Vì lo sợ cuốn tiểu thuyết có thể tác động tới đời sống của các nhân vật ở ngoài đời, nhà văn ban đầu đã xuất bản Quả chuông ác mộng dưới nghệ danh Victoria Lucas; và phải bốn năm sau cái chết của cô cuốn sách mới được tái bản dưới đích danh Sylvia Plath. Kể từ đó, Quả chuông ác mộng lập tức gây chấn động trong giới độc giả, bán được hàng triệu bản trên khắp nước Mỹ và được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông ở nhiều nơi trên thế giới.
Câu chuyện kể về Esther Greenwood, một cô gái trẻ dường như đang đứng trước tương lai trải hoa hồng với công việc thực tập tại một tạp chí danh giá ở New York (Mỹ). Tuy nhiên với bao nỗi lo lắng sợ hãi về vai trò được đòi hỏi ở bản thân đối với gia đình và sự nghiệp, Esther ngày càng cảm thấy bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài và dần đánh mất mọi hứng thú và hi vọng, cũng như khả năng thực hiện những nhiệm vụ đơn giản trong cuộc sống thường ngày. Cô bỏ học, bắt đầu tìm cách tự sát, và bị đưa đi chữa trị ở nhiều nhà thương điên.
Những sự kiện chính trong truyện đều được rút ra từ chính cuộc đời của nữ nhà văn - công việc biên tập khắc nghiệt tại một nhà xuất bản có tiếng ở New York, ám ảnh tự sát, và những trải nghiệm chữa trị bằng sốc điện thiếu quy chuẩn. Khoảng gần mười năm trước khi sáng tác Quả chuông ác mộng, trong một lá thư gửi người bạn thân Sylvia Plath đã bộc bạch về cuộc vật lộn của mình với chứng trầm cảm: “Cái cách tôi quẩn quanh suốt cuộc đời mình trong bầu không khí loãng thếch dưới quả chuông này quả là khó tin".
|
Cả trước và sau Quả chuông ác mộng, hiếm có cuốn sách nào phơi bày những bằng chứng đích xác như thế về bản chất của bệnh tâm thần. Từ đầu truyện, trạng thái cách ly của Esther khỏi thực tại thể hiện rất rõ qua cách cô đón nhận các tác động ngoại lai rất bị động: “Bất chợt tôi cảm nhận được mặt đất dâng lên và đập vào mình. Bùn trào qua kẽ ngón tay...”. Đặc biệt ám ảnh là mỗi khi Esther nhìn vào gương, cô lại thấy hình ảnh ánh xạ kia như một cá thể tách biệt và vô hồn: “Khuôn mặt đang nhìn tôi trong gương giống như đang nhìn qua lưới sắt của phòng giam sau khi bị tra tấn lâu ngày”; “Trong gương phản chiếu hình ảnh tôi với đôi cánh trắng, tóc buộc đuôi ngựa, tái nhợt như hồn ma bồng bềnh giữa khung cảnh bên ngoài”. Plath gọi những cảm xúc này là bị nhốt bên trong một “quả chuông” - biểu tượng cho sự cô lập; chúng mạnh đến mức người ngồi bên trong cảm thấy bất lực trước bất kỳ một quyết định hay nhiệm vụ đơn giản nào của cuộc tồn sinh. Trên thực tế, vào những tháng cuối đời, bệnh trầm cảm đã khiến cho Sylvia Plath không còn khả năng sáng tác bất cứ thứ gì và đẩy cô vào trạng thái bất lực đến điên loạn. Cuối cùng cô đã chọn cách tự sát bằng hơi ga và không may mắn như Esther Greenwood trong sách, Sylvia Plath không bao giờ trở lại cuộc sống đời thường được nữa.
