'Quái lạ' như... tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Đừng lấy mình làm chuẩn để đi soi người khác

Thanh Nam
Thanh Nam
08/11/2018 08:47 GMT+7

Nhiều người cho rằng 'ông Dương sống mà không biết tận hưởng cuộc sống', 'làm đến chết à'. Đáp lại, ông Dương cười trừ vì không chấp những người chỉ biết lấy hệ quy chiếu của cá nhân để áp đặt cho người khác.

Người khác lo đi tắm, đi ngủ thì tôi lo giải quyết công việc

* Nhiều người thắc mắc ông vừa điều hành công việc ở trường, giảng dạy, thế mà vẫn có thời gian “đi sô” rất nhiều trên truyền hình. Làm sao có thể phân bổ được thời gian tài tình như thế?

- Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Sao lại không nhỉ? Tôi làm được đấy. Quỹ thời gian của mọi người như nhau cả, một ngày cũng 24 tiếng đồng hồ cả thôi. Nhưng quan trọng là phải có kỹ năng quản trị thời gian. Sự tài tình là thể hiện chỗ này. Mà nhờ vậy tôi mới nổi tiếng chứ.

Ai cũng vậy, trong mỗi ngày, mỗi người đều có 4 việc phải làm. Một là việc rất quan trọng và không khẩn cấp. Có thể kể như: kiếm tiền, lấy vợ, có bằng cấp… Đây là những việc mang tính mục tiêu quan trọng. Hai là việc rất quan trọng, rất khẩn cấp. Đó là những mục tiêu cuộc đời như: thi đến hạn, nợ đến hạn, đó là sắp ly hôn phải giải quyết… Ba là việc không quan trọng nhưng rất khẩn cấp, mà hay gọi đó là việc ủy quyền. Có thể đó là một email phải trả lời, chuyện phải tắm, phải ngủ… Và bốn là việc không quan trọng cũng không khẩn cấp. Đó là dạng phần thưởng. Như tự thưởng cho mình bữa nhậu, cuộc gặp cà phê với bạn bè, đi chơi đâu đó…


Những người thành công là những người dành 60% cho việc đầu tiên. Đó là Isaac Newton, Albert Einstein, Acsimet… Họ đi tắm, đi vệ sinh cũng suy nghĩ công việc. 20% họ dành cho việc thứ hai. Việc thứ ba và thứ tư chỉ dành 20% còn lại.

Thế nhưng, nhiều người trẻ Việt Nam lại “đâm đầu” vào những việc đâu đâu. Nam giới thì dùng nhiều thời gian cho việc không quan trọng cũng không khẩn cấp, nào là nhậu nhẹt, cắm đầu vào Facebook, chúi mặt chơi game… Còn nữ giới thì khoái dành thời gian cho những việc không quan trọng nhưng rất khẩn cấp như lo làm đẹp…, như vậy là thua rồi.

Bản thân tôi, giải đáp cho những ai đang thắc mắc vì sao có nhiều thời gian để làm nhiều việc như dạy học, đi diễn thuyết, điều hành công việc ở khoa, đi tham gia các chương trình truyền hình… vì tôi dùng nhiều thời gian vào việc đầu tiên. Nếu người khác lo đi tắm, lo đi ngủ thì tôi lo giải quyết công việc. Có tỉ phú 8 ngày mới tắm thì cũng có sao đâu. Ngồi nhậu với nhau, người ta uống 3 ly thì tôi uống 1 ly rồi lo chạy về. Nhậu xong, người ta uống 3 ly xỉn lăn ra ngủ thì tôi lo làm việc...

Anh ruột, em ruột, rồi bố tôi cũng hỏi câu này. Tôi trả lời thì tưởng tôi nói phét. Nhưng cứ hỏi những người ở cái trường này (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - PV) đi, tôi tranh thủ tận dùng từng giờ để làm việc, để học. Một tiếng đồng hồ thôi nhưng tôi lượm vô vàn kiến thức. Học mọi lúc mọi nơi để tăng kiến thức liên tục, để giải quyết thật nhiều công việc.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: "Người khác lo đi tắm, đi ngủ thì tôi lo giải quyết công việc" ẢNH: NVCC

* Nếu nghe ông nói vậy, thì sẽ có người bảo rằng ông Lê Thẩm Dương không biết cách tận hưởng cuộc sống. Ông nghĩ sao nếu bị nói vậy?

