Quản lý chất lượng nông sản chưa xem trọng thị trường nội địa

09/06/2022 20:15 GMT+7

Việc quản lý mã số vùng trồng để kiểm soát chất lượng nông sản chủ yếu đang phục vụ cho thị trường xuất khẩu theo yêu cầu kỹ thuật của nước sở tại, trong khi đó, thị trường trong nước lại đang bị buông lỏng.

Số lượng vùng trồng được cấp mã số quản lý chủ yếu vẫn để phục vụ cho thị trường xuất khẩu, trong khi thị trường nội địa vẫn buông lỏng

quang thuần

Tại diễn đàn “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía nam” ngày 8.6, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group kiến nghị: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để thu mua gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi phải liên tục xin cấp lại chứng nhận, điều này vô hình trung sẽ làm cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, việc cấp mã số vùng trồng cần đi trước một bước trước khi mở cửa thị trường, ví dụ như với quả bưởi sắp được xuất khẩu sang Mỹ nhưng việc tìm được mã số vùng trồng quả bưởi với doanh nghiệp rất khó khăn. Bản thân doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số để khi những doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Trước vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin, hiện Cục Bảo vệ thực vật cũng đã hướng đến triển khai cấp mã số vùng trồng cho thị trường mục tiêu để khi mở cửa thị trường là sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ngay. Để đạt được các tiêu chí cấp mã số vùng trồng thì nỗ lực của nông dân, các địa phương rất quan trọng, là cơ sở để xuất khẩu ổn định sang nhiều thị trường khác nhau. Mã số vùng trồng giờ không chỉ cho xuất khẩu mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước bởi có ý kiến của Đại biểu Quốc hội đề cập đến việc cần phải đối xử công bằng giữa người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài và thị trường nội địa. Do đó, trong thời gian tới quản lý vùng trồng và cấp mã số cần được tăng cường hơn nữa.

Hiện nay đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha) tại 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được cấp cho 12 loại quả tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo…

Trong đó, khu vực ĐBSCL được cấp 1.561 mã (chiếm tỷ lệ 39,02%), Đông Nam bộ có 224 mã (chiếm 5,6%), Tây nguyên 168 mã (tỷ lệ 4,2%).

Bên cạnh đó, 1.864 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hiện nay vẫn đang gặp những khó khăn như: Mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê... Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.