Qua vùng thảm họa sạt lở: 'Căng mình' tìm đất dời làng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
05/01/2021 04:29 GMT+7

Ở Nam Trà My (Quảng Nam), tìm được địa hình ít đe dọa bởi sạt lở đã khó, tìm cho ra nơi dựng làng mới để bà con Xê Đăng, Ca Dong ưng cái bụng lại càng khó hơn...

Sợ cảnh bên núi, bên sông

Có lẽ ngoài ngày giỗ chung của nhiều người tử vong trong vụ sạt lở ở nóc Ông Đề (28.10.2020), nhiều gia đình ở đây còn có thêm ngày đáng nhớ khác: 22.12.2020. Đó là ngày động thổ khởi công khu tái định cư (TĐC) tại thôn 2, xã Trà Dơn.
Gần 2 tháng sau thảm nạn, tỉnh Quảng Nam đã căng mình để tìm cho được vị trí an toàn dựng làng mới cho người dân. Cụ Hồ Văn Đề (77 tuổi) bảo nghe tin tìm được mảnh đất mới dựng làng dù mưa gió, đường sá trắc trở nhưng cụ vẫn nhờ người chở đến để xem bằng được. “Nhìn mảnh đất bằng phẳng, bố có phần yên tâm nhưng vẫn lo sợ cảnh bên núi, bên sông. Vì như khu đất trước đây bố chọn dựng nóc, có ai ngờ được điều chi đâu...”, cụ Đề chia sẻ.
Hiểu được những ám ảnh của cụ Đề cũng như cư dân trong nóc, chính quyền địa phương đã khảo sát kỹ các vị trí để dựng làng mới. Thế nhưng, ở 3 địa điểm, nơi có mặt bằng thuận lợi lại không có nguồn nước, nơi có nguồn nước thì lại gần các con suối tiềm ẩn nguy cơ lũ quét. “Cân nhắc mãi, các ngành phối hợp mới chọn vị trí tại thôn 2, xã Trà Dơn để xây dựng làng mới cho 51 hộ dân. Trong đó, có 44 hộ dân đã mất hết nhà cửa và 7 hộ dân mất khoảng 70% nhà. Nóc Ông Đề (thôn 1) và nóc Tăk Pát (thôn 2) sẽ được TĐC tại nơi này”, ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, nói.
Chỉ tay vào bản vẽ quy hoạch tổng thể khu TĐC, ông Cường nhìn nhận: “Khó có thể tìm được vị trí an toàn tuyệt đối”. Bởi địa hình ở Nam Trà My vốn dĩ rất phức tạp. Do vậy, địa điểm TĐC mới được chọn được đánh giá là an toàn nhất trong số những điểm đã khảo sát. Các hạn chế sẽ dần được khắc phục. Chẳng hạn, khu vực eo sông Leng uốn lượn qua làng mới khiến nhiều người lo sợ xảy ra thảm họa tương tự ở nóc Tăk Pát sẽ được nghiên cứu làm kè kiên cố. Trong thời gian tới, sau khi ổn định nơi ở cho bà con, ngành chức năng sẽ tính đến việc san phẳng quả đồi bên cạnh. Phần đất này sẽ được đổ ra phía mép sông để lấy thêm quỹ đất công cộng...
Tôi tìm đến nóc Tăk Pát (cách UBND xã Trà Leng khoảng 500 m) và chứng kiến khung cảnh hai bờ sông Leng sạt lở tan hoang. Hàng chục ngôi nhà đã bị dòng nước cuốn mất hút, chỉ còn lại phần móng chênh vênh bên bờ sông. Trong đợt lũ lịch sử ngày 28.10.2020, con sông chảy qua khu vực này đã bị nắn dòng, tràn bờ gây nên tình trạng xâm thực rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thành Sơn (48 tuổi, người mất nhà cửa ở nóc Ông Đề) tỏ ra lo lắng khi nhận thấy vị trí khu vực TĐC ở xã Trà Dơn khá giống với nóc Tăk Pát. “Chỗ đó nhìn qua thì thấy an toàn. Nhưng sau này có lũ bà con vẫn lo sợ. Vì dòng sông Leng chảy qua khu vực này nhìn rất giống khu vực sạt lở trên nhánh sông ở nóc Tăk Pát. Nắng thì dám ở, chứ tôi nghĩ mùa mưa bão thì phải tìm chỗ nào cho bà con. Trà Leng giờ sạt lở khắp nơi”, ông Sơn lo lắng.
Qua vùng thảm họa sạt lở:  'Căng mình' tìm đất dời làng1

