Để tăng trưởng giá trị nông sản Việt

29/09/2020 05:29 GMT+7

Ngày 28.9, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành trực tiếp đối thoại với nông dân và giải đáp nhiều vấn đề liên quan thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Trung - Tây nguyên.

Chủ đề của hội nghị đối thoại lần này là “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Cà phê vẫn là sản phẩm chủ lực

Mở đầu buổi đối thoại, nông dân Đỗ Quý Toán (Đắk Lắk) đặt câu hỏi: “Thời gian qua, giá cà phê xuống rất thấp, nông dân lo lắng, trăn trở, muốn chặt bỏ cà phê để trồng cây khác. Chính phủ có giải pháp, định hướng gì về loại cây trồng chủ lực này ở Tây nguyên, giúp bà con phát triển cà phê bền vững?”.
Thủ tướng nghe Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (bên phải) giới thiệu một số loại nông sản tiêu biểu ẢNH: QUANG HIẾU

Thủ tướng nghe Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (bên phải) giới thiệu một số loại nông sản tiêu biểu

ẢNH: QUANG HIẾU

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Trước hết, phải khẳng định cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam. Cà phê Việt Nam chất lượng rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Vì vậy, tôi khuyên bà con chúng ta vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng. Nông dân phải nâng cao quy hoạch chất lượng trồng, thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê. Về phía Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh” .
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chế biến sâu nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó là quy hoạch vùng trồng phù hợp nhất.
Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách các chính sách đầu tư vốn nông nghiệp, chính sách về hạn điền, tích tụ đất đai quy mô lớn; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết 6 nhà
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bà Vi Thị Thanh (Đắk Nông) nêu vấn đề trong khi nhiều cây công nghiệp truyền thống ở Tây nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu đồng loạt mất giá thì cây mắc ca được xem là một hướng đi mới. Thế nhưng, nhiều vùng như ở Tuy Đức (Đắk Nông), nông dân khốn khổ vì đầu tư trồng cây mắc ca được 5 - 6 năm mới biết cây không có quả hoặc rất ít quả, do cây giống kém chất lượng. “Chính phủ, Bộ NN-PTNT có giải pháp gì để phát triển cây mắc ca?”, bà Thanh hỏi.
Thủ tướng cho biết ngày hôm sau (29.9), sẽ có hội nghị tổng kết 5 năm trồng mắc ca ở Việt Nam, đánh giá kết quả, cùng nguyên nhân chưa thành công và giải pháp phát triển mắc ca. “Đây là loại cây mới, có hiệu quả nhưng có vấn đề về giống. Việc giống không phù hợp, ai cung cấp giống, phải yêu cầu làm rõ. Tại hội nghị, Thủ tướng chủ trì sẽ cùng các bộ, ngành lắng nghe, ý kiến từ các bên để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển cây mắc ca”, Thủ tướng nói.
Nông dân Trần Thị Hoàng Anh (H.Ia Grai, Gia Lai) băn khoăn về phân bón giả còn lưu hành trên thị trường. “Để sản xuất nông nghiệp tốt hơn, làm ra nông sản sạch, an toàn hơn, Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp nào triệt để hơn để chấm dứt tình trạng phân bón giả?”.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết 4 năm trước chúng ta có chưa đến 80.000 tấn phân bón hữu cơ thì đến nay chúng ta sản xuất gần 4 triệu tấn phân hữu cơ. Hiện nước ta có 125.000 ha gieo trồng nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ. Năm 2019, cả nước xuất khẩu 353 triệu USD nông sản hữu cơ đi 80 nước. Điều này chứng tỏ chúng ta đang vận hành một nền nông nghiệp văn minh, một nền nông nghiệp sạch, ổn định.
“Tuy nhiên, không phải tất cả đã tốt rồi, còn nhiều chỗ chúng ta cần phải tiếp tục chấn chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét.

Phát triển công nghiệp chế biến và chăn nuôi

Nông dân Phạm Lê Mạnh (H.M'đrắk, Đắk Lắk) nêu vấn đề Tây nguyên có tới 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp với nhiều nông sản chủ lực, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến nông sản. “Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây nguyên, biến Tây nguyên thành nơi có công nghiệp chế biến nông sản lớn của cả khu vực Đông Nam Á?”.
Thủ tướng trả lời những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Như trong năm nay, cả nước khánh thành 15 nhà máy chế biến nông sản, trong đó có nhà máy chế biến thịt gà, rau quả lớn hàng đầu thế giới.
“Dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn. Về giải pháp, nhà nước khẳng định sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Nhưng muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch”, Thủ tướng nói.
Quan tâm vấn đề chăn nuôi, nông dân Phạm Văn Chử (H.Ea H'leo, Đắk Lắk) đặt câu hỏi Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy chăn nuôi trên vùng Tây nguyên và có cơ chế để nông dân được hợp tác, tham gia vào chuỗi chăn nuôi của doanh nghiệp? Trả lời, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng Tây nguyên là một vùng đất rộng lớn, có rất nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng đến nay ngành chăn nuôi vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn hạn chế so với cả nước. Theo thống kê sơ bộ, toàn vùng mới có 3 triệu con lợn, 25 triệu con gia cầm, đàn đại gia súc khoảng 1 triệu con. Trong khi đó, cả nước đang có 25 triệu con lợn, 500 triệu con gia cầm... Tây nguyên hoàn toàn có thể phát triển chăn nuôi, do vậy các tỉnh phải bố trí lại, cân đối cơ cấu giữa chăn nuôi và trồng trọt.

