Quan liêm nước Việt: 'Người đời đều đục cả thì một mình ta cứ trong'

13/01/2023 07:33 GMT+7

“Quan thanh dân cũng được vui/Nguồn trong có nhẽ nước xuôi đục lờ”. Đó là câu lục bát khen đức liêm của Mạc Đĩnh Chi trong cuốn sách viết về ông Lưỡng quốc trạng nguyên - Sự tích ông Mạc Đĩnh Chi, xuất bản tại Phúc Văn Hiệu, Hà Nội năm 1931.

Thanh liêm thay “Lưỡng quốc trạng nguyên”

Kể từ thời Lý trở về sau, Nho giáo được các triều đại lấy làm quốc giáo. Với giới trí thức, trong đó có quan lại, kinh điển Nho gia là quy chuẩn để sống, thực hành. Theo quan niệm của giới Nho học, người làm quan phải hội đủ ba điều, được Minh tâm bửu giám chỉ rõ: “Cái chính phép kẻ đương làm quan thì là ba điều sau nầy: Một là thanh liêm (trong sạch, không hà lạm của…), hai là cẩn thận (là giữ phép cho nhặt), ba là siêng năng (việc bổn phận mình). Kẻ biết đặng ba điều ấy thì mới biết cái phép giữ mình cho được ra mà trị người”. Xem gương “Lưỡng quốc trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi, ông xứng với ba điều ấy.

Ban thờ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tại chùa Dâu, Bắc Ninh

Tư liệu

Mạc Đĩnh Chi làm quan nhà Trần, được biết tới là “Lưỡng quốc trạng nguyên”, có bài Ngọc tỉnh liên phú (Cây sen trong giếng ngọc) lay động lòng vua. Khi ông đi sứ Trung Hoa, tài ứng đối và thơ văn của ông khiến các sứ lân bang nể phục, vua quan Trung Hoa phải khen là người tài. Bình sinh, Mạc Đĩnh Chi làm quan còn là người liêm khiết, sống thanh đạm bần hàn, không tơ hào của cải. Việc dưới đây tiêu biểu cho đức liêm, tâm sáng của con người ông, được Phan Kế Bính chép trong Nam Hải dị nhân liệt truyện, nhằm đời vua Trần Minh Tông (1314 - 1329).

“Đĩnh Chi làm quan liêm quá, vua Minh Tông biết tính ông ấy; thường sai người đem 10 quan tiền, rình lúc tối bỏ vào cửa nhà ông ấy. Sớm mai Đĩnh Chi vào tâu ngay với vua, xin bỏ tiền ấy vào kho. Vua bảo rằng: Tiền ấy đã không có ai nhận, thì cho người cứ việc mà tiêu. Bấy giờ Đĩnh Chi mới lấy, đại để thanh liêm như thế cả”.

Đề cập đến việc này, trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức có thơ khen ông là: “Giếng ngọc dò sen tướng dị thường/Sứ thần nức tiếng chốn Bắc phương/Bạc tiền chẳng chịu làm nô lệ/Của lạ dè đâu để cháu con”. Trong khi ấy tổng kết sự nghiệp của vị trạng nguyên họ Mạc, Lịch triều hiến chương loại chí khen ngắn gọn: “Ông làm quan rất liêm khiết thẳng thắn […] Đối với tiền tài, không có cẩu thả”. 10 quan tiền với kẻ làm quan, thực không phải là to tát gì, lại bỗng dưng tiền rơi vào nhà, nếu có ỉm đi, cũng chẳng dễ ai trách phạt, hiềm nghi được. Nhưng với quan họ Mạc, tấm lòng trinh bạch của ông thì luôn sáng như ban ngày.

“Vàng lụa ban đêm cũng khước từ”

Sách Nam quốc vĩ nhân truyện chép về vị tiến sĩ quê ở đất Đường An (nay thuộc Hải Dương), đó là Vũ Tụ làm quan thời vua Lê Thánh Tông. Cũng sách này chép về nhân cách của ông: “Tính ông ngay thẳng, thanh liêm, không bao giờ ông ăn tiền của ai”. Vua Tự Đức viết Ngự chế Việt sử tổng vịnh, đã ca ngợi: “Vàng lụa ban đêm cũng khước từ/Trắng trong như nước khác lòng vua/Nhà tuy không của vui vừa thích/Liêm tiết đeo đai chẳng lạ ư?”.

Sách Lưỡng quốc trạng nguyên - Sự tích ông Mạc Đĩnh Chi

Đình Ba

Giữa lúc nhiều đồng liêu tham hơi đồng, thì theo Lịch triều hiến chương loại chí, gia cảnh của Vũ Tụ “trong nhà gạo không có để trữ một gánh một hộc mà vui vẻ tự nhiên. Nếp nhà thanh bạch, người thời bấy giờ rất kính mộ ông”. Vua Lê Thánh Tông để thử lòng các quan viên ngay thẳng, liêm khiết hay ô trọc, tham của, đã bày cách. Theo Công dư tiệp ký, vua sai người giả làm dân thường đem lễ (có sách ghi là dùng lụa) đút lót các quan. Quan nào cũng nhận của đút, duy mình Vũ Tụ kiên quyết từ chối. Người đưa lễ cố nài mà rằng: Hiện nay tục hối lộ đã thành quen, vả lại một món quà này cũng không đáng giá bao nhiêu, nếu ngài nhận cho thì cũng không tổn hại gì đến tiếng liêm khiết. Thấy người kia nài ép, ông nghiêm sắc mặt mà nói một câu nổi tiếng, được Hải Dương phong vật chí ghi: “Người đời đều đục cả thì một mình ta cứ trong, há vì lời nói khéo của anh mà ta lại thay đổi tiết tháo hay sao?”.

Người đem lễ về tâu lại việc với vua, vua khen ông là người trọng khí tiết, cũng như Dương Chấn đời Đường không nhận vàng lúc đêm khuya. Đánh giá cao nhân phẩm, vua ban cho Vũ Tụ hai chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo để khi vào chầu biểu dương tính thanh liêm làm gương cho những kẻ khác. Sau này, dù làm tới Tả thị lang bộ Hình, Vũ Tụ vẫn giữ đức tốt của vị quan chăm dân, “bổng lộc cũng chỉ tạm đủ chứ không dư dật, ruộng nương cũng chỉ có được 3 sào, ông cũng chẳng chia cho con, đem cúng cho xã để làm tự điền, tỏ ý để hai chữ thanh bạch cho còn cháu mà thôi”, Công dư tiệp ký đã kết truyện về ông như thế.

Sau này thời Lê Trung hưng, cũng có gương Đặng Thế Khoa gần như Vũ Tụ. Giữa chốn quan trường nhiều đồng liêu tham ô, riêng ông dù làm Tả đô đốc, Tả thị lang bộ Hộ nhưng vẫn trong sạch. Sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi: “Đầu đời Thịnh Đức (niên hiệu vua Lê Thần Tông thời gian 1653 - 1658 - người viết dẫn chú), các viên chức ở phủ liêu (phủ chúa) đều bị kiện về việc ăn hối lộ và bị đình nghị giáng chức cả, chỉ có ông không dính dáng gì”. Tấm lòng ngay thẳng khiến chúa Trịnh phải khen ngợi, thăng làm Binh bộ Thượng thư; những kẻ ưa nịnh nọt, đút lót thì “không một ai dám bén mảng đến cửa nhà ông”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.