Tỉnh đông dân nhất Solomon đòi độc lập vì sự hiện diện của Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
14/10/2020 08:00 GMT+7

Lãnh đạo tỉnh đông dân nhất của Quần đảo Solomon muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vì cho rằng chính phủ đặt mối quan hệ với Trung Quốc trên người dân.

Vào ngày 3.9, chuyến bay thuê thuộc hãng hàng không Solomon Airlines chở 104 người từ TP.Quảng Châu (Trung Quốc) đến thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon, đảo quốc ở nam Thái Bình Dương. Số hành khách gồm có 83 người Trung Quốc và chỉ có 21 người Solomon. Trong đó có cả đại sứ Trung Quốc đầu tiên ở Solomon đến nhậm chức.
Vài ngày trước khi máy bay hạ cánh, nhiều chính trị gia và tổ chức phi chính phủ ở Solomon kêu gọi Thủ tướng Manasseh Sogavare hủy chuyến bay nói trên, nhưng không thành công, theo CNN.

Nỗi sợ ở Malaita

Trước chuyến bay nói trên, Solomon đóng cửa biên giới hoàn toàn trong nhiều tháng và chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào. Dù chính phủ Solomon thông báo tất cả 104 hành khách đều được xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhiều người trên đảo quốc vẫn bị sốc bởi quyết định cho số lượng lớn công dân Trung Quốc vào đất nước khi biên giới đang được phong tỏa để phòng chống đại dịch.
Họ lo lắng chuyến bay có thể mang ca nhiễm đầu tiên vào đảo quốc có gần 700.000 dân và phá hủy hệ thống y tế còn yếu kém của quốc gia này. “Chúng ta đẩy cả nước vào rủi ro. Dường như chính quyền không chịu lắng nghe lời kêu gọi từ các công dân của quốc gia này”, tổ chức phi chính phủ Transparency Solomon Islands cảnh báo.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare hôm 3.10 xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở quốc đảo này. Đó là một sinh viên được đưa về từ Philippines, theo Đài NRZ. Sinh viên này được xét nghiệm dương tính ngay sau khi trở về nước, dù đã vượt qua 3 lần xét nghiệm trước khi lên máy bay. Trước đó có 18 sinh viên Solomon được xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Philippines và họ cần được vượt qua 3 đợt xét nghiệm với kết quả âm tính mới được lên máy bay về nước. Dù đã có một sinh viên trở về bị nhiễm Covid-19, Thủ tướng Sogavare tuyên bố chính phủ vẫn tiếp tục tổ chức các chuyến bay đưa hơn 400 công dân còn mắc kẹt ở Philippines trở về nước.

Nhiều người dân ở tỉnh Malaita trong một cuộc tuần hành phản đối sự hiện diện của Trung Quốc

Chụp màn hình Ettoday.net

Trong vài ngày trước khi chuyến bay hạ cánh, nhiều người ở Malaita, tỉnh đông dân nhất của Solomon (khoảng 160.000 dân) lo sợ cộng đồng người Trung Quốc trong tỉnh sẽ đến Honiara để chào đón đại sứ Trung Quốc mới rồi mang trong người bệnh Covid-19 trở về tỉnh, theo giáo sư Joseph Foukona ở Malaita. Nỗi sợ đã thúc Nhóm hoạt động Malaita vì dân chủ viết thư kêu gọi tất cả người Trung Quốc rời khỏi thủ phủ Auki trong 24 giờ đồng hồ.
Đó không phải là lần đầu tiên, cộng đồng người Trung Quốc đối diện tình trạng không được người dân ở Solomon hoan nghênh. Hồi năm 2006 đã xảy ra một cuộc bạo động trong Phố người Hoa ở Honiara về tình trạng ngày càng có nhiều doanh nhân Trung hiện diện ở Solomon.
Khi đó, Bắc Kinh phải thuê một chuyến bay sơ tán hàng trăm công dân Trung Quốc. Ngày nay có nhiều công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc hoạt động ở Solomon, theo Hoàn Cầu thời báo. Tình trạng này khiến nhiều người Solomon cảm nhận rằng toàn bộ Honiara hiện nay là Phố người Hoa, theo giáo sư Solomon chuyên về Clive Moore tại Đại học Queensland (Úc).

Kêu gọi độc lập

Hai ngày trước khi chuyến máy bay chở 104 người từ Quảng Châu hạ cánh xuống Honiara, ông Daniel Suidani, lãnh đạo Malaita, thông báo sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Malaita trong tháng 9.
Ông Suidani cho rằng các lãnh đạo quốc gia đang đặt mối quan hệ mới của họ với Bắc Kinh trên người dân trong khi trách nhiệm duy nhất của chính phủ là chăm sóc người dân. “Nhưng điều tôi thấy là chính phủ Solomon không chăm lo cho chúng tôi”, ông Suidani khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN.
“Chúng tôi nghĩ rằng chính quyền biết ơn và mắc nợ Trung Quốc đến mức không thể cung cấp các dịch vụ thiết yếu để bảo vệ sức khỏe của các công dân. Đây là lúc người dân Malaita xem liệu có nên tiếp tục là công dân của một đất nước có giới lãnh đạo trở nên độc tài hay không”, ông Suidani cho hay trong tuyên bố gửi cho CNN. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin là Malaita có tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nói trên hay không.
 
Solomon công nhận Đài Loan từ năm 1983 nhưng đến tháng 9.2019 thì cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, chuyển sang Bắc Kinh. Trong tuyên bố sau đó, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare nhấn mạnh nước này sẽ hưởng lợi ích khổng lồ chưa từng thấy trong mối quan hệ mới với Trung Quốc.
Đài phát thanh Đài Loan dẫn lời Trưởng Cơ quan ngoại giao  Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp cho hay ông biết rằng Trung Quốc đã hứa cung cấp cho Solomon 500 triệu USD. Nếu chính xác, con số này sẽ cao hơn đóng góp của Đài Loan ở Solomon trong thập niên qua. Tuy Thủ tướng Solomon hoan nghênh Trung Quốc và những lợi ích kinh tế nước này hứa hẹn, vẫn có nỗi sợ rằng Bắc Kinh quá mạnh nên không thể là đối tác bình đẳng đối với đảo quốc này, theo CNN.
Ở Malaita, phong trào đòi độc lập đã nổi lên trong nhiều thập niên do nhiều người dân và giới chức cảm nhận tỉnh này không được chính phủ coi trọng, theo ông Graeme Smith, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Úc về đầu tư của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Ngoài ra, CNN dẫn lời giáo sư Foukona cho rằng trong vài tháng trước khi chuyến bay nói trên đã có những dấu hiệu bất đồng giữa chính phủ và Malaita. Hồi năm ngoái, ông Suidani là nằm một số những nhân vật lên tiếng chỉ trích việc chính phủ Solomon cắt đứt quan hệ với Đài Loan, chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Ông Suidani lo ngại rằng nhiều doanh nhân Trung Quốc đến Solomon, chiếm quyền làm chủ các cơ sở kinh doanh và đất đai. Ông cho biết thêm ông nhìn thấy nhiều Trung Quốc trong ngành gỗ đến Malaita và không tôn trọng các quy định địa phương. Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay chính phủ nước này “yêu cầu các công ty Trung Quốc tuân thủ luật pháp nước sở tại và các quy định quốc tế”, theo CNN. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.