PV Thanh Niên đoạt giải xuất sắc Giải báo chí châu Á năm 2024

21/06/2024 21:35 GMT+7

Tác phẩm báo chí dữ liệu Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long trên Thanh Niên bản tiếng Anh, nằm trong loạt bài Beneath The Sands vừa đoạt giải xuất sắc hạng mục báo chí đổi mới, Giải báo chí châu Á năm 2024.

Ngày 21.6, tin từ Hiệp hội các nhà xuất bản ở châu Á (The Society of Publishers in Asia - SOPA) cho biết, lễ trao giải thưởng báo chí châu Á năm 2024 vừa diễn ra tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Loạt bài Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long của PV Lê Đình Tuyển đăng trên Thanh Niên ngày 4.7.2023, sau đó bản tiếng Anh nằm trong loạt bài Beneath The Sands (tạm dịch: Sâu dưới những bãi cát) đã đoạt giải xuất sắc hạng mục báo chí đổi mới, Giải báo chí châu Á năm 2024 (The SOPA 2024 Awards).

PV Thanh Niên đoạt giải xuất sắc Giải báo chí châu Á năm 2024- Ảnh 1.

Bài Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long bản tiếng Anh nằm trong loạt bài Beneath The Sands đoạt giải xuất sắc hạng mục báo chí đổi mới, The SOPA 2024 Awards

CTV

Beneath The Sands là loạt bài công phu do The Environmental Reporting Collective - ERC (Tập thể báo cáo môi trường) tổ chức với sự tham gia của phóng viên từ 12 quốc gia, để điều tra hoạt động kinh doanh, khai thác cát toàn cầu.

Các nhà báo đã dành 1 năm để "đào bới" những câu chuyện về hoạt động kinh doanh khai thác cát với những tác động lớn đến môi trường và cuộc sống con người. Chẳng hạn, sự thu hẹp của các hòn đảo ở Indonesia; thiệt hại ngư trường ở Đài Loan, Trung Quốc, Philippines; đất nông nghiệp bị biến thành mỏ khai thác cát ở Kenya và Ấn Độ; và nạn sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khiến hàng ngàn hộ dân phải di dời nhà cửa...

Cùng với bài Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long, một số phần của Beneath The Sands như chuyện khai thác cát ở Thái Lan, Campuchia cũng đã được đăng trên trang Mekong Eye.

PV Thanh Niên đoạt giải xuất sắc Giải báo chí châu Á năm 2024- Ảnh 2.

Đại diện nhóm phóng viên, biên tập Environmental Reporting Collective tham gia loạt bài Beneath The Sands nhận giải từ Ban tổ chức

CTV

Riêng tác phẩm Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đăng trên Báo Thanh Niên cũng được bạn đọc đón nhận mạnh mẽ. Bài báo phản ánh tình trạng ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy, trong khi các địa phương đều than thiếu cát trầm trọng.

Khi tình trạng mất cân đối quá lớn giữa nhu cầu và nguồn cung hạn chế, việc quản lý khai thác cát lại đầy bất cập, bộc lộ nhiều kẽ hở. Nạn khai thác cát lậu xảy ra thường xuyên ở nhiều địa bàn. Trong đó, nhức nhối nhất là khai thác gian lận trữ lượng, sử dụng hóa đơn chứng từ khống để hợp thức hóa cát lậu cùng lượng cát khổng lồ trong "bóng tối"...

6 ngày sau khi bài báo đăng, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5093/VPCP-CN ngày 10.7.2023 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý thông tin Báo Thanh Niên phản ánh. Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ TN-MT và chủ tịch UBND các tỉnh vùng ĐBSCL phối hợp quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho xây dựng đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL.

PV Thanh Niên đoạt giải xuất sắc Giải báo chí châu Á năm 2024- Ảnh 3.

Sau khi bài Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đăng trên Báo Thanh Niên, Thủ tướng đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho xây dựng đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL

ĐÌNH TUYỂN

Đặc biệt, khoảng 1 tháng sau văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 18 bị can liên quan đến vụ án khai thác, kinh doanh cát xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68. Đây là vụ án cát lậu gây rúng động cả nước khi Công ty Trung Hậu 68 (trụ sở tại TP.HCM) được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3 cát để cung cấp cho 4 công trình giao thông trọng điểm nhưng đã khai thác đến 4,7 triệu m3, qua đó gian lận 3,2 triệu m3 cát.

Hiệp hội các nhà xuất bản ở châu Á (The Society of Publishers in Asia - SOPA) là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc chuyên theo đuổi sự xuất sắc trong lĩnh vực báo chí và ủng hộ những phương pháp thực thi tốt nhất cho các nhà xuất bản hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2024, các phương tiện truyền thông toàn cầu, khu vực và Trung Quốc đã gửi hơn 718 bài dự thi bằng tiếng Anh và tiếng Trung cùng một danh mục riêng là tiếng Bahasa Indonesia. Các giải thưởng được trao cho 21 hạng mục bao gồm các vấn đề của phụ nữ, báo cáo dưới dạng báo nói, báo cáo điều tra và báo cáo kinh doanh, báo chí đổi mới, báo cáo công nghệ, báo cáo môi trường, đồ họa, nhiếp ảnh…

Là một trong 135 giám khảo, nhà báo Joseph Kahn, biên tập viên điều hành của tờ The New York Times, người hai lần đoạt giải Pulitzer và từng đoạt giải SOPA nhận xét: "Từ việc lựa chọn câu chuyện, đề tài đến việc thực hiện, đây là một trong những đợt có nhiều câu chuyện được thể hiện hay nhất mà tôi từng được đọc. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục có khán giả cho thể loại báo chí này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.