'Quán cà phê thân thiện' với người bị chứng mất trí nhớ

08/10/2017 14:26 GMT+7

Từ ngày 6.10.2017, nhiều đề can có hình thức ăn và thức uống phóng lớn được dán trên mỗi cái bàn tại Trung tâm ẩm thực Kim San Leng ở trung tâm Bishan (Singapore) để giúp cho người bị chứng mất trí nhớ dễ dàng hơn khi gọi món ăn và nước uống.

Và nếu bạn ngồi xuống, đọc dòng chữ tiếng Anh và tiếng Hoa ghi bên cạnh thì bạn biết rằng người bị chứng mất trí nhớ có thể không biết được chính xác mệnh giá của đồng xu. Họ có thể nghĩ rằng họ đang được phục vụ sai món; hoặc yêu cầu sai gia vị như nước xốt cà chua cho món trứng luộc.
Mười lăm chủ quán tại trung tâm này đã được đào tạo để giúp đỡ những vị khách bị chứng bệnh mất trí nhớ, theo The Sunday Times.
Họ cũng được cung cấp một bản liệt kê những mục cần kiểm tra để treo trong quầy. Bản này giải thích rõ những gì cần để ý và kèm theo lời khuyên: hãy lịch sự và kiên nhẫn khi phục vụ những người nghi bị chứng mất trí nhớ.
Trung tâm được xem như “quán cà phê thân thiện" với những người bị chứng mất trí nhớ đầu tiên ở Singapore. Đây là sáng kiến Đừng Bỏ Quên Chúng Tôi (FUN) được thực hiện bởi Quỹ Lien, một tổ chức bác ái địa phương.
Theo Viện Sức khỏe tâm thần Singapore, trong 10 người trên 60 tuổi ở Singapore, có một người bị chứng mất trí nhớ. Singapore có khoảng 40.000 người bị chứng mất trí nhớ.

tin liên quan

Ngửi mùi có thể dự đoán được bệnh mất trí nhớ
Một bài kiểm tra ngửi mùi đơn giản có thể giúp dự đoán chính xác bệnh mất trí nhớ trong 5 năm sau. Bài kiểm tra này đã được các nhà nghiên cứu ở Mỹ thử nghiệm trên 3.000 người ở độ tuổi 57 đến 85.
Ông Hoon Thing Leong, Giám đốc điều hành của Trung tâm ẩm thực Kim San Leng và Chủ tịch Hội Thương nhân Bishan, nói với The StraitsTime ông đồng ý đề nghị này ngay bởi vì trung tâm và chuỗi cửa hàng cà phê của ông rất đông khách và thực hiện sáng kiến này sẽ có lợi cho nhiều người lớn tuổi.
The StraitsTime dẫn lời của một quan chức Singapore cho biết các quán ăn và cửa hàng cà phê tại trung tâm này là địa điểm thích hợp để nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng mất trí nhớ và cũng cảnh báo cho các thành viên gia đình biết để chú ý đến những thay đổi hành vi của người lớn tuổi trong gia đình.
Nhà quản lý điều hành và tiếp thị Elaine Tan (57 tuổi), có mẹ bị chứng mất trí nhớ vào năm 1994 và chết vào năm 2005, cho biết bà rất hoan nghênh ý tưởng này tại trung tâm.
“Mất trí nhớ rất kinh hoàng”, bà cho biết. Bà nhớ lại trước kia mẹ bà cũng hay ghé các quán cà phê mua thức uống và thực phẩm. Vì mẹ bà thường làm rớt thức ăn hay nước uống nên những người chủ không thích phục vụ mẹ bà.
Chủ cửa hàng Yu Kee bán món vịt om, Eunice Seah (32 tuổi), tại Trung tâm Kim San Leng, cho biết cửa hàng bà có một vị khách bị chứng mất trí thường xuyên ghé mua. Bà cũng thường giúp trông chừng vị khách này không cho đi đâu quá xa và đợi người giúp việc trong gia đình đón vị khách này về.
Lee Poh Wah, Giám đốc điều hành của Quỹ Lien, cho biết Nhật Bản đã bắt đầu ý tưởng tạo nên một cộng đồng thân thiện với người bị chứng mất trí nhớ cách đây 12 năm. Nhật Bản có 8,8 triệu người bị chứng mất trí nhớ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.