- Nhiều người cũng bảo tôi: “làm cho chết à”, “làm mà không biết hưởng thụ, tận hưởng cuộc sống gì vậy Dương”. Nhưng tôi chẳng quan tâm những lời đó, vì tôi không chấp những người chỉ biết lấy hệ quy chiếu của cá nhân để áp đặt cho người khác.

Nói như họ thì những Donald Trump, Bill Gates, Jack Ma, Obama… tận hưởng cuộc sống khi nào? Tôi nói thật nhé, tôi mới đi 6 nước châu Âu về, sau giờ giải quyết công việc, tôi đi bảo tàng, chụp ảnh này nọ, nhưng chẳng thấy thích gì cả. Vì với tôi, tận hưởng cuộc sống là tận hưởng trong lao động. Tôi mà không lao động là không chịu được. Nếu không hiểu được thì… lui, chứ đừng nhìn vào mà phán xét người khác.

Mỗi người ở một đẳng cấp nhu cầu khác nhau, và mỗi người có hệ giá trị cá nhân khác nhau. Tại sao phải lấy hệ quy chiếu cá nhân để áp đặt cho người khác. Có người đi Đầm Sen họ thích, nhưng tôi thì thấy việc đó rất lãng phí thời gian và không thích.

Nói thì mất lòng, không ít người Việt Nam luôn lấy mình làm chuẩn để đi soi sáng người khác. Người châu Âu không có thói quen đó, họ liên tục nhận xét chính mình chứ không bao giờ nhận xét người khác. Tóm lại, đừng lấy hệ quy chiếu của mình nhận xét người khác. Họ là gì đâu mà phán xét tôi. Phải cần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng người khác. Còn tôi, vẫn cứ là tôi, tôi nghiện việc, tôi cứ làm, và đó là cách để tận hưởng cuộc sống của tôi. 

Với ông Lê Thẩm Dương, lao động, làm việc là cách để tận hưởng cuộc sống ẢNH: NVCC

Tôi sống và làm việc theo pháp luật, chứ không sống theo dư luận

* Ông vừa là một giảng viên, vừa là một người nổi tiếng trên mạng. Vậy, ông mong muốn được biết đến là một tiến sĩ Lê Thẩm Dương dạy giỏi, tận tâm với sinh viên, hay là một tiến sĩ Lê Thẩm Dương cực kỳ nổi tiếng qua những chương trình truyền hình, một diễn giả diễn thuyết ở những sân khấu tầm cỡ?

- Tôi không có ý muốn gì cả, tôi chỉ có một tâm trí duy nhất, Đó là cực kỳ lý thú với định nghĩa của Karl Marx “đạo đức cao nhất của con người là làm được cái gì?”. Bất kể là cái gì, tôi cũng chả quan tâm đến gì cả. Tôi chả quan tâm đến nổi tiếng thì tôi nổi tiếng, và mọi thứ buộc tôi phải nổi tiếng. Chứ người khác, họ càng làm bóng bẩy càng chết. Mà nổi tiếng là một hoạt động marketing. Cần phải có nguyên liệu marketing và kỹ thuật truyền thông cho nguyên liệu đó. Cứ tập trung truyền thông mà không có nguyên liệu, một anh giảng viên dạy thì chả ra gì, tính tình thì không cống hiến… thì sao mà nổi tiếng cho được.

Tóm lại là, tôi chẳng mong muốn gì cả. Tôi chỉ chứng minh tôi là người có đạo đức. Cái cao nhất của con người không phải là tiền hay chức vụ, mà đó là nhận được sự tự trọng.

* Có người xem những đoạn phim giảng dạy, diễn thuyết của ông và cho rằng tiến sĩ Lê Thẩm Dương quá thẳng thắn, bộc trực, nói không ngại đụng chạm. Phải chăng điều đó sẽ khiến ông có nhiều người ganh ghét?

