Bộ GD-ĐT nói gì về lộ trình thực hiện những điểm mới của luật Giáo dục ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/07/2020 07:25 GMT+7

. Luật Giáo dục năm 2019 có nhiều điểm mới quan trọng, tác động trực tiếp tới người dạy, người học như: thay đổi chuẩn trình độ đào tạo, cách tính lương giáo viên, bổ sung đối tượng học sinh được miễn học phí, thay đổi quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa...

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Độ (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, để làm rõ hơn những điểm mới của luật Giáo dục năm 2019 và tính khả thi khi đưa luật vào cuộc sống.

Cần hơn 3,5 nghìn tỉ đồng/năm để thêm học sinh được miễn học phí

Một điểm mới quan trọng được đưa vào luật Giáo dục 2019 là sẽ miễn học phí cho học sinh THCS và trẻ mầm non 5 tuổi nhưng sẽ theo lộ trình. Vậy Bộ GD-ĐT đã có hình dung và kế hoạch tham mưu cho Chính phủ ra sao về lộ trình miễn học phí cho học sinh thuộc hai đối tượng này?
Miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh (HS) THCS để đảm bảo điều kiện thực hiện chính sách phổ cập giáo dục là một chính sách rất lớn, ưu việt, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với phát triển giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt với các đối tượng chính sách là con em người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, do việc thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và HS THCS sẽ tác động rất lớn đến chi ngân sách nhà nước, nếu thực hiện đồng loạt có thể sẽ vượt khả năng cân đối ngân sách trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 8.8.2018 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2018, trong đó thống nhất việc miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, HS THCS được thực hiện theo lộ trình phù hợp, trước mắt tập trung miễn học phí 5 tuổi và THCS vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Để thực hiện miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và HS THCS, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm bao nhiêu cho mỗi năm học, thưa ông?
Bộ GD-ĐT đã phối hợp các bộ, ngành để rà soát nghiên cứu, đánh giá tác động của việc miễn giảm học phí đối với ngân sách nhà nước và xây dựng lộ trình thực hiện chính sách này. Theo báo cáo đánh giá tác động, nếu thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non 5 tuổi thì ngân sách hằng năm phải chi thêm 1.378 tỉ đồng và chính sách miễn học phí cho toàn bộ HS THCS, ngân sách phải chi thêm 2.143 tỉ đồng.

Nếu thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non 5 tuổi thì ngân sách hằng năm phải chi thêm 1.378 tỉ đồng và chính sách miễn học phí cho toàn bộ HS THCS, ngân sách phải chi thêm 2.143 tỉ đồng

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo đề xuất Chính phủ dự kiến thực hiện có lộ trình phù hợp.
Bộ GD-ĐT nói gì về lộ trình thực hiện những điểm mới của luật Giáo dục ?

Học sinh cấp THCS sẽ được miễn học phí theo lộ trình

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nhà giáo có còn “tiếng nói” trong chọn sách giáo khoa ?

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định trong việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) thay vì các cơ sở giáo dục như việc chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021. Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị cho thay đổi này ra sao?
Để đáp ứng yêu cầu của luật Giáo dục 2019 là “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”, mới đây ngày 16.5, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông với sự điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách thuộc UBND tỉnh, thay vì cơ sở giáo dục như thông tư trước.
Theo dự thảo thông tư này, UBND các tỉnh/thành phố sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK để giúp UBND tỉnh/thành phố tổ chức lựa chọn sách. Mỗi môn học của một cấp học thành lập 1 hội đồng. Thành viên trong hội đồng này bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở và phòng GD-ĐT; cán bộ quản lý và giáo viên (GV) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên tối thiểu là 15 và yêu cầu bắt buộc ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và GV đang giảng dạy.
Nhiều ý kiến cho rằng để cơ sở giáo dục chọn SGK như đã thực hiện rất phù hợp với thực tế. Vậy khi hướng dẫn chọn SGK theo luật Giáo dục mới, Bộ có quy định ra sao để đảm bảo GV và các trường vẫn có “tiếng nói” quan trọng trong chọn SGK?
Quy trình về lựa chọn SGK theo dự thảo thông tư bao gồm 6 bước. Trong đó, đầu tiên, tổ chuyên môn của các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. GV bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Sau đó báo cáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp.
Tiếp theo, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo tiêu chí lựa chọn SGK. Việc thảo luận này có tham khảo ý kiến của HS, cha mẹ HS. Cơ sở đề xuất danh mục SGK các môn học được lựa chọn, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp; báo cáo danh mục sách này với sở GD-ĐT (đối với cấp THPT), phòng GD-ĐT (đối với cấp tiểu học và THCS).
Như vậy, dù UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định trong việc lựa chọn SGK song GV và các trường vẫn có vai trò hết sức quan trọng. Quyết định của GV, cơ sở giáo dục có ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định cuối cùng trong lựa chọn sách của UBND tỉnh.
Mọi thay đổi đều dựa trên tính toán khoa học và phù hợp thực tế
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết những thay đổi liên quan trực tiếp tới đội ngũ GV như cách tính lương mới hay nâng chuẩn trình độ đào tạo đều hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, mọi thay đổi đều có lộ trình dựa trên những tính toán khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế. Ví dụ, lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo có quy định cụ thể cho GV từng cấp học chứ không phải ngay sau khi luật có hiệu lực là yêu cầu tất cả GV phải đạt chuẩn ngay. Các địa phương có trách nhiệm cử GV theo nguyên tắc được quy định trong nghị định và theo kế hoạch hằng năm. GV tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.
Sớm đưa luật vào cuộc sống
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã tham mưu, trình Chính phủ 5 dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Ngày 30.6.2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, trung học. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét ban hành các nghị định còn lại.
Để luật đi vào cuộc sống, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung của pháp luật về giáo dục cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đội ngũ GV và HS, sinh viên, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ chính sách giáo dục mới của Đảng, Nhà nước, hiểu rõ quyền lợi ích và trách nhiệm của mình đối với hoạt động giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.