tôi bị thua là do thực lực hay tâm lý kém, chứ hoàn toàn không phải do có yếu tố khách quan tác động”.

Phút bịn rịn chia tay của các HLV, VĐV Malaysia với tình nguyện viên Việt Nam

Độc lập

Việt Nam tổ chức 40 môn tại SEA Games 31 năm nay nhưng hầu hết các tổng trọng tài đều do châu Á bổ nhiệm. Nhiều môn, tổ trọng tài chấm điểm, không có trọng tài Việt Nam mà trọng tài chủ nhà chỉ được phép làm trọng tài bàn để khách quan và công bằng. Một quan chức của ngành thể thao cho biết: “Không phải chúng ta không có trọng tài giỏi nhưng Liên đoàn Thể thao châu Á muốn đảm bảo sự trong sạch của đại hội nên những vị trí quan trọng, luôn phân công cho các trọng tài châu Á”.

Có nhiều môn sử dụng VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài) giống trong bóng đá như bóng chuyền, quần vợt, pencak silat, muay. Kể cả VĐV nước chủ nhà, nếu mắc sai sót cũng bị trọng tài trừ điểm thẳng thừng, tuyệt đối không có sự thiên vị. Minh chứng lớn nhất cho khẳng định này chính là việc 2 cô gái Việt Nam Phạm Thị Diễm Trang, Phạm Thị Bích Liễu bị tước HCV nội dung biểu diễn vì sau khi xem lại VAR, các trọng tài nhận thấy bộ đôi Việt Nam bị lố giờ nên chỉ trao cho họ HCB. Ở môn điền kinh cũng xảy ra trường hợp VĐV VN Lò Thị Thanh bị tước HCB nội dung chạy 10.000 m nữ vì mang giày sai quy định. Tổng trọng tài môn điền kinh tại SEA Games 31 là người Việt Nam nhưng không được phép can thiệp vào công tác đánh giá của tổ trọng tài. Vì thế, quyết định tước huy chương của các VĐV như vừa kể trên chứng tỏ các trọng tài đã xử lý hoàn toàn công minh.

Một câu chuyện rất thú vị khác nữa là các trọng tài quốc tế cũng hoàn toàn không thiên vị nếu có VĐV nước mình thi đấu. Chuyện hy hữu đã xảy ra ở môn bơi khi chính trọng tài Singapore phát hiện đội bơi Singapore có VĐV phạm quy khi xuất phát. Ông này đã lập tức báo cáo lên tổ trọng tài, yêu cầu xem xét lại thành tích. Ngay sau đó, Schooling và đồng đội bị tước tấm HCV nội dung 4 x 100 m nam.

HLV Andre Patrick Rosales Valeroso (người Philippines) của môn pencak silat cho biết: “Tôi không thấy có bất cứ sự ưu ái nào với VĐV chủ nhà. Các cuộc tranh tài như ở pencak silat tại SEA Games 31 diễn ra hết sức hấp dẫn và công bằng. Vấn đề nữa, điều chúng tôi rất hài lòng là sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, SEA Games 31 đã diễn ra như là cơ hội để mọi VĐV trở lại tranh tài, công tác tổ chức tuyệt vời và mang đến cơ hội cho mọi người. Dĩ nhiên, cũng có vài tranh cãi, nhưng theo tôi điều đó không đáng kể và không đáng để lưu tâm trước một kỳ đại hội thể thao đặc biệt nhất từ trước đến nay”.

Khán giả Việt Nam tuyệt vời

Ảnh

Khán giả rất đông trên khán đài

Ngọc Dương

HLV trưởng tuyển U.23 Lào Michael Weiss nhận xét: “Thật tuyệt vời với khán giả Việt Nam khi bầu không khí ở sân Thiên Trường quá cuồng nhiệt. Họ ủng hộ vô tư và hết mình với các đội. U.23 Lào cũng được nhận những tình cảm chân thành đó khiến toàn đội chúng tôi thực sự xúc động và xin cảm ơn CĐV VN”. HLV Narzi Nasir của Singapore đánh giá: “Chúng tôi quá bất ngờ trước sự nhiệt tình, thân thiện của CĐV VN. Trên tất cả, ngoài cuộc thi đấu thể thao, SEA Games là sự gắn kết, tăng tình đoàn kết giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á”.

Trưởng đoàn thể thao Campuchia Vath Chamroeun phát biểu: “SEA Games lần này rất thành công ở mặt khán giả. Bất cứ môn thi đấu nào, nhà thi đấu nào cũng quá đông người xem. Họ mang lại bầu không khí hừng hực thực sự là một cảm giác vô cùng thích thú cho tất cả các đoàn đến tham dự. Tôi còn thấy khán giả Việt Nam cổ vũ rất vô tư, thân thiện và mang lại những tình cảm ấm áp, tạo nên không khí cuồng nhiệt trên các khán đài. Cách người xem ủng hộ và việc tổ chức đưa người hâm mộ đến sân của Việt Nam rất đáng để Campuchia học hỏi cho kỳ SEA Games sau”.

Còn cơ thủ Reyes (Philippines) nói: “Khán giả Việt Nam cực kỳ yêu thích thể thao. SEA Games kỳ này thành công lớn khi khán giả luôn đầy ắp trên các khán đài. Một cảm giác hưng phấn cho tất cả VĐV tham gia tranh tài. Chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ quên cảm xúc này”.

Minh Tân - T.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.