- Đúng là như vậy rồi. Hiện tượng thỏa mãn người ta thì sinh ra cảm xúc tích cực, hay còn gọi là thích. Còn hiện tượng không thỏa mãn người ta thì sinh ra cảm xúc tiêu cực, gọi nôm na là ghét. Và khi đối diện 100 người, thì tôi sẽ tạo ra cảm xúc tích cực cho một nhóm, và có thể tạo ra cảm xúc tiêu cực cho một nhóm khác, nên chuyện ganh ghét tôi là bình thường. Vì để đạt 100% người yêu thích mình là không thể. Bởi lẽ giá trị mỗi người không giống nhau, mỗi người nhìn nhận vấn đề khác nhau, nên cùng một hiện tượng thì họ sẽ không thể nhìn nhận giống nhau được.

Và quy tắc con người là quy tắc đố kỵ. Họ đang nổi tiếng, nhưng rồi tự nhiên đùng đùng xuất hiện một ông Lê Thẩm Dương, cũng nổi tiếng, nên họ tìm cách đẩy ra, từ đó tạo ra sự đố kỵ. Tôi chấp nhận cuộc chơi, rằng “cứ thêm một thành công thì thêm một kẻ thù”.

Trước mặt tôi lúc nào cũng có 3 loại người, đó là người ghét, người thích và người không tỏ thái độ. Nhưng với tôi thì cứ “kệ họ thôi”. Có những thứ họ nói về mình, mình thấy đúng, thì mình điều chỉnh. Còn họ nói không đúng về mình, thì chả cần phải sửa làm gì. Tôi sống và làm việc theo pháp luật, chứ không sống theo dư luận.

* Nhưng nếu như ông bớt nóng nảy, ôn hòa hơn, nhẹ nhàng hơn chẳng hạn, thì biết đâu đó, lượng người yêu thích ông sẽ nhiều hơn thì sao?

- Tại sao phải thế nhỉ? Nếu tôi mà ôn hòa, nhẹ nhàng thì… “mất thằng Lê Thẩm Dương ngay”. Mỗi người sinh ra có một phong thái, khí chất riêng. Có người nóng nảy, trầm tính, linh hoạt, ưu tư. Riêng tôi, tôi có khí chất linh hoạt pha nóng nảy. Tôi luôn tôn trọng khí chất của mình.

Vả lại tôi thấy mặt phải từ tính bộc trực của tôi là đem lại lợi nhuận rất cao cho xã hội, đó là hiểu biết của xã hội, là khiến những người làm sai sẽ lo lắng, run sợ. Còn nếu tôi trầm tính lại sẽ lấy được lòng người thì tính cống hiến bằng không. Và vì thế, vấn đề là tôi chọn cái khí chất đang có của mình, đừng ai can thiệp tôi...

Ông Lê Thẩm Dương cho rằng bản thân có khí chất linh hoạt pha nóng nảy ẢNH: NVCC

Làm chủ chứ đừng làm thuê!

* Người trẻ VN muốn thành công, theo ông thì cần những yếu tố nào?

- Người ta thường nói “ba lô vào đời”. Người trẻ cần có kiến thức cứng (15% kiến thức của nghề, và 85% kiến thức ngoài nghề).

Ba lô thì có hai cục đựng nước ở hai bên, đó gọi là kỹ năng mềm (gồm khoảng 30 kỹ năng như: thích nghi, giao tiếp, giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn… ). Ba lô còn có hai cái quay, đó là tin học và ngoại ngữ, hay còn gọi là kiến thức công cụ. Có ba lô này thì “đời luôn thẳng”.

Thế nhưng nghịch lý và đáng buồn ở chỗ, một số người trẻ Việt Nam kiến thức nghề thì gần như không có, suốt ngày phây phiết (Facebook - PV) tào lao. Toàn đọc những thứ mang tính chân lý không hiểu gì cả. Vì thế, cần phải có kỹ năng mềm. Có kỹ năng mềm thì sở hữu từ 85 - 92% sự đại thắng của cuộc đời.

Chưa kể phải học thật nhiều, vì sự học là không dừng lại. Như tôi, đến giờ vẫn học, học mọi lúc mọi nơi, để góp nhặt kiến thức càng nhiều càng tốt.

Tôi nói những điều đó như là lời chân tình, chia sẻ để người trẻ đọc, thẩm thấu và lớn lên, chứ không phải dạy dỗ áp đặt gì đâu. Và hơn hết, người trẻ nên có khát vọng và ý chí, dám nghĩ dám làm. Chứ nhiều anh chàng mới mua được cái nhà, tậu được cái xe là tinh tướng, mặt vênh lên là không được. Người trẻ hãy sống chân thành đi. Và phải có động cơ đàng hoàng, phải có ý chí, đừng có hèn, phải nâng cao khát vọng.

