Quán hủ tiếu mì đắt nhất Thủ Đức: Bà chủ mỗi ngày diện một áo bà ba

28/11/2020 12:31 GMT+7

Với món có giá cao nhất gần 120.000 đồng, quán ăn của bà Nguyễn Thị Bích Liên (56 tuổi) được mệnh danh là một trong những quán hủ tiếu mì đắt nhất tại Q.Thủ Đức (TP.HCM).

Đắt là thế nhưng suốt 30 năm nay, tiệm ăn này chưa bao giờ vắng khách. Tại quán ăn Số 9 của bà Liên, mọi nguyên liệu được sử dụng đều là hàng tuyển do chính tay bà lựa chọn và chế biến.

Tất cả các nguyên liệu nấu món ăn do chính tay bà Liên lựa chọn và chế biến suốt 30 năm qua.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Dựng lại cơ nghiệp bằng một chỉ vàng

Trước khi trở thành bà chủ của một tiệm ăn lớn, bà Liên từng làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như bán bánh khoai mì dạo, công nhân công trường, hộ lý bệnh viện. Năm 1986, bà quyết định chọn Q.Thủ Đức để lập nghiệp, mưu sinh bằng gánh hàng rong bán nui trên vỉa hè.
Ban đầu, vì chưa có vốn nên bà quyết định chơi “hụi”. Chỉ mới 3 ngày, bà đã quyết định “hốt hụi” để có vốn làm ăn. Bà xem đó là một trong những quyết định liều lĩnh trong cuộc đời của mình.
Ăn no “quên lối về” ở quán hủ tiếu mì giò heo trứ danh tại Thủ Đức

Mỗi vị khách sau khi gọi món sẽ được mang ra một ly nước sôi có đũa, muỗng được trần trong đó.

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Quán tôi khi đó chỉ có 1 cái bàn và 2 cái ghế nhựa. Chủ yếu tôi bán cho người lao động nghèo nên giá của một tô nui khi đó chỉ 500 đồng. Tuy nhiên, do mới bán và chưa có công thức nấu, nên khách đến quán tôi không được bao nhiêu”, bà Liên nhớ lại.
Bà Liên kể khi đó, khách đến quán ăn của bà thường hỏi về món hủ tiếu mì nên bà bắt đầu tìm học cách nấu và dần chuyển qua bán hủ tiếu mì giò heo.
“Thật bất ngờ là tôi đã thành công, tiếng lành đồn xa và nhiều người tìm đến gánh hủ tiếu của tôi để ăn. Có hôm khách phải xếp hàng dài. Cũng từ đây, tôi dần hoàn thiện công thức nấu và cho ra được món ăn tròn vị như bây giờ”, bà kể.
Ăn no “quên lối về” ở quán hủ tiếu mì giò heo trứ danh tại Thủ Đức

Quán có không gian rộng rãi, sạch sẽ.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Khi gánh hủ tiếu của bà được nhiều người biết đến, bà mang thai đứa con đầu lòng. Bà nhường lại gánh hủ tiếu cho một người bạn bán tạm một thời gian để tiện sinh và chăm sóc con.
“Về sau, khi đủ sức khỏe để quay lại bán (2 năm sau), người đó không trả lại gánh hủ tiếu cho tôi. Tôi buồn đến mức không khóc được mà nuốt nước mắt vào trong. Buồn không phải vì tôi mất đi gánh hủ tiếu, mà là vì mất đi một người bạn”, bà Liên kể.
Tích cóp được 1 chỉ vàng, bà quyết định bán đi với giá 187.000 đồng (năm 1988) để gầy dựng quán lại từ đầu. Vì còn nhiều khách quen còn nhớ đến bà, nên công việc buôn bán của bà Liên thuận lợi. Thương hiệu hủ tiếu mì của bà "sống lại", làm ăn khấm khá và phát triển thành một cửa tiệm như bây giờ.
Ăn no “quên lối về” ở quán hủ tiếu mì giò heo trứ danh tại Thủ Đức

Mỗi ngày, bà Liên đều diện một bộ đồ bà ba khi đứng bán tại quán và trang điểm kỹ lưỡng.

ẢNH: CAO AN BIÊN

‘Tôi sợ khách đông’

Bà Liên cho biết, đến thời điểm hiện tại bà bán hủ tiếu vì đam mê hơn là quan trọng việc bản thân kiếm được bao nhiêu tiền. Với bà, phục vụ những tô hủ tiếu mì giò heo với chất lượng tốt nhất, được khách hàng đánh giá cao mới là mục tiêu.
“Đó là lý do mà từ xưa đến giờ, tất cả những nguyên liệu để nấu đều là “hàng tuyển” do chính tôi đi chợ để mua, chính tay tôi chế biến. Bất kỳ nơi nào giao cho tôi nguyên liệu không tốt tôi đều từ chối nhận. Nhiều người biết tính tôi nên bao giờ họ cũng bán cho tôi những nguyên liệu chất lượng nhất. Tôi cần tiếng hơn cần tiền vì khi thương hiệu của mình được mọi người yêu quý, những thứ khác ắt sẽ tìm đến”, bà nói.
Ăn no “quên lối về” ở quán hủ tiếu mì giò heo trứ danh tại Thủ Đức

