'Quái vật biển Caspi' của Nga liệu có hồi sinh?

Phạm Bá Thủy
Phạm Bá Thủy
22/12/2020 14:00 GMT+7

Ngày nọ, năm 1967, một nhóm nhà phân tích tình báo Mỹ đã tập trung tại phòng Xanh lục của trụ sở CIA để giải mã các bức ảnh “giật gân” do vệ tinh do thám chụp được trên biển Caspi.

Các bức ảnh cho thấy một cỗ máy khổng lồ giống máy bay.

Ekranoplan là gì?

"Quái vật biển Caspi", như báo chí phương Tây thường gọi, là đứa con tinh thần của Rostislav Alekseev. Đó là một phương tiện bay trên đệm không khí, tức ekranoplan - một dạng “con lai” giữa máy bay và tàu thủy.
Loại “thủy phi cơ” này có khả năng bay lơ lửng trên mặt nước, từng được Liên Xô cũ và một số nước khác sản xuất. Ekranoplan khai thác hiệu ứng ekran, tức hiệu ứng mặt đất phát sinh do sự thay đổi tính chất chịu lực của cánh ở độ cao thấp. Khả năng này được các phi công phát hiện vào những năm 1920. Nhờ hiệu ứng này, ekranoplan có thể tăng tốc lên đến trên 400 km/h và dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật khác nhau dưới dạng các bãi cạn nhỏ hoặc bụi lau sậy. Một trong những sáng chế như vậy là "Rys" (Linh miêu) của Liên Xô với ba động cơ.

Tàu ekranoplan thử nghiệm CM

Vào đầu thập niên 1960, Điện Kremlin đã phê duyệt chương trình phát triển các dự án chế tạo ekranoplan chiến đấu cho Hải quân và các loại quân binh chủng khác. Những cỗ máy này khác với những con tàu bình thường ở chỗ chúng có khả năng đạt vận tốc lên đến 250 hải lý/giờ (460 km/h), có thể di chuyển trên mặt biển, sông, đầm lầy, tuyết, băng và thậm chí trên đất liền. So với máy bay có thông số kỹ thuật tương đương, ekranoplan tiết kiệm hơn về chi phí chế tạo và nhiên liệu sử dụng, có sức nâng lớn hơn, rất hữu ích trong các hoạt động đổ bộ và cứu hộ, vận chuyển hàng hóa và cho các mục đích quân sự khác. Ngoài ra, để đổ bộ, ekranoplan không cần cơ sở hạ tầng ven biển - chỉ cần tìm một vùng nước hoặc vùng đất có kích thước phù hợp là đủ.

Điều gì đã xảy ra với "Quái vật biển Caspi"?

Mẫu đầu tiên, CM (tàu thử nghiệm), được chế tạo vào năm 1966, được trang bị 10 động cơ phản lực cánh quạt: 8 ở dưới cánh và 2 ở đuôi. Cỗ máy nặng 544 tấn, có chiều dài 92 mét, chiều cao 22 mét, sải cánh 37 mét.
Vào thời điểm đó, nó là chiếc thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, CM được xem là tàu chứ không phải máy bay, và vì vậy thuộc quyền tài phán của Hải quân, vì hiệu ứng ekran (sức nâng của đệm không khí) chỉ hoạt động ở độ cao vài mét. Bề ngoài, CM giống một chiếc tàu đổ bộ. Tuy nhiên, nó được điều khiển không phải bởi các thuyền trưởng mà bởi các phi công thử nghiệm.
Mọi thông tin về CM đều được giữ bí mật. Vào ngày 22.6.1966, chiếc CM đầu tiên được hạ thủy tại bến tàu Volga ở thành phố Gorky. Sau đó, trong gần một tháng, dưới một tấm lưới ngụy trang và ở trạng thái nửa chìm nửa nổi, nó được kéo dọc theo sông Volga từ Gorky đến thành phố Caspiysk, nơi một trạm thử nghiệm đặc biệt được xây dựng. Vì lý do bí mật, việc lai dắt chỉ diễn ra vào ban đêm.
Để cất cánh từ mặt nước, ekranoplan cần phải đạt vận tốc 350 km/h. Chuyến bay đầu tiên diễn ra trên biển Caspi ở độ cao bốn mét. Nó kéo dài chỉ 50 phút nhưng cũng đã đủ thời gian cho vệ tinh do thám ghi hình.

Tàu chiến đấu “Lun” (Diều hen), được thiết kế để chống tàu chiến và mang 6 tên lửa hành trình

CM đã được thử nghiệm trong khoảng 15 năm. Vào ngày 9.2.1980, nhà thiết kế Rostislav Alekseev, cha đẻ của nó qua đời, và cùng năm đó, một thảm họa đã xảy ra với "Quái vật biển Caspi". Trong quá trình cất cánh, phi công đã nâng mũi cỗ máy quá mạnh, khiến mũi nó hướng lên ở tốc độ cao và đạt trạng thái gần như thẳng đứng. Chiếc CM lật nghiêng sang trái và rơi xuống nước. Phi công sống sót, nhưng cỗ máy đã bị vô hiệu hóa. Do không được trục vớt cứu hộ nên một tuần sau nó chìm hẳn.

Ekranoplan hạng nặng có trở lại không?

Năm 1972, mẫu ekranoplan thứ hai được chế tạo, với tên gọi "Orlyonok" (Đại bàng nhỏ), tuy nhiên, với các thông số khiêm tốn hơn: chiều dài 58 mét, trọng lượng 120 tấn.

Mẫu ekranoplan thứ hai, "Orlyonok"

Mô hình thứ ba xuất hiện vào năm 1987. Đó là tàu chiến đấu “Lun” (Diều hen), được thiết kế để chống tàu chiến và mang 6 tên lửa hành trình.

Mẫu thuỷ phi cơ "khủng" duy nhất được chế tạo là Lun, mang 6 tên lửa diệt hạm trên lưng, được mệnh danh quái vật biển Caspi thời Liên Xô

Hải quân Liên Xô

Cũng khá dễ hiểu tại sao CIA quan tâm tới ekranoplan của Liên Xô đến thế: các mục tiêu bay thấp hầu như không thể nhìn thấy trên màn hình radar, do đó, các radar phòng không thông thường sẽ rất khó phát hiện ra chúng.

Tàu ekranoplan lớp Lun phóng tên lửa

Tổng cộng, khoảng 30 mô hình ekranoplan đã được chế tạo. Vào những năm 90, việc phát triển các dự án như vậy đã bị tạm thời dừng lại. Chỉ đến năm 2012, chính phủ Nga đã chỉ thị cho Cục Thiết kế Trung ương Alekseev tiếp tục sản xuất ekranoplan. Hiện nay các mô hình mới của các hậu duệ "quái vật biển Caspi" đang được tích cực phát triển ở cả Nga và nước ngoài, nhưng vẫn chưa trở nên phổ biến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.