Bloomberg: Nhật Bản, Hà Lan sẽ hợp tác với Mỹ bóp nghẹt sản xuất chip của Trung Quốc

27/01/2023 15:00 GMT+7

Bloomberg News ngày 27.1 đưa tin Nhật Bản và Hà Lan sẽ sớm cùng với Mỹ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất con chip sang Trung Quốc.

Nhật Bản và Hà Lan sẵn sàng cùng với Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các loại máy móc chế tạo con chip tiên tiến, hình thành một liên minh mạnh cản trở tham vọng xây dựng năng lực sản xuất chip nội địa của Bắc Kinh, theo các nguồn tin của Bloomberg News.

Tin tức xuất hiện giữa lúc các quan chức Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản dự kiến kết thúc đàm phán ba bên trong ngày 27.1 theo giờ Mỹ. Các cuộc đàm phán, xoay quanh một loạt giới hạn mới đối với những gì có thể được cung cấp cho các công ty Trung Quốc, vẫn tiếp tục diễn ra tại Washington DC cho đến cuối ngày 26.1. Theo các nguồn tin, ba nước không có kế hoạch thông báo công khai về các chính sách có thể sẽ được thực thi.

Theo Bloomberg News, Hà Lan sẽ gia tăng các hạn chế đối với ASML Holding NV, qua đó ngăn cản công ty này bán cho Trung Quốc các thiết bị được gọi là máy in khắc tia cực tím sâu vốn rất quan trọng để sản xuất một số loại chip tiên tiến. Nếu không có loại máy này, nỗ lực thiết lập dây chuyền sản xuất chip có thể là bất khả thi. Nhật Bản sẽ đặt ra các giới hạn tương tự đối với Nikon Corp.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận.

Bên trong một nhà máy của ASML

reuters

Nỗ lực chung nói trên là sự mở rộng đối với chính sách mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng 10.2022 nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc tự mình sản xuất chip tiên tiến hoặc mua chúng từ nước ngoài để phục vụ quân đội và ngành trí tuệ nhân tạo (AI).

Ba quốc gia trong "liên minh" tiềm năng là nơi đặt trụ sở của các công ty quan trọng nhất toàn cầu về thiết bị sản xuất chip, bao gồm ASML của Hà Lan, Tokyo Electron của Nhật Bản và Applied Materials của Mỹ.

Mỹ công bố điều kiện nhận tài trợ từ Đạo luật CHIPS

Các nhà sản xuất của Mỹ đã phàn nàn rằng hành động đơn phương của chính quyền Biden cho phép các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất cho sản phẩm của họ, và làm suy yếu mục tiêu kiềm chế tiến bộ quân sự của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã chiến đấu chống lại nỗ lực của Mỹ. Bắc Kinh đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 12 năm ngoái nhằm buộc Mỹ hủy bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Ngay cả lãnh đạo ASML cũng cảnh báo rằng chiến dịch của Mỹ có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Ông Peter Wennink, CEO của ASML, cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Washington dẫn đầu chống lại Trung Quốc cuối cùng có thể thúc đẩy Bắc Kinh phát triển thành công công nghệ của riêng mình trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

"Nếu họ không thể có được những chiếc máy đó, họ sẽ tự phát triển chúng... Sẽ mất thời gian nhưng cuối cùng họ sẽ đi tới đó", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News hôm 25.1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.