Vui tính, thân thiện, thẳng thắng là điều khiến bà được khách yêu quý.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Trung bình mỗi ngày, quán của bà bán khoảng 200 tô hủ tiếu. Bà cười nói: “Tôi rất sợ khách đến quá đông vì lúc đó, tôi lo mình không thể phục vụ chu đáo cho từng người được. Tôi chỉ mong khách đến đều đặn mỗi ngày là tôi vui rồi”.
Chị Đào Ngọc Hà (28 tuổi, con gái bà Liên) cho hay giá của các món ăn tại quán dao động từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng. Đặc biệt, có nhiều khách gọi tô hủ tiếu 120.000 đồng. “Tùy nhu cầu khách mà chúng tôi bán với giá khác nhau. Tuy nhiên, dù ở mức giá nào chúng tôi đều làm khách cảm thấy xứng đáng với số tiền họ bỏ ra”, chị Hà bộc bạch.
Theo bà Liên, điều đặc biệt nhất trong món hủ tiếu của bà chính là nước chấm. Bà pha chế theo công thức riêng để có hương vị độc đáo không giống với bất kỳ đâu. Đồng thời, nước dùng được bà nấu hoàn toàn bằng nước dừa nên có vị ngọt tự nhiên.
“Tôi cảm nhận được sự tươi ngon và hòa trộn giữa các hương vị trong món ăn, nhất là vị giòn của tôm khô và mực, độ mềm và dai như rau câu của huyết heo, độ tươi của giò heo cộng với cục xương xí quách khổng lồ. Tôi sợ tô hủ tiếu của bà Liên vì ăn xong tôi no đi muốn không nổi”, anh Trần Minh Đức (21 tuổi, Q.Thủ Đức) chia sẻ.
Bà Liên cho biết, huyết heo được bà sử dụng trong món ăn có vị mềm và dai rất riêng là do bà chỉ sử dụng huyết được trụng vào lượt nước sôi đầu tiên. Lúc đó, nhiệt độ đủ cao và nước sạch không có cặn nên huyết ngon hơn so với bình thường.
Ông Trịnh Phúc Thiện (37 tuổi, Q.Thủ Đức) là khách của quán bà Liên gần 15 năm. Ông cho biết điều ông thích nhất tại quán hủ tiếu này chính là quán sạch sẽ và bà chủ vui tính. “Chén đũa được để vào một ly nước sôi mang ra cho khách, trà đá và khăn ướt hoàn toàn miễn phí. Tôi nghĩ rằng, bỏ ra 50.000 đồng để ăn tô hủ tiếu này là hoàn toàn xứng đáng”, ông Dương cho hay.
“Vì tôi từng làm trong bệnh viện, nên căn bệnh sạch sẽ nó ăn sâu và máu tôi rồi. Vấn đề vệ sinh tôi luôn đặt lên hàng đầu. Tôi trần muỗng đũa vào ly nước sôi mang ra cho khách là để họ yên tâm thưởng thức món ăn của tôi một cách trọn vẹn hơn”, bà Liên cười nói.

Mỗi ngày một chiếc áo bà ba

Những khách quen tại quán của bà Liên đã quá quen thuộc với hình ảnh bà mặc một bộ áo bà ba, trang điểm kỹ càng khi đứng bán. Được biết, bà đã làm điều đó gần 30 năm nay, giờ đã trở thành một thói quen khó bỏ.
Chia sẻ về lý do làm điều này, bà cho biết: “Ngày xưa tôi cũng không muốn mặc áo bà ba đi bán đâu, vì may một bộ quần áo như vậy rất đắt tiền. Nhưng vì mẹ của tôi thích tôi mặc vậy nên tôi chiều lòng bà. Đến giờ, mỗi lần mặc bộ quần áo này lên tôi lại nhớ đến người mẹ quá cố của mình, xem như bà vẫn luôn ở cạnh tôi”.
Bà cho biết việc bà trang điểm thật đẹp khi bán tại quán cũng là cách để tôn trọng khách hàng của mình.
Nguyễn Ngọc Phụng (60 tuổi, nhân viên của bà Liên) xúc động kể bà đã làm tại quán bà Liên hơn 10 năm nay. “Con trai tôi có thần kinh không bình thường. Ấy vậy mà bà ấy vẫn tạo điều kiện để mẹ con tôi được làm việc tại đây. Bà Liên là người tử tế nhất mà mẹ con tôi từng gặp trong đời, nên tôi quý bà ấy lắm”.
Được biết, chồng bà Liên trước kia từng là giáo viên dạy tiếng Anh và dạy võ. Tuy nhiên, trong một lần bị động kinh, tinh thần của ông không được bình thường. Từ đó, hai vợ chồng bà cùng giúp đỡ nhau phát triển quán ăn để nuôi các con.
“Số tiền chúng tôi kiếm được, tôi luôn trích ra để làm từ thiện ở các chùa. Từng sống trong cảnh nghèo khó, tôi nghĩ rằng, mình đủ ăn đủ mặc thì nên chia sẻ với người khác. Đó cũng là làm cho tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”, bà Liên tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.