* Ông là một nhà giáo, vậy theo ông, chuẩn của một giáo viên thời hiện đại cần hội tụ những yếu tố nào?

- Đó là có kiến thức hiện đại, có kiến thức bề rộng (ở nhiều lĩnh vực), có kiến thức thực tế, và có thái độ tốt. Nghĩa là thường xuyên cập nhật những kiến thức từ nước ngoài, không chỉ có kiến thức chuyên môn không mà phải am tường ở nhiều lĩnh vực khác nhau nữa. Và khi đến lớp, không phải giảng cho xong tiết, cho hết giờ, mà phải dốc ruột gan ra để giảng giúp cho sinh viên tiếp thu kiến thức. Chứ bây giờ, nhiều người chỉ… nói trên mây.

 
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương chia sẻ cát sê của ông khi tham gia các chương trình là cao ẢNH: NVCC

Cát sê của tôi cao là… đương nhiên

* Với sự nổi tiếng của mình, chắc hẳn cát sê của ông khi tham gia các chương trình truyền hình hay khi diễn thuyết sẽ cao lắm?

- Cao là mặc định, có gì phải lăn tăn nhỉ? Tôi lao động cật lực, moi móc hết mọi thứ để nói, để đem lại kiến thức cho họ thì xứng đáng nhận lại mức tương xứng.

Kể thiệt chứ chả có ai trả tiền cho tôi mà có cảm giác vừa tức vừa tiếc cả. Vì họ thấy tôi tận tâm tận tụy và lao động cật lực. Ban đầu khi ngỏ lời, có thể họ mặc cả. Nhưng sau đó, với những gì chứng kiến tôi lao động, họ đưa thêm, họ xin lỗi vì trước đây đã mặc cả với tôi.

* Nếu vậy, chắc ông giàu lắm?

- Tôi nghèo thì làm sao dạy được ở các doanh nghiệp. Phải giàu thôi, chứ nghèo thì sẽ bị bắt bẻ ngay ông có giàu đâu mà dạy được.

* Ông am tường dường như mọi thứ, nhất là về tâm lý như vậy. Có lẽ chuyện dạy con, chuyện gia đình của ông viên mãn và hoàn hảo lắm?

- Tất nhiên rồi. Người ta sống 6 năm có thể chia tay, vợ chồng tôi sống 36 năm nay vẫn vô cùng hạnh phúc, nhà luôn vui như tết. Chỉ có điều tôi không muốn nói về con cái, vì hai đứa nhỏ đang tự do phát triển, không muốn xuất hiện trên truyền thông, rồi bị bạn bè biết mặt là con ông Dương, rồi bị chi phối… Nhưng tôi có thể nói là, con Lê Thẩm Dương thì không thể tào lao được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
 

Theo ông Dương, ở Việt Nam hiện nay thường có 4 kiểu người: Một là làm thuê, bỏ sức để làm thuê cho ý chí của người khác. Sau đó tiếp tục đi học để được lên lương, nhưng vẫn làm thuê. Về hưu nhận được khoản lương cao, chỉ vậy thôi nhưng rất tự hào. Hai là dám nghĩ dám làm, vượt ngưỡng bản thân. Không chấp nhận làm theo ý chí của người khác mà làm theo ý chí của chính bản thân họ. "Tôi nói thật, tôi phục những người này hơn vạn lần so với những tiến sĩ làm thuê. Họ dám từ bỏ công việc để mở quán cà phê, về quê chăn lợn, vừa làm tăng GDP, vừa giúp cuộc sống cá nhân và giúp xã hội giàu hơn", ông Dương nói.

Ba là làm bằng sức não, họ thuê người khác làm cho họ. Và bốn, là họ trở thành ông chủ đúng nghĩa, tạo ra được dòng thu nhập thụ động, đạt được tài chính tự do, nhờ đó có tự do cá nhân.

Thế ông Dương đang thuộc kiểu nào? "Tôi ở cả bốn loại ấy. Thế mới là diệu nghệ", tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.