'Quan hệ kỳ lạ' giữa thủ tướng Israel và Hamas?

'Quan hệ kỳ lạ' giữa thủ tướng Israel và Hamas?

01/12/2023 14:10 GMT+7

Một nhà sử học nói rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm loại bỏ nhóm chiến binh Hồi giáo của Palestine khỏi Dải Gaza.

Tờ Washington Post ngày 26.11 cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có một “mối quan hệ cộng sinh kỳ lạ” với Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo của Palestine đã quản lý Dải Gaza trong nhiều thập niên.

Tờ báo này nhận định ông Netanyahu đã nhận thấy Hamas có ích trong việc ngăn chặn tiến trình hòa bình Israel-Palestine và làm gián đoạn quá trình thành lập nhà nước Palestine.

Theo bài báo, ông Netanyahu, người lãnh đạo chính phủ Israel liên tục từ năm 2009 đến năm 2020 và sau đó trở lại nắm quyền vào tháng 12.2022, đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas trong suốt nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, ông theo đuổi các chính sách giúp nhóm này giữ quyền kiểm soát khu vực.

Nội các của thủ tướng Netanyahu đã cho phép chuyển tiền từ Qatar để trả lương cho người dân Gaza, cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương và thậm chí được cho là tài trợ cho các hoạt động của Hamas. Theo bài báo của Washington Post, dưới thời ông Netanyahu, Israel đã phê duyệt thả tù nhân định kỳ, và hoạt động này được cho là đã có lợi cho nhóm Hamas.

Thủ tướng Israel đang bảo vệ lực lượng Hamas? - Ảnh 1.

Tỉ phú Elon Musk (giữa) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (bìa phải), ở Kfar Aza ngày 27.11.2023

VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG ISRAEL

Nhà sử học người Israel Adam Raz, người nghiên cứu mối quan hệ giữa thủ tướng và nhóm Hồi giáo, nhận định rằng: “Trong 10 năm qua, ông Netanyahu đã ra tay ngăn chặn mọi tính toán nhằm tiêu diệt Hamas ở Gaza”. Ông Raz gọi đây là “liên minh kỳ lạ”, và có thể đã dẫn đến kết cục là cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7.10 và hoạt động quân sự tiếp theo của Israel ở Gaza.

Theo Washington Post, mục tiêu trong chính sách của thủ tướng Israel được cho là nhằm chia rẽ người Palestine, để Hamas quản lý Gaza trong khi đối thủ của họ là Chính quyền Palestine kiểm soát Bờ Tây.

Khi hai nhóm này tiếp tục mâu thuẫn và chia rẽ thì sẽ không thể có đàm phán với Israel, và điều đó cho phép Thủ tướng Netanyahu gác vấn đề Palestine sang một bên.

Theo giải thích của bà Dahlia Scheindlin, một nhà phân tích chính trị người Israel, “[vì phía Palestine] không có sự lãnh đạo thống nhất, ông Netanyahu có thể nói rằng ông ấy không thể tiến tới việc đàm phán hòa bình. Nó cho phép ông ấy nói là ‘Chẳng có ai để đàm phán cả’”.

Xuất hiện tiền điện tử mới tài trợ cho Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel

Washington Post cũng dẫn lời ông Anshel Pfeffer, tác giả sách tiểu sử ông Netanyahu, nói thay vì xử lý Hamas, thủ tướng Israel tập trung sức lực vào đối đầu với Iran và phát triển kinh tế.

Ông Pfeffer nói: “Thủ tướng Netanyahu luôn cảm thấy rằng cuộc xung đột ở Palestine là một trò đánh lạc hướng đang được sử dụng như một vấn đề gây chia rẽ ở Israel”.

Theo Washington Post, ông Netanyahu đặc biệt tìm cách ngăn chặn mọi nỗ lực hòa giải giữa Hamas và Chính quyền Palestine khi hai bên xúc tiến nối lại quan hệ hồi năm 2018. Tuy nhiên, tờ báo không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về vấn đề này.

Văn phòng thủ tướng Israel từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến bài báo. Tuy nhiên, một quan chức Israel giấu tên nói với Washington Post rằng ông Netanyahu “đã đánh Hamas mạnh hơn bất kỳ thủ tướng nào trong lịch sử”.

Quan chức này nói dù thủ tướng chưa tiêu diệt Hamas, nhưng đó là điều mà “nội các chiến tranh” của ông đang thực hiện sau ngày 7.10.

Israel đã tiến hành ba hoạt động quân sự quy mô lớn ở Gaza dưới thời ông Netanyahu, vào các năm 2012, 2014 và 2021. Tất cả các hoạt động này cuối cùng đều kết thúc bằng các lệnh ngừng bắn được thương lượng để nhóm Hồi giáo nắm quyền kiểm soát vùng đất này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.