Quách Beem kháng cáo, lần đầu lên tiếng lý do im lặng khi bị kiện 'Gánh mẹ'

09/05/2022 11:20 GMT+7

Gửi đơn kháng cáo lên TAND TP.HCM sau khi Tòa án kết luận chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Trương Minh Nhật, công nhận ông Nhật là tác giả bài thơ Gánh mẹ, Quách Beem cho biết: "Là người làm văn hóa , 3 năm qua tôi chọn im lặng vì tin tưởng mình được pháp luật bảo vệ...".

Sau gần 3 năm diễn ra vụ kiện "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" liên quan bài thơ Gánh mẹ giữa nguyên đơn là ông Trương Minh Nhật và bị đơn là ông Đoàn Đông Đức (tức ca nhạc sĩ Quách Beem), ngày 25.4, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên ông Trương Minh Nhật là tác giả và là chủ sở hữu quyền tác giả bài thơ Gánh mẹ, đồng thời cũng là chủ sở hữu quyền tác giả phần lời của tác phẩm âm nhạc cùng tên (do Quách Beem phổ, được sử dụng trong phim Lật mặt 4: Nhà có khách của Công ty TNHH Lý Hải Production).

Ca khúc Gánh mẹ vẫn còn trên Souncloud với tên tác giả: Quách Beem

chụp màn hình ngày 9.5

Theo đó, tòa buộc Quách Beem tạm ngừng khai thác phần lời bản nhạc Gánh mẹ trên mọi phương tiện và nền tảng; đảm bảo quyền nhân thân của ông Trương Minh Nhật với phần lời của bản nhạc Gánh mẹ; khắc phục sửa chữa thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký tại Cục Bản quyền Tác giả và bồi thường thiệt hại cho ông Trương Minh Nhật số tiền: 122,4 triệu đồng (gồm: thiệt hại vật chất: 7,5 triệu đồng, thiệt hại tinh thần: 14,9 triệu đồng, chi phí cho luật sư: 100 triệu đồng).

Trước kết luận này, Quách Beem đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và khẳng định "tác phẩm âm nhạc Gánh mẹ do chính tôi sáng tác phần lời và phổ nhạc từ năm 2013, là sản phẩm trí tuệ và thiêng liêng của tôi"; đồng thời "mong muốn Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án".

Trao đổi với Thanh Niên, nghệ sĩ Quách Beem cho biết: “Tôi là người làm văn hóa, chính vì vậy 3 năm qua tôi không lên tiếng và cũng không tranh cãi hay xúc phạm ai. Tôi chọn im lặng trước mọi lời xúc phạm. Tôi chọn im lặng không phải vì tôi sợ, cũng không phải tôi thừa nhận. Tôi im lặng vì tôi tin tưởng mình được pháp luật bảo vệ”.

Theo Quách Beem, anh chưa bao giờ lấy hình tượng thiêng liêng của mẹ ra để làm mục đích riêng cho mình và lạm dụng điều đó để dẫn dắt dư luận

nvcc

Theo Quách Beem, “Tôi không tranh giành với ai điều gì khi mà nó mặc nhiên thuộc về mình. Ông ấy tự nhận là tác giả là việc của ông ấy, nhưng đứng trước luật pháp, ông ấy cần phải sòng phẳng với nghĩa vụ của mình - nghĩa vụ chứng minh. Nhưng cho đến nay tôi thấy tất cả những gì mà ông ấy tự gọi là bằng chứng thật sự rất nực cười và hết sức hồ đồ, bỗng dưng đứa con của tôi dứt ruột đẻ ra, pháp luật không cần xét nghiệm máu đã ngay lập tức tuyên bố người khác là cha đẻ của con tôi! Một đứa con tôi đẻ ra, hoặc là tôi quên, hoặc là tôi chậm, thậm chí tôi không đăng ký khai sinh cho nó - tôi có thể sai về pháp luật, nhưng điều đó không có nghĩa rằng một người nào đó tới nhận là con họ mà không cần phải có nghĩa vụ chứng minh vẫn được tòa chấp nhận, điều đó tôi thấy bất bình”.

TAND TP.HCM đã nhận đơn kháng cáo của ông Đoàn Đông Đức (nghệ danh: Quách Beem)

nvcc

Vì lẽ đó, Quách Beem kháng cáo (TAND TP.HCM đã nhận được đơn kháng cáo hôm 4.5). Anh nói: "Tôi kháng cáo không phải vì để thắng hay thua, không phải vì tranh công, cũng không chứng tỏ mình tài giỏi, mà đơn giản nó là con của tôi, là dòng máu của tôi nên tôi phải có nghĩa vụ bảo vệ nó. Là một người làm văn hóa, tôi không tranh cãi mà tôi nhờ vào sự công bằng của pháp luật”.

Lý do vắng mặt suốt quá trình tố tụng

Trong suốt quá trình diễn ra vụ kiện (từ tháng 11.2019), ca nhạc sĩ Quách Beem chưa lần nào xuất hiện trước tòa.

Anh lý giải: “Là một người làm văn hóa, tôi muốn thượng tôn pháp luật và mong muốn để pháp luật giải quyết thông qua luật sư vì công việc của tôi lưu diễn và di chuyển thường xuyên. Ngay từ khi TAND TP.HCM chưa đưa vụ án ra xét xử, tôi vẫn nói rõ quan điểm rằng nếu ông Trương Minh Nhật nói bài hát Gánh m của tôi là thơ của ông ấy thì ông ấy hãy chứng minh, không bằng cách này thì bằng cách khác, không thể nói bằng miệng và không có bất kỳ một bằng chứng, giấy tờ chứng minh, mà tự dưng lại bảo bài hát của tôi là thơ của ông ấy được”, đồng thời khẳng định: “Đến lúc này, tôi vẫn giữ thái độ im lặng, tôi tôn trọng pháp luật và tôi chỉ giải quyết bằng con đường pháp luật”.

Về lý do phần lời ca khúc Gánh mẹ được viết theo thể thơ lục bát (trong khi thông thường, các nhạc sĩ phổ nhạc cho một bài thơ mà họ đọc hay nghe được và tâm đắc hơn là tự sáng tác thơ rồi phổ nhạc), nghệ sĩ Quách Beem cho rằng:

Gánh mẹ của tôi là một ca khúc tôi viết sau khi đi viện dưỡng lão về, tôi luôn đau đáu trong lòng tại sao lúc mẹ còn sống không ai nuôi mẹ, Gánh mẹ - như mẹ đã một đời tần tảo gánh con, đừng chờ mẹ mất rồi thì mới ăn năn, mới hiểu được sự gồng gánh trên đôi vai gầy guộc của mẹ trong suốt quãng đường đời vì con khôn lớn, trưởng thành "vì con hạnh phúc mẹ chẳng từ gian nan".

Không có quy định chung nào để phân biệt câu từ như thế nào là thơ, như thế nào là lời nhạc. Tôi viết nhạc theo cảm xúc, quý vị có thể nghe ca khúc Hà Giang ơi, Hiểu và thương, Mẹ yêu ơi, Đạo làm con... của tôi, nó cũng có thể đọc thành thơ vì tôi thường viết lời trước rồi phổ nhạc sau hoặc có giai điệu trước rồi viết lời tùy thuộc vào cảm xúc và hoàn cảnh thực tế. Đó là điều hết sức bình thường với những ai làm công việc sáng tác. Mỗi bài hát của tôi là một ý nghĩa, giá trị nhân văn mà tôi muốn tặng đến khán giả, tôi viết nhạc cho mọi người chứ không viết nhạc để cho riêng cá nhân tôi hoặc để vụ lợi vật chất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.