Quần đảo Solomon bất ổn giữa cuộc cạnh tranh chiến lược

Khánh An
Khánh An
29/11/2021 07:52 GMT+7

Giới quan sát cho rằng bạo loạn xảy ra tại quần đảo Solomon một phần do tác động từ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và phương Tây trong khu vực.

Các binh sĩ và cảnh sát Úc, Papua New Guinea hôm qua tập trung giúp khôi phục an ninh tại quần đảo Solomon sau những ngày bạo loạn khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị bắt giữ. Tờ Solomon Star đưa tin các lực lượng này đang hiện diện ở thủ đô Honiara giúp ngăn chặn tình trạng bạo loạn, cướp bóc và đốt các tòa nhà, cửa hiệu. Chiến dịch dọn dẹp cũng được tiến hành xuyên đêm tại những nơi bị ảnh hưởng nặng, nhất là khu phố Tàu, nơi 3 thi thể bị cháy sém được tìm thấy tại một cửa hiệu hôm 26.11.

Nguồn cơn mâu thuẫn

Quần đảo Solomon nổi tiếng là một trong những chiến địa khốc liệt trong Thế chiến 2, với trận Guadalcanal mang tên hòn đảo lớn nhất nước, nơi có thủ đô Honiara. Theo tờ Aspen Daily News, sau khi giành độc lập vào năm 1978, đảo quốc với 700.000 dân hiện có đa số là người Melanesia, bên cạnh các nhóm thiểu số người Polynesia, Micronesia, người Hoa và châu Âu.

Các binh sĩ Úc đến hỗ trợ ổn định tình hình tại quần đảo Solomon vào ngày 26.11

AFP

Làn sóng di cư từ Malaita, đảo lớn thứ 2 và là tỉnh đông dân nhất nước, đến Guadalcanal đã dẫn đến căng thẳng sắc tộc và thậm chí bất ổn. Vào thập niên 1990, người bản địa Guadalcanal tiến hành chiến dịch bạo lực nhằm đẩy lùi người Malaita ra khỏi đảo. Lực lượng Malaita Eagle được thành lập nhằm bảo vệ họ và dẫn đến việc chính phủ tuyên bố 4 tháng khẩn cấp vào năm 1999. Úc, New Zealand từ chối đề nghị giúp đỡ, cộng với việc cảnh sát chia rẽ về sắc tộc khiến trật tự và luật pháp ở Guadalcanal sụp đổ. Vào năm 2000, lực lượng Malaita Eagle bắt cóc Thủ tướng Bartholomew Ulufa’alu vì cho rằng ông thiếu hành động vì người Malaita. Ông Ulufa’alu từ chức để đổi lấy tự do và Thủ tướng Manasseh Sogavare sau đó cầm quyền 4 nhiệm kỳ trong nỗ lực giữ ổn định.

Xoay trục

Vào năm 2019, quần đảo Solomon cắt mối quan hệ ngoại giao 36 năm với vùng lãnh thổ Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục, trong bối cảnh Bắc Kinh và phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược tại khu vực Thái Bình Dương. Chính phủ của Thủ tướng Sogavare cho rằng sự xoay trục sẽ giúp nước này nhận được nhiều viện trợ kinh tế và đầu tư hạ tầng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái trên lại làm gia tăng bức xúc, nhất là sau khi một số nghị sĩ thừa nhận rằng Trung Quốc đưa ra hàng trăm ngàn USD để đổi lấy sự ủng hộ của họ, dù Bắc Kinh tuyên bố đó chỉ là “lời đồn và sự vu khống”.

Khu phố Tàu ở thủ đô Honiara của quần đảo Solomon bị đốt phá hôm 25.11

Căng thẳng ngày càng gia tăng từ việc chính phủ ủng hộ Bắc Kinh còn giới lãnh đạo người Malaita ủng hộ Đài Loan. Theo chuyên gia Jonathan Pryke, Giám đốc chương trình Đảo quốc Thái Bình Dương tại Viện Lowy (Úc), căng thẳng địa chính trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo loạn, khi người Malaita thiên về Đài Loan hơn, trong khi chưa đánh giá được liệu quần đảo Solomon có được lợi ích về tài chính từ việc chuyển hướng sang Bắc Kinh hay không. Trong khi đó, tình trạng nghèo khó và mất việc làm trong đại dịch Covid-19 góp phần khiến bức xúc dâng cao.

Sự bất đồng đối với giới doanh nhân người Hoa vốn tồn tại từ trước ở quần đảo Solomon và từng dẫn đến việc khu phố Tàu bị đốt phá vào năm 2006 cũng như trong vụ bạo loạn tuần trước. Theo tờ The Age, Thủ tướng Sogavare tỏ ra cứng rắn trước tình trạng bất ổn, cáo buộc các đối thủ chính trị gây chia rẽ, làm gia tăng thái độ chống Trung Quốc.

Úc tố Trung Quốc tác động quyết định LHQ về di sản rạn san hô "gặp nguy hiểm"

Trước đó, Úc đã rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi quần đảo Solomon vào năm 2017 sau 14 năm và lần này nhấn mạnh rằng các binh sĩ sẽ chỉ ở lại trong vài tuần. Lực lượng cảnh sát địa phương sau đó sẽ đối diện thách thức lớn trong việc lấy lại lòng tin và phát triển thành lực lượng gìn giữ hòa bình hiệu quả. Theo Đài ABC, tình trạng bất ổn ở quần đảo Solomon phản ánh sự cân bằng quyền lực trên thế giới đang thay đổi và an ninh, trật tự không có nhiều vấn đề phát sinh. Đây còn là lời nhắc về tình trạng không ổn định trong khu vực, kèm theo dự báo rằng những gì xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ định hình an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21.

Trung Quốc khuyến cáo công dân

Tờ Hoàn Cầu thời báo hôm qua đưa tin Đại sứ quán Trung Quốc tại quần đảo Solomon đã nhắc nhở các công dân Trung Quốc tại đây tiếp tục thận trọng hơn về an ninh, sau những ngày bạo loạn tại thủ đô Honiara. Tình hình có dấu hiệu dịu bớt, nhưng sự đề phòng về an ninh vẫn cần được tăng cường, một nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc khuyến cáo. Trong hai ngày trước đó, đại sứ quán đã họp với các công dân Trung Quốc trên đảo nhằm ghi nhận lo ngại của họ và tìm cách giải quyết. Theo Đại sứ quán Trung Quốc, cho đến nay, chưa có công dân Trung Quốc nào thiệt mạng trong bạo loạn, sau khi phố Tàu ở Honiara bị tấn công, cướp phá khiến nhiều thương nhân Trung Quốc thiệt hại lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.