Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel ngày 30.10 cho biết Mỹ lần đầu mua hải sản của Nhật Bản để cung cấp cho các binh sĩ đồn trú của mình, động thái tiến hành sau khi Trung Quốc cấm nhập sản phẩm này.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Emanuel nói rằng Washington cũng nên tìm thêm cách giúp Tokyo tiêu thụ hải sản, nhằm bù vào phần bị Bắc Kinh cấm.
Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản của Nhật từ ngày 24.8, thời điểm Nhật bắt đầu xả nước nhiễm xạ đã xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi qua một cống ngầm dài khoảng 1 km ra biển.
Nhật và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay nước thải được xử lý triệt để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Giới hạn nồng độ tritium trong nước thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO đối với nước uống.
Đến ngày 16.10, Nga cũng "tham gia các biện pháp hạn chế tạm thời của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu cá và các sản phẩm hải sản từ Nhật như một biện pháp phòng ngừa", theo AFP.
Bộ trưởng thương mại các nước G7 hôm 29.10 kêu gọi lập tức dỡ bỏ các lệnh cấm đối với thực phẩm từ Nhật, nhưng không đề cập cụ thể nước nào.
Theo Đại sứ Emanuel, việc mua hải sản là hợp đồng dài hạn giữa các hợp tác xã Nhật và lực lượng vũ trang Mỹ đồn trú tại đây.
"Cách tốt nhất mà chúng tôi đã chứng minh trong mọi trường hợp để làm hao mòn sức ép kinh tế của Trung Quốc là viện trợ và giúp đỡ quốc gia hoặc lĩnh vực bị nhắm đến", ông cho biết.
Đơn hàng đầu tiên chỉ bao gồm một tấn sò điệp, một phần rất nhỏ so với hơn 100.000 tấn sò điệp mà Nhật xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục trong năm ngoái.
Xem Thủ tướng Nhật Bản thưởng thức sashimi cá "ngon và an toàn" từ vùng xả nước nhiễm xạ Fukushima
Ông Emanuel cho biết các đơn hàng sẽ gia tăng thêm các loại hải sản khác, giúp cung cấp thực phẩm cho các binh sĩ đồn trú, trên các tàu, cũng như bán tại các cửa hàng, nhà hàng tại các căn cứ quân sự. Trước đó, quân đội Mỹ đóng tại Nhật chưa từng mua hải sản địa phương.
Mỹ có thể còn xem lại tổng thể nhập khẩu cá từ Nhật và Trung Quốc. Hiện Mỹ đang trao đổi với giới chức Nhật về việc đưa sò điệp được đánh bắt tại địa phương trực tiếp đến các nhà chế biến Mỹ.
Bình luận (0)