Thế nhưng chụp lên quả chuông tâm lý là một quả chuông khổng lồ hơn mang tính xã hội. Phụ nữ Mỹ thời hậu Thế chiến thứ hai, giai đoạn đánh dấu bùng nổ dân số và chủ nghĩa tiêu thụ, được đóng khung trong quan niệm cô ta chỉ có thể trở thành một người phụ nữ đáng mơ ước trong vai trò vợ hiền, mẹ đảm, và phục sức những thứ đồ đắt tiền. Trái ngược với đàn ông, người có thể cùng lúc theo đuổi đam mê, thăng tiến trong sự nghiệp lẫn làm chủ một gia đình thì người phụ nữ chỉ có thể chọn một con đường cho chính mình. Đây chính là chỗ thế giới quan của Sylvia Plath mâu thuẫn với thực trạng xã hội, một phụ nữ đã hình thành tư tưởng nữ quyền từ rất sớm trước khi phong trào nữ quyền của thế kỷ 20 thực sự phổ biến rộng rãi. Trong Quả chuông ác mộng, Sylvia Plath đã gói gọn tư tưởng của mình trong hình ảnh ẩn dụ về cây vả:
“Tôi thấy đời mình đang đâm cành trổ nhánh như cây vả xanh tươi trong truyện ngắn đã đọc.
Ở đầu mỗi cành, như một trái vả tím mọng, một tương lai tươi sáng đang lấp lánh chào đón tôi. Trái đầu tiên là một người chồng, ngôi nhà và những đứa trẻ, một trái khác là thi sĩ nổi danh, một trái khác nữa là giáo sư kiệt xuất [...] Rồi trên cao, vượt lên những trái vả này là những trái khác mà tôi không thể nào nhận ra.
Tôi thấy chính mình đang ngồi trên chạc của cây vả này, người đói lả, chỉ vì không thể quyết định mình sẽ chọn trái nào. Trái nào trong số đó tôi cũng muốn, nhưng chọn một trái nghĩa là bỏ lỡ số còn lại, thế nên tôi ngồi trơ đó, băn khoăn chọn lựa, rồi những trái vả bắt đầu nhăn nheo sạm màu, từng trái, từng trái một rụng rơi xuống chân tôi".
Bên cạnh đó, Sylvia Plath còn đưa vào Quả chuông ác mộng yếu tố đồng tính nữ như một phản ứng trước sự thống trị của nam giới. Trong truyện, nhân vật Joan Gilling cũng từng hẹn hò với Buddy Willard, bạn trai cũ của Esther Greenwood. Tuy nhiên về cuối tác giả hé lộ Joan là lesbian và giống như Esther, cô chưa bao giờ thực sự thích Buddy Willard. Yếu tố nữ quyền thể hiện rất rõ khi từ đầu câu chuyện, cả Esther lẫn Joan đều từng đụng độ với những gã đàn ông đểu cáng, hung bạo, ve vãn, thì đến cuối truyện, họ đều được bàn tay hiền hậu của phụ nữ che chở, và Joan thậm chí sinh tình cảm với Esther hay với nữ bệnh nhân Dee Dee:
“Một người đàn bà tìm thấy điều gì ở một người đàn bà khác mà cô ta không thấy ở đàn ông? Bác sĩ Nolan ngập ngừng. Rồi bà nói: Sự dịu hiền”.
Đối với người ở trong quả chuông thủy tinh, trống rỗng và ngưng đọng như một đứa bé chết non, bản thân thế giới là một cơn ác mộng. Sylvia Plath đã sống giữa cơn ác mộng ấy trong 30 năm ngắn ngủi của đời cô và trút hết những nỗi trăn trở miên trường vào tiểu thuyết duy nhất cô từng viết. Không chỉ dẫn ta đi sâu vào những góc khuất tối tăm của bệnh trầm cảm, Quả chuông ác mộng còn là tâm sự của một phụ nữ với tầm tư tưởng vượt trước thời đại, là tuyên ngôn mạnh mẽ về nữ quyền ngày càng có giá trị giữa thời nay.
Quả chuông ác mộng - của tác giả Sylvia Plath, dịch giả Trần Quế chi chuyển ngữ, vừa được CTCP Sách Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn xuất bản tháng 7.2019.
Bình luận (0)