Quân đội huy động 403 xe đặc chủng, 6 máy bay, sẵn sàng ứng phó siêu bão

Đình Huy
Đình Huy
06/09/2024 07:27 GMT+7

Tính đến thời điểm hiện tại, quân đội đã huy động lực lượng gồm 457.469 người và 10.124 phương tiện để sẵn sàng ứng phó siêu bão số 3.

Sáng 6.9, theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), để ứng phó với siêu bão số 3, tính đến 6 giờ cùng ngày, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu/219.913 người. Trong đó có 458 tàu/2.341 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc bộ (giảm 826 tàu/5.273 người).

Quân đội huy động 403 xe đặc chủng, 6 máy bay, sẵn sàng ứng phó siêu bão- Ảnh 1.

Quân đội huy động 6 máy bay sẵn sàng chống siêu bão số 3

ẢNH: BÁO PK-KQ

Cụ thể Thái Bình 2 tàu/19 người, Nam Định 42 tàu/128 người, Thanh Hóa 268 tàu/1.236 người, Nghệ An 27 tàu/127 người, Quảng Bình 9 tàu/56 người, Quảng Ngãi 107 tàu/758 người, Bình Định 3 tàu/17 người.

Các tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển. Theo đó, Quảng Ninh, Hải Phòng từ 11 giờ trưa nay; Thái Bình, Nghệ An từ 5 giờ sáng nay; Nam Định từ 6 giờ sáng nay; Thanh Hóa từ 12 trưa nay; Ninh Bình từ 15 giờ chiều qua (5.9).

Quân đội huy động 403 xe đặc chủng, 6 máy bay, sẵn sàng chống siêu bão số 3 (Yagi)

Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam), quân đội đã huy động tổng số 457.469 người (trong đó bộ đội 99.156 người, dân quân tự vệ 318.943 người, dự bị động viên 39.370 người) và 10.124 phương tiện (403 xe đặc chủng, 4.773 ô tô, 4.942 tàu thuyền, 6 máy bay) sẵn sàng ứng phó siêu bão số 3.

Trong khi đó, chiều 5.9, trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã ký công điện gửi các đơn vị trong quân đội về việc tập trung ứng phó khẩn cấp siêu bão số 3 năm 2024.

Công điện nêu rõ, các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố (quận, huyện, thị xã) chủ động tham mưu với chính quyền địa phương thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão; phối hợp, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Phó tổng tham mưu trưởng yêu cầu, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện làm nhiệm vụ trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển, đảo.

Quân chủng Phòng không - không quân, Binh đoàn 18 kiểm tra, rà soát kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh của bộ. Các quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.