Tập trung nuôi trồng và chế biến thủy sản

Tại buổi đối thoại, hai ngư dân Võ Tuấn Tú (H.Phù Mỹ, Bình Định) và Lê Minh Quyền (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đặt câu hỏi cho Thủ tướng với nội dung: “Chính phủ có những chính sách, giải pháp nào để phát triển, mở rộng tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản ở nước ta; giải pháp nào để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng về lâu dài, ngành thủy hải sản của nước ta không trông chờ vào khai thác ngoài tự nhiên mà tập trung vào nuôi trồng và chế biến. Chỉ có nuôi trồng, chế biến sâu thì mới có một ngành thủy sản phát triển bền vững. Nước ta có nhiều lợi thế, nhiều loại thủy hải sản để nuôi. Hiện Bộ NN-PTNT đang trình Thủ tướng về đề án nuôi biển có lộ trình đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ nuôi được 2 - 3 triệu tấn hải sản.
“Chính phủ cũng có những chiến lược cụ thể để hợp tác với Na Uy, nhằm chuyển giao công nghệ tốt nhất về nuôi trồng thủy hải sản”, ông Cường nói.
Sau trả lời của ông Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các ngành liên quan phải có định hướng, chiến lược nuôi biển cụ thể, giúp bà con chủ động về nguồn giống; đặc biệt, tránh xung đột giữa du lịch biển và nuôi biển.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện chúng ta chưa làm tốt công tác cấp bản đồ để ngư dân khai thác đúng hải phận của vùng biển nước mình. Một số tỉnh vẫn còn tình trạng ngư dân khai thác thủy sản chồng lấn lên hải phận nước khác. Nếu chúng ta tiếp tục vi phạm, EU sẽ rút thẻ đỏ, khi đó các sản phẩm thủy sản sẽ gặp khó vì không xuất khẩu được. Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các ngành, các tỉnh phải chú ý chấn chỉnh vấn đề này.
Trung Chuyên - Hoàng Bình 

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước ta là phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện. Theo Thủ tướng, mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới là thúc đẩy, giúp nông dân tăng thu nhập.
“Hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đứng đầu thế giới, như cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo, chè..., nhưng vẫn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến thấp. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta phát triển, đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng giải quyết vốn tín dụng cho nông dân đang là vấn đề bức xúc, cần có phương án giảm, hoãn cho những hộ nông dân ở vùng bị thiên tai để bà con có vốn tái tạo sản xuất; đồng thời giải quyết các vướng mắc về đất đai cho bà con, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số; ngăn chặn hiệu quả tình trạng một số nông lâm trường phát canh thu tô, gây khó khăn cho sản xuất của bà con.
Thủ tướng lưu ý phổ biến các thông tin về thị trường, nhất là những khu vực mà nước ta đang có hiệp định thương mại, tăng hiểu biết của nông dân về quy luật thị trường để sản xuất phù hợp, tiêu thụ thuận lợi. Các bộ ngành liên quan có chính sách đẩy mạnh chế biến, nhất là ở những vùng sản xuất lớn, giúp ổn định tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đi liền với đó là quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, các bộ ngành, nhất là Bộ NN-PTNT tiếp tục hướng dẫn bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
“Quan điểm xuyên suốt trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, cách mạng 4.0, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng robot, máy bay không người lái, dữ liệu lớn, internet vạn vật… Nông nghiệp 4.0 giờ không còn xa lạ nữa. Nếu chúng ta còn không hiểu cuộc cách mạng đó thì không thực hiện hiệu quả được. Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách các chính sách đầu tư vốn nông nghiệp, chính sách về hạn điền, tích tụ đất đai quy mô lớn; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết 6 nhà”, Thủ tướng chỉ đạo.

Ý kiến

Tháo gỡ khó khăn cho hộ thiệt hại do tiêu chết

Tình trạng cây tiêu chết hàng loạt năm 2018, đặc biệt ở địa bàn Tây nguyên, khiến ngân hàng có tới 2.400 tỉ đồng nợ thuộc diện khó đòi. Chúng tôi biết rằng khó khăn này của bà con là do mưa dài ngày làm tiêu chết, không tiêu thụ được.
Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức có văn bản chỉ đạo giãn nợ, cho vay mới để bà con tiếp tục có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây khác. Chúng tôi cũng xuống tận địa phương để khảo sát, xem xét nếu cần thiết thì trình Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ. Qua tìm hiểu thực tế, ngân hàng nhận thấy tiêu chết không phải là dạng thiệt hại do thiên tai để thực hiện chính sách hỗ trợ khoanh nợ. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo tiếp tục tìm cách giúp bà con có giải pháp tháo gỡ, có thu nhập để giải quyết khoản nợ này.
Ông Đào Minh Tú (Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Cung cấp thông tin về các FTA

Do dịch Covid-19, các phương thức kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng, thay vì trực tiếp sang các thị trường xúc tiến thương mại, chúng tôi tổ chức hội nghị trực tuyến với nhiều thị trường trên thế giới như EU, Trung Quốc, Mỹ...
Tôi cũng đề nghị Sở Công thương, Sở NN-PTNT các địa phương, cơ quan tổ chức hội nhập quốc tế, các hiệp hội chủ động cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại tự do để phổ biến cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khai thác tốt các lợi thế của các FTA.
Ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công thương)
Trung Chuyên (ghi) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.