Quà vặt cổng trường 'bủa vây' học sinh

12/12/2023 07:15 GMT+7

3.000 đồng một gói nhìn như thanh cua, 5.000 đồng một bịch nhìn giống xúc xích tẩm ớt. Tất cả đều màu sắc sặc sỡ, bao bì toàn bộ chữ tiếng nước ngoài, không có một dòng tiếng Việt để biết sản phẩm này là gì, nơi sản xuất, truy xuất nguồn gốc ở đâu.

Quà vặt, bánh kẹo lạ không rõ nguồn gốc giống nhau ở điểm hình thức bắt mắt, thu hút trẻ em, giá thành rất rẻ, bán chung với nhiều loại bánh kẹo, nước ngọt khác trước cổng các trường học. Và hệ lụy của các loại quà vặt này khó có thể lường.

Quà vặt trước Trường tiểu học Trần Quang Khải (cơ sở 2, đường Lê Hoàng Phái, Q.Gò Vấp) trưa 7.12ẢNH: NHẬT THỊNH

Quà vặt bày bán trước Trường tiểu học Trần Quang Khải (cơ sở 2, đường Lê Hoàng Phái, Q.Gò Vấp) trưa 7.12

NHẬT THỊNH

"SỨC HÚT" Ở CỔNG TRƯỜNG

Chuông chưa reo, cổng trường chưa mở, học sinh (HS) chưa tan học nhưng xe đẩy hàng rong đã trờ tới, tấp nập với đủ đồ ăn thức uống trước cổng các trường học tại TP.HCM.

Chiều đầu tháng 12, chúng tôi có mặt trước cổng một trường THCS trên đường Phan Văn Trị, Q.5 vào giờ tan học, HS ùa ra các xe bánh kẹo, trà sữa, bánh tráng trộn, nước giải khát… san sát ở cổng trường. Tại một xe bán quà vặt là các loại bánh kẹo, nước ngọt đóng chai, không khó để thấy nhiều bịch đồ ăn vặt được gói trong bao bì sặc sỡ, bắt mắt. Chúng tôi hỏi mua các bịch bánh, kẹo trên, giá mỗi gói chỉ từ 3.000 đồng, 5.000 đồng. Trên bao bì toàn tiếng nước ngoài, không có một dòng nào tiếng Việt để biết đây là món gì, do công ty nào sản xuất hay nhập khẩu, giấy phép sản phẩm, truy xuất nguồn gốc món ăn như thế nào. Song đây cũng là các loại đồ ăn được nhiều HS tới chọn mua.

Trưa hôm sau, chúng tôi có mặt trên đường Trần Quốc Toản, Q.3, khi đồng hồ chỉ 11 giờ 30, xung quanh cổng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã được các xe hàng rong vây kín. Nào là bắp rang bơ, bánh mì, bánh ngọt, bún, hủ tiếu… bán trên vỉa hè ngay gần cổng trường, dù cách đó mấy mét có biển yêu cầu không tụ tập bán hàng rong. Giờ tan trường, HS ùa tới các xe hàng rong để mua đồ ăn.

Vào buổi trưa khác, ngay trước Trường tiểu học Trần Quang Khải (cơ sở 2, đường Lê Hoàng Phái, Q.Gò Vấp), nhiều hàng rong bán quà vặt, đồ chơi cho trẻ nhỏ níu chân các em HS.

Tại cổng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3) vào lúc 16 giờ 30 hằng ngày, từ cổng chính đến cổng phụ đều xuất hiện các xe đẩy hàng rong bán những thức ăn được lứa tuổi HS yêu thích như "hotdog pho mai", bánh tráng trộn… đứng chờ sẵn HS vào giờ tan học.

Còn tại Trường THPT Marie Curie (Q.3), do trường thiết lập hàng rào chắn cũng như ngăn lối dành riêng cho người đi bộ nên các xe hàng rong không tập trung ngay cổng mà di chuyển sang bên kia đường, đối diện cổng phụ của trường trên đường Lê Quý Đôn. Vào giờ tan học, những hàng ăn di động này thu hút khá đông HS của trường.

"BÀI TOÁN KHÓ" VỚI NHÀ TRƯỜNG

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, hiệu trưởng các trường cùng tâm tư không ai có thể nói mạnh được cổng trường mình không có hàng rong. Tình huống này, trường học nằm ở thế bị động, bị "tấn công".

