Quá tải bệnh nhân ung thư

20/11/2024 05:43 GMT+7

Lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quá đông khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu, mệt mỏi, bệnh viện phải tăng cường các giải pháp...

Đi khám từ hôm trước

Hơn 2 giờ ngày 30.10, ông Bùi Văn N. (78 tuổi, ở H.Phước Long, Bạc Liêu) có mặt ở Bệnh viện (BV) Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) với nét mặt phờ phạc. Ông N. bị ung thư ruột già, đã phẫu thuật tại BV Ung bướu vào tháng 3.2024. Định kỳ, ông được con trai đưa đi tái khám bằng xe khách.

Quá tải bệnh nhân ung thư- Ảnh 1.

Bệnh nhân, thân nhân ngả lưng trên ghế đá ở BV Ung bướu cơ sở 2

ẢNH: HOÀI NHIÊN

"Từ nhà tôi đến BV Ung bướu hơn 250 km, để kịp giờ khám tôi phải đi từ 20 giờ hôm trước, đến BV hơn 2 giờ sáng hôm sau, lúc này bệnh nhân (BN) đi sớm như tôi đã rất đông", ông N. mệt mỏi nói. Đăng ký sớm nhưng phải chờ khoảng 5 giờ sau thì ông N. mới được gọi tên vào khám. "Buồn ngủ lắm nhưng ở đây làm gì có chỗ nằm. Có khi tôi uống thuốc để ngủ trên xe khách trước", ông N. chia sẻ.

Ông Tiều Văn T. (58 tuổi, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã quá quen với cảnh chờ đợi khi làm thủ tục khám bệnh tại BV Ung bướu. Mỗi khi đi tái khám ung thư dạ dày, ông T. bắt xe khách ở quê lúc 23 giờ hôm trước, đến nơi lúc 2 giờ hôm sau, rồi phải chờ đến 5 giờ để lấy số xét nghiệm, khám.

"Làm thủ tục lâu quá, làm giấy này giấy kia hết cả buổi. Chờ lâu quá mà không ngủ được nên khi lấy máu xong là mặt tôi tái mét. Vì bệnh tật nên tôi cố gắng, còn nước còn tát...", ông T. chia sẻ. Tờ mờ sáng, ở một góc BV Ung bướu, ông Điểu T. (48 tuổi, ở H.Hớn Quản, Bình Phước) và con trai (8 tuổi) tựa vào nhau ngủ gật trên chiếc ghế chờ. Hơn 4 năm qua, ông T. đưa con trai từ Bình Phước lên BV Ung bướu điều trị bệnh u não. Đi từ 3 giờ và đến BV hơn 5 giờ 30. Trong lúc chờ khám, đứa con mệt mỏi ngủ thiếp trên vai cha. Nhìn con, ông T. chia sẻ: "Tôi chờ bao lâu cũng được, chỉ lo con không chịu nổi vì còn xét nghiệm, vào thuốc. Những lúc nắng nóng, tôi thấy con mệt lả".

Vật vờ cả ngày ở bệnh viện

Chiều 29.10, hàng chục người lót dép ngồi dựa vào tường chờ kết quả cận lâm sàng, một số người nằm vật vạ hai bên lối đi tại BV Ung bướu cơ sở 2.

Quá tải bệnh nhân ung thư- Ảnh 2.

Trải chiếu nằm chờ khám chữa bệnh

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Trần Long Kh. (66 tuổi, ở xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết để đến BV Ung bướu khám, vợ chồng ông phải dậy từ 2 giờ chuẩn bị.

"Từ nhà, chúng tôi đi từ 3 giờ và gần 6 giờ đến BV, nộp giấy tờ, ngồi chờ đến hơn 10 giờ mới được gọi tên vào khám bệnh", ông Kh. nói. Khám, siêu âm, xét nghiệm xong, ông Kh. cũng phải chờ đến chiều tối mới có kết quả, lấy thuốc. Lúc lên xe trở về nhà đã tối muộn.

"Đi xa quá nhưng đến nơi thì chỉ làm được 1 - 2 kỹ thuật trong một ngày. Lúc chờ đợi, tôi nằm nghỉ ở lối đi, có khi nằm trên ghế. Khi không có chỗ nghỉ ngơi, chúng tôi cứ lang thang ở BV", bà Nguyễn Thị Ph. (vợ ông Kh.) nói và chia sẻ thêm suốt thời gian chữa ung thư trực tràng cho chồng, bà phải chạy vạy khắp nơi để mượn tiền, đồng hành tiếp thêm động lực cho chồng.

Nằm quay mình vào bức tường ở lối đi của BV, bên cạnh là vài món đồ mang theo, bà Văn Thị Thu Th. (47 tuổi, ở H.Tân Biên, Tây Ninh) lấy áo khoác làm gối. Bà Th. phẫu thuật ung thư vú năm 2023, có lịch hẹn tái khám 3 tháng một lần tại BV Ung bướu. "Đến BV từ 2 giờ sáng, tới nơi hơn 5 giờ, chờ đến 8 giờ tôi mới được gặp bác sĩ, đến hơn 3 giờ chiều thì có kết quả", bà Th. nói và cho biết mỗi lần đi, tiền xe, tiền ăn uống, tiền khám bệnh, tiền thuốc cũng hơn 1 triệu đồng. Ở quê, mỗi ngày hai vợ chồng cạo mủ cao su cũng chỉ được 500.000 đồng.

