Cột mốc chủ quyền đặc biệt: Mốc cao nhất Hà Giang

01/12/2022 06:06 GMT+7

Nhiều người nhầm tưởng các mốc giới ở địa đầu Lũng Cú (H.Đồng Văn) là cao nhất Hà Giang . Thực tế mốc cao nhất tỉnh này là mốc 295.

Buổi trưa một ngày cuối tháng, chúng tôi xuất phát từ Trạm kiểm soát biên phòng Cao Mã Pờ (Đồn biên phòng Tùng Vài) lên mốc 295. Xã biên giới Cao Mã Pờ thuộc H.Quản Bạ nằm cách trung tâm huyện lỵ hơn 30 km, ở độ cao trung bình 1.600 m nên quanh năm hầu như bị mây mù bao phủ. Mùa đông, nhiệt độ có khi hạ xuống 0 độ C và băng tuyết phủ kín 8 thôn bản nằm lưng chừng dãy núi Chín Chu Lìn.

Mốc giới số 295 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 2.150,06 m, tọa độ địa lý 23°06’54,182” vĩ độ Bắc - 104°48’04,109” kinh độ Đông.

Gần 2 tiếng đồng hồ vượt qua những vách đá dựng đứng, sườn núi trơn trượt, rừng nguyên sinh mờ ảo mù mịt, chúng tôi cũng lên đến đỉnh núi Chín Chu Lìn, nhìn xuống dưới Cao Mã Pờ dày đặc biển mây.

Thiếu úy Nông Tuấn Anh kiểm tra mốc giới 295

M.T.H - N.Đ.L

Vượt qua những nương rẫy của bà con đang chuẩn bị trồng cây ấu tẩu, thiếu tá Mua Đại Sèo chỉ đỉnh núi đá cao ngất phía trước: “Trèo thêm đỉnh cuối, mới tới mốc cao nhất Hà Giang”.

Kéo tay nhau, đẩy lưng nhau vượt qua từng hõm đá, cuối cùng cũng lên tới đỉnh 2150, nơi đặt mốc giới 295 ở độ cao 2.150,06 m. Khu vực đặt mốc quá hẹp, chỉ đủ chỗ cho đội tuần tra của Đồn biên phòng Tùng Vài làm các thủ tục chào mốc, kiểm tra… nên khi chụp hình, phải để góc rộng.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cao Mã Pờ, cho biết đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn, núi non hiểm trở của H.Quản Bạ. Xã có 17.052 m đường biên giới giáp Trung Quốc (ở phía bắc và phía tây) với 35 mốc giới (24 mốc chính và 11 mốc phụ), từ mốc giới số 289 đến mốc 312.

Bộ đội Đồn biên phòng Tùng Vài và dân quân xã Cao Mã Pờ bên mốc giới số 295

“Năm 2001, tỉnh Hà Giang triển khai phân giới cắm mốc đoạn biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn, tất cả bà con trong xã đều tình nguyện giúp đỡ các nhóm phân giới cắm mốc, nhất là việc di chuyển các mốc đá hoa cương lên các điểm cắm mốc”, ông Sơn kể và nhớ lại: “Mốc 295 là số lẻ nên do Trung Quốc cắm. Bên ta cắm mốc 294 (cách mốc 295 khoảng 0,294 km), do ở độ cao 2.030,25 m, đường đi lại cực kỳ khó khăn, toàn phải cắt rừng, nên gần 100 đồng bào thay nhau khênh vác, suốt mấy ngày mới lên tới điểm cao cắm mốc”.

Đội tuần tra Đồn biên phòng Tùng Vài kiểm tra khu vực biên giới mốc 295

Khi chúng tôi xuống núi, màn đêm đã dần đen đặc. Do liên tục tuần tra đường biên mốc giới, có quá nhiều kinh nghiệm công tác ở địa bàn khắc nghiệt, bất thường về thời tiết, đi lại gian nan vất vả, nên đại úy Quách Ngọc Dũng (Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Cao Mã Pờ) lôi ngay mấy chiếc đèn pin trong ba lô đưa cho chúng tôi. Đại úy Dũng cẩn thận đi trước dẫn đường, chốc chốc lại gọi ới điểm danh từng người.

Đỉnh núi đá đặt mốc 295

“Có nhiều lúc, chúng em đi tuần tra theo tuyến - cụm mốc từ sáng sớm đến tận đêm khuya mới về tới trạm”, đại úy Dũng nói. Riêng chúng tôi, khi xuống đến đường bê tông, cả 2 chân muốn khụy xuống, phải ngồi nghỉ rất lâu mới đứng dậy được và lên xe, về Đồn biên phòng Tùng Vài lúc 20 giờ đêm.

(còn tiếp)

Cột mốc chủ quyền đặc biệt

Chứng tích đặc biệt tố cáo hành động phi pháp

Mốc đầu - mốc cuối

Mốc địa đầu Tổ quốc

Mốc 'số đẹp'

Mốc ở miền sương mây

Mốc trên miền đá


Mốc số trùng nơi rẻo cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.