Nhà của Phó chủ tịch UBND xã Trà Vân Hồ Văn Thới tan hoang sau trận lũ quét

Giữ tên nóc cho dân

Tôi trở lại làng Khe Chữ (xã Trà Vân) vào đúng thời điểm tròn 3 năm người dân kéo đến đây lập làng. Ngày 6.11.2017, sau một tiếng nổ rền trời, đất đá ập xuống vùi lấp 4 căn nhà ở nóc Ông Tuân (thôn 2) khiến 5 người chết, 9 người bị thương. Sau đó, cuộc di dân lịch sử về thung lũng Khe Chữ với hơn 120 hộ dân được thực hiện một cách nhanh chóng. Trên tuyến Đông Trường Sơn, những căn nhà san sát nhau mọc lên. Cuộc sống trên mảnh đất mới dần ổn định. Ông Hồ Văn Hải (42 tuổi) kể 3 năm chuyển về Khe Chữ, gia đình ông đã yên tâm làm ăn và quên đi những ám ảnh sạt lở. Vợ chồng ông cũng gầy dựng được tiệm tạp hóa lớn nhất nhì vùng. Chị Nguyễn Thị Hậu (27 tuổi) dời đến làng mới dù diện tích đất canh tác ít nhưng mỗi mùa mưa bão có thể kê cao gối ngủ vì không còn canh cánh nỗi lo sạt lở...
Ông Hồ Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Trà Vân, cho hay làng mới Khe Chữ là địa điểm hiếm có trên toàn Nam Trà My để chọn làm khu TĐC cho làng lở. Khi khảo sát chọn nơi TĐC cho nóc Ông Sinh (sạt lở khiến 8 người chết), địa phương cũng muốn có cuộc đất tốt tương tự Khe Chữ, nhưng không có. Cũng như ở xã Trà Leng, nhiều nơi có địa thế tốt thì lại thiếu nguồn nước. Theo nguyện vọng của người dân, khu TĐC được lập tại khu đất đối diện khu vực sạt lở ở nóc Ông Sinh, phía bên kia đường. Khu đồi thấp này hiện đang được đơn vị thi công cấp tập san gạt mặt bằng...
Qua vùng thảm họa sạt lở:  'Căng mình' tìm đất dời làng2

Khu nhà tạm được chính quyền địa phương dựng lên gần hiện trường vụ sạt lở ở nóc Ông Sinh (xã Trà Vân)