Đưa mẹ từ TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) đến TP.HCM tái khám sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, chị Nguyễn Thị V. cho rằng đoạn đường đến BV quá vất vả. "Tôi đưa mẹ đi từ 2 giờ sáng, cả đi về hết 8 tiếng. Có khi đợi kết quả lâu quá tôi nằm ở hành lang, nhiều lúc đông quá không có chỗ ngồi. Tôi chờ đợi được, chỉ sợ mẹ tôi không chịu nổi", chị V. nói.

Còn bà Lê Thị Ng. (58 tuổi, ở Cà Mau) đưa mẹ bị bệnh ung thư đường tiêu hóa lên BV Ung bướu điều trị. Hai mẹ con bà thuê trọ ở gần BV để thuận tiện việc chữa bệnh. Đã gần 17 giờ ngày 29.10 nhưng mẹ con bà vẫn lót chiếu nằm chờ trước cửa phòng xét nghiệm. "Tôi cũng thông cảm cho BV vì BN quá đông. Nhưng mỗi lần làm giấy tờ, thủ tục mất cả ngày. Đi lại vất vả nên tôi thuê phòng trọ. Tôi muốn đưa mẹ lên BV tuyến trên để chữa bệnh, mặc dù đi xa nhưng an tâm hơn…", bà Ng. nói.

Gia tăng bệnh nhân ung thư

TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành BV Ung bướu TP.HCM, cho biết do Covid-19 nên số lượt BN đến khám năm 2021, 2022 giảm so với năm 2020. Nhưng so với năm 2020 (với 748.638), thì năm 2023 số BN đến khám bệnh tăng 4,6%.

Quá tải bệnh nhân ung thư- Ảnh 3.

Bệnh nhân vượt đường xa đến TP.HCM và chấp nhận sự quá tải của Bệnh viện Ung bướu

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Năm 2022 có hơn 638.800 lượt và năm 2023 tăng lên 783.000 lượt (tăng 12,7%). Riêng 10 tháng năm 2024 có gần 726.000 lượt, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2023 (hơn 647.700 lượt).

Trong đó, lượng BN ung thư đến từ các tỉnh rất cao: năm 2020 chiếm tỷ lệ 73,2%; 2021 chiếm 69,6%; 2022 chiếm 80%; năm 2023 chiếm 82%. 10 tháng năm 2024 tỷ lệ này đến 83,9%, tăng 2% so với cùng kỳ 2023.

Còn tính từ tháng 1.2023 đến nay, BN đến khám chữa bệnh tăng khoảng 10 - 15% so với trước. Trong đó, 84% BN đến từ các tỉnh thành (trước đây tỷ lệ này khoảng 75%), số BN có địa chỉ tại TP.HCM đến khám không biến động nhiều (khoảng 700 - 750 BN/ngày).

Về việc BN phải chờ đợi làm các cận lâm sàng lâu, mổ, xạ trị, TS-BS Diệp Bảo Tuấn cho biết hiện BV có 25 máy siêu âm ở cả hai cơ sở, trung bình mỗi ngày siêu âm khoảng 2.800 lượt. Đa số BN được siêu âm trong ngày; cũng có một số BN đến khám bệnh trễ vào buổi chiều mà có chỉ định siêu âm thì được hẹn siêu âm vào đầu buổi sáng hôm sau. Hiện hóa trị thường được BV thực hiện trong ngày.

Thời gian chờ mổ từ 1 - 3 tuần, tùy theo BN. BV áp dụng CNTT hẹn lịch mổ tạo thuận lợi cho BN. Còn thời gian chờ xạ trị giảm trung bình 1 - 2 tuần so với trước. Lãnh đạo BV điều phối BN giữa 2 cơ sở, ưu tiên điều trị những BN nặng, bệnh ác tính trước. Những BN nhẹ điều trị sau. Về hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị như: máy siêu âm, X-quang, CT-Scanner, MRI, SPECT đủ đáp ứng nhu cầu BN.

"Hiện mỗi ngày BV Ung bướu tiếp nhận 4.700 - 4.800 BN đến khám, 950 BN nội trú và khoảng 1.000 - 1.100 BN ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày. BN đến khám ở giai đoạn trễ (giai đoạn 3 và 4) cũng là một nguyên nhân khiến việc điều trị kéo dài, làm tăng thêm tình trạng quá tải. Những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị giúp phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh hơn và kéo dài thời gian sống của BN hơn, đồng thời BN điều trị kéo dài hơn, tái khám thường xuyên hơn", TS-BS Diệp Bảo Tuấn chia sẻ thêm.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện BV Ung bướu TP.HCM là BV tuyến cuối, phụ trách hầu hết BN khu vực phía nam. Cơ sở 1 BV Ung bướu TP.HCM quá tải điều trị từ rất nhiều năm nên TP.HCM đã xây dựng cơ sở 2 với 1.000 giường bệnh. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động thì cơ sở này cũng quá tải!

UBND TP.HCM, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống ung thư tại TP.HCM đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó bao gồm việc phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và theo dõi BN ung thư. Hình thành mạng lưới chuyên khoa ung thư từ tuyến chuyên sâu đến tuyến cơ sở. Ngoài ra, BV Ung bướu hình thành mạng lưới chăm sóc, giảm nhẹ cho BN tại cộng đồng.

Thống kê của BV Chợ Rẫy cho thấy, năm 2022, số BN đến khám, cấp cứu do bệnh ung thư là gần 149.000 ca; năm 2023 tăng lên hơn 150.000 ca. Số BN ung thư nội trú năm 2022 và 2023 tương đương nhau (19.826 ca và 19.529 ca). 10 tháng năm 2024, số BN ung thư đến khám, cấp cứu tại BV Chợ Rẫy là hơn 142.000 ca, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023 (với gần 122.000 ca); nội trú hơn 17.000 ca, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.