Bánh kẹo với toàn tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc,  xuất xứ được mua ở cổng trường với giá 3.000 đồng, 5.000 đồng ẢNH: THÚY HẰng

Bánh kẹo với toàn tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được mua ở cổng trường với giá 3.000 đồng, 5.000 đồng

THÚY HẰNG

Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho biết việc quản lý hàng rong trước cổng trường luôn là bài toán khó với nhà trường. Bà Giang nói: "Thi thoảng vẫn có xe bán hàng rong trờ tới cổng trường. Những lúc như thế, trường lại nhờ địa phương can thiệp. Trường phối hợp nhiều biện pháp, phương án để người bán hàng rong không coi cổng trường là một địa điểm họp chợ".

Theo bà Giang, trường thông tin về tác hại của việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc của hàng rong đến với từng HS, phổ biến đến phụ huynh. Ở lứa tuổi THCS, việc giáo dục HS về nguồn gốc thực phẩm trở nên vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát HS không dùng hàng rong.

Chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình như kẹo, trà sữa…

Trong hai tháng 11 và 12.2023, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Công an thành phố, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội và Trung tâm kiểm soát bệnh tật triển khai chương trình tập huấn về phòng, chống tội phạm ma túy, thuốc lá mới và các chất gây nghiện trong trường học.

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cảnh báo hiện nay, HS, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và các chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình như kẹo, trà sữa, bóng cười, shisa, cỏ Mỹ... Trước thực tế đó, năm nay, ngoài việc tập huấn cho giáo viên, lần đầu tiên Sở GD-ĐT phối hợp cùng cơ quan chức năng tập huấn cho HS về nội dung này. Mục đích là giúp HS hiểu chính xác về thuốc lá điện tử, các chất gây nghiện.

Ông Dương Trí Dũng cũng yêu cầu công tác phòng, chống ma túy và thuốc lá trong trường học phải bám sát thực tế. Nhà trường chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân và điều kiện phát sinh tệ nạn ma túy trong trường học, qua đó tạo môi trường học tập lành mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cơ sở giáo dục.

Bích Thanh

Mặt khác, trường thường xuyên phối hợp với UBND phường để nhờ hỗ trợ về việc đảm bảo an ninh trật tự trước cổng trường.

Tương tự, hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng tại khu vực trung tâm TP cho hay: "Đây là vấn đề nan giải và chúng tôi tìm đủ phương án để hạn chế, ngăn chặn, bảo đảm an toàn cho HS. Khi xuất hiện hàng rong, trước tiên nhà trường làm việc với UNBD phường, đề nghị hỗ trợ xử lý việc bán hàng rong trước cổng trường. Vì xử lý việc này chỉ phường mới có đủ chức năng, thẩm quyền. Còn về phía nhà trường thì thực hiện ký kết với công an phường về mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" và thực hiện công tác tuyên truyền, vận động".

Cụ thể, nhà trường giáo dục HS qua các chuyên đề và lồng ghép trong các tiết dạy về ý thức giữ vệ sinh an toàn cho chính mình, không mua những thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, theo hiệu trưởng này, là việc tuyên truyền với phụ huynh HS để hiểu và cùng phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm giáo dục, bảo vệ các con. (còn tiếp)

Các cơ sở giáo dục phối hợp với lực lượng công an địa phương

Đề cập đến thực trạng hàng rong "tấn công" trường học, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đây là một nội dung nằm trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học. Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát việc tổ chức ký kết liên tịch với địa phương theo quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT với Công an TP.HCM về việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Các cơ sở giáo dục phối hợp tốt với lực lượng công an tại địa phương thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự tại đơn vị. Tạo kênh thông tin hiệu quả thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giám thị và tổ chức đoàn thể tại đơn vị kịp thời nắm bắt, ngăn chặn ngay từ đầu, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự tại đơn vị, đặc biệt là khu vực cổng trường, xung quanh khuôn viên trường. Chú trọng tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, HS, sinh viên. Đặc biệt kêu gọi ý thức và sự phối hợp của phụ huynh HS trong việc hạn chế sử dụng các thực phẩm hàng rong bán xung quanh cổng trường để đảm bảo an toàn cho HS. Thực hiện tuyên truyền về công tác an ninh trật tự trước cổng trường và tuyên truyền phòng chống tác hại của game online, thuốc lá điện tử trong HS với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo HS, sinh viên tham gia.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.