ẢNH: HOÀNG SƠN

Ngồi trong căn nhà tạm cất lên từ những rường cột nhặt nhạnh từ đống đổ nát, anh Đinh Hoàng Cư (40 tuổi) bảo nóc Ông Sinh “khai sinh” từ hàng chục năm trước, nên bây giờ người dân muốn giữ tên cũ sau khi lập làng mới. Chủ tịch xã Trà Vân Hồ Văn Huyện cho hay việc giữ tên nóc cho người dân được lưu tâm hàng đầu khi lập khu TĐC để từ đó gìn giữ gốc gác, bản sắc vốn dĩ được hun đúc từ hàng chục đến cả trăm năm qua. “Theo tập quán sinh sống của đồng bào Ca Dong, bên cạnh việc xây dựng nhà sàn bằng bê tông theo thiết kế chung, chúng tôi cũng quan tâm đến việc làm sao có quỹ đất để người dân dựng thêm nhà sàn bằng gỗ, tre nứa bên cạnh. Người dân rất thích sống trong những ngôi nhà như vậy”, ông Huyện nói.
Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho hay với diện tích 200 m2, đồng bào Xê Đăng ở 2 nóc Ông Đề và Tăk Pát có thể dựng 2 căn nhà. Trước mắt, sau khi bốc thăm các lô đất, người dân có thể dựng nhà tạm phía sau, phần trước sẽ xây nhà theo mẫu mà bà con và các già làng thống nhất. “Với mức hỗ trợ 150 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí của nhà nước, người dân đã có được căn nhà 1 phòng khách, 2 phòng ngủ kiên cố rộng khoảng 50 m2. Để gìn giữ bản sắc của mỗi nóc, trong khu TĐC tại thôn 2 (xã Trà Dơn) chúng tôi sẽ bố trí thành 2 khu tương ứng với 2 nóc Ông Đề và Tăk Pát, cách nhau một con đường. Người dân đã quen sống trong cộng đồng là người thân thuộc của mình. Sau sạt lở với biết bao buồn đau, việc bố trí như thế sẽ khiến họ không có cảm giác xa lạ và có thể đùm bọc nhau”, ông Cường chia sẻ. (còn tiếp)
Giúp người dân... giữ tiền hỗ trợ
Chủ tịch UBND xã Trà Vân Hồ Văn Huyện cho hay sau khi xảy ra sạt lở, người dân ở nóc Ông Sinh (thôn 1) được cộng đồng hỗ trợ số tiền khá lớn. Địa phương đã cử cán bộ xuống nắm tình hình và vận động bà con sử dụng tiền hỗ trợ đúng mục đích. Còn tại xã Trà Leng, lo đồng bào Xê Đăng sử dụng tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm không đúng mục đích, Chủ tịch xã Phan Quốc Cường đã yêu cầu cán bộ thường xuyên theo dõi tình hình để định hướng; hằng ngày, cán bộ đều xuống cơ sở vận động bà con làm sổ tiết kiệm. “Với việc giúp bà con giữ được tiền hỗ trợ, đồng thời chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, công cuộc tái thiết cuộc sống sau thảm họa sẽ dần ổn định”, ông Cường chia sẻ.
Dựng thêm làng mới
* Thi công trước, hoàn tất thủ tục sau
Chiều 4.1, tại thôn 1, xã Trà Vân, H.Nam Trà My (Quảng Nam), khu TĐC cho đồng bào bị mất nhà cửa do sạt lở gây ra ở nóc Ông Sinh (thôn 1) đã được khởi công. Bảy hộ dân ở nóc Ông Sinh thuộc diện bị sạt lở vùi sập nhà cửa sau thảm họa lở núi chiều 28.10.2020 sẽ được hỗ trợ dựng nhà mới trên khu đất rộng 0,3 ha, tại vị trí cách nóc cũ gần 500 m. Trong đó, mỗi hộ dân được cấp 200 m2 đất; mỗi ngôi nhà được xây dựng với kinh phí khoảng 200 triệu đồng, do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam đảm nhận. Dự kiến công trình hoàn thành, bàn giao nhà trước ngày 7.2, để người dân vùng sạt lở kịp có nhà mới đón Tết Nguyên đán.
Trước đó, ngày 22.12.2020, tại thôn 2, xã Trà Dơn (H.Nam Trà My), khu TĐC cho 51 hộ dân thôn 1 và thôn 2 (xã Trà Leng, cùng huyện) bị sạt lở, lũ quét cuốn sập nhà cửa cũng đã khởi công tại khu đất rộng 6 ha ở thôn 2, cách trụ sở UBND xã Trà Leng gần 1 km. Khu vực TĐC được chia thành 80 lô đất (200 m2/lô).
Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 28.10.2020 xảy ra 2 vụ sạt lở núi nghiêm trọng trên địa bàn H.Nam Trà My. Hậu quả, tại nóc Ông Sinh (xã Trà Vân), nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, 12 người bị thương và 8 người tử vong. Tại xã Trà Leng, có 15 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người mất tích, đến nay mới tìm thấy được 9 thi thể nạn nhân. Đầu tháng 11.2020, ngôi làng Tăk Pát ở thôn 2, xã Trà Leng cũng bị “xóa sổ” sau một trận lũ quét kinh hoàng.
* Theo Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My Trần Văn Mẫn, ngay sau khi thi công xong mặt bằng, huyện sẽ tập trung đầu tư hạ tầng dân sinh như điện, nước sinh hoạt, đường giao thông... để người dân tại khu TĐC ở thôn 2 (xã Trà Dơn) sớm ổn định cuộc sống. Trước đó, ngày 9.12.2020, thị sát các khu vực TĐC cho người dân ở các xã Trà Leng và Trà Vân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu H.Nam Trà My phát huy kinh nghiệm từ khu TĐC Khe Chữ và nhanh chóng hỗ trợ xây dựng nhà cửa, ổn định đời sống cho đồng bào gặp nạn. Ông Thanh yêu cầu làm ngay nhà ở cho các hộ mất nhà cửa, không chờ đến khi mặt bằng xong mới dựng nhà. Phải tổ chức nhân công làm ngày đêm, đảm bảo kế hoạch đưa các hộ dân về ở trước thời điểm Tết Nguyên đán 2021.
Thực hiện chỉ đạo này, chính quyền địa phương đã huy động phương tiện máy móc để san ủi mặt bằng tại các khu TĐC. Chủ tịch UBND xã Trà Leng Phan Quốc Cường cho biết các hồ sơ hiện được làm song song: vừa áp giá đền bù vừa vận động người dân cho thi công trước nhằm đảm bảo tiến độ.
Mạnh Cường - Hoàng Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.