Quần đảo Solomon chia rẽ trong vòng xoáy ảnh hưởng của Trung Quốc

26/01/2022 07:52 GMT+7

Quần đảo Solomon đã ổn định lại tình hình trong nước sau nhiều tuần bạo loạn, nhưng người dân nơi đây vẫn còn dè chừng và ngờ vực về sự hỗ trợ của Trung Quốc .

Bất ổn ở quần đảo Solomon

Gần 2 tháng sau khi bạo loạn làm rung chuyển thủ đô Honiara của quần đảo Solomon, trật tự phần lớn đã được lập lại. Theo South China Morning Post, những cửa hàng của người Trung Quốc từng bị đốt phá trong lúc hỗn loạn đang dần mở cửa trở lại. Các nghị sĩ của quần đảo Solomon cũng đã có thể quay về nhà sau một thời gian phải sống nhờ sự bảo vệ của cảnh sát. Tháng trước, lệnh giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau đã được dỡ bỏ.

Tình trạng bất ổn ở đảo quốc có khoảng 700.000 dân này bắt đầu từ ngày 24.11.2021. Chỉ trong 4 ngày, bạo lực khiến 4 người thiệt mạng. Hàng loạt doanh nghiệp, hàng quán của người Trung Quốc tại khu phố Tàu ở Honiara bị đập phá, cướp bóc. Cuộc bạo loạn gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và khiến hàng trăm công dân Trung Quốc mất nhà cửa.

Bạo loạn ở quần đảo Solomon hồi tháng 11.2021

Reuters

The New York Times đưa tin nhiều người đã từ tỉnh Malaita, khu vực đông dân nhất quần đảo Solomon, đến thủ đô Honiara trên đảo Guadalcanal để biểu tình. Mâu thuẫn giữa Malaita với chính quyền trung ương ở Guadalcanal đã âm ỉ trong nhiều thập niên. Malaita cho rằng sự thiếu hỗ trợ kinh tế của Honiara khiến Malaita là một trong những tỉnh kém phát triển nhất quốc đảo này.

Căng thẳng thêm tồi tệ vào năm 2019 khi quần đảo Solomon cắt quan hệ ngoại giao 36 năm với vùng lãnh thổ Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục. Quyết định này bị giới lãnh đạo tỉnh Malaita vốn ủng hộ Đài Loan phản đối. Thủ tướng Manasseh Sogavare của quần đảo Solomon cũng bị cáo buộc dùng tiền Trung Quốc tài trợ trong quỹ phát triển quốc gia để tác động đến phiếu bầu của các thành viên quốc hội. Dù phía Trung Quốc và ông Sogavare phủ nhận, cáo buộc này cùng với tình trạng nghèo khó và mất việc làm trong đại dịch Covid-19 đã làm bức xúc của người dân tăng cao.

Thái độ ngờ vực với Trung Quốc

Tình hình ổn định trở lại ở quần đảo Solomon một phần nhờ sự giúp đỡ của các nước láng giềng. Ngay khi bạo loạn nổ ra, Úc, New Zealand, Fiji và Papua New Guinea đã triển khai binh sĩ và cảnh sát đến hỗ trợ an ninh. Trung Quốc cũng gửi các thiết bị chống bạo loạn như khiên, mũ bảo hiểm, dùi cui và thiết bị không sát thương khác để hỗ trợ Lực lượng cảnh sát quần đảo Solomon (RSIPF) và đề nghị cử cố vấn cảnh sát.

Úc hỗ trợ quần đảo Solomon chống dịch

Trang The Mandarin ngày 24.1 đưa tin Úc đã gửi vật tư y tế sang quần đảo Solomon trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại quốc đảo này tăng lên. Chuyến hàng đầu tiên trong số 2 chuyến bay cứu trợ của Úc đã hạ cánh ở thủ đô Honiara ngày 22.1, mang theo 100 máy tạo ô xy, vật tư y tế và đồ bảo hộ cá nhân. Các chuyến bay này cũng sẽ cung cấp 6 tấn nước khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và các bộ dụng cụ vệ sinh. Quần đảo Solomon đã phong tỏa Honiara từ ngày 19.1 sau khi số ca bệnh tại đây tăng lên thành 32 trường hợp.

Tuy nhiên, sự trợ giúp của Trung Quốc đã khiến người dân địa phương nghi ngờ. South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc nhận hỗ trợ của Bắc Kinh không giúp ích gì cho làn sóng phản đối Trung Quốc tại đây. Trong khi đó, những người phản đối cảnh báo điều này sẽ mở đường cho sự hiện diện lớn hơn của Trung Quốc nhằm hướng đến mục đích cuối cùng là thay thế ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Dù vậy, các quan chức thực thi pháp luật ở Honiara vẫn hoan nghênh sự giúp đỡ của Trung Quốc và cho rằng đây là điều cần thiết trong việc duy trì hòa bình và ổn định. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng nói các thiết bị sẽ tăng cường khả năng của cảnh sát địa phương. Ông Triệu cho biết Trung Quốc hỗ trợ quần đảo Solomon đảm bảo ổn định trong nước để bảo vệ quan hệ song phương cùng các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân Trung Quốc tại đảo quốc này.

Sự trợ giúp của Trung Quốc đặt ra dấu hỏi về tương lai của quần đảo Solomon, vốn đang là trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh. Tuy vậy, theo chuyên gia Edward Cavanough, Giám đốc chính sách tại Viện McKell (Úc), sự can dự của Trung Quốc trong việc giải quyết bạo loạn tại quần đảo Solomon là rất “khiêm tốn” so với các nước láng giềng.

Ông Cavanough cho rằng Úc và New Zealand có thể lo ngại về việc chính phủ của Thủ tướng Sogavare ngày càng nghiêng về Trung Quốc vì sợ Bắc Kinh giành được quá nhiều ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm rằng Solomon có lẽ đang tích cực hợp tác với Trung Quốc để giành được những nhượng bộ, viện trợ và hỗ trợ hơn nữa từ Úc và New Zealand.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.