Quản lý... hoa hậu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/01/2019 04:56 GMT+7

Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn - cơ quan nhà nước có chức năng chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong cả nước - sắp đối diện với một vụ kiện, mà người kiện là một hoa hậu đang được dư luận chú ý.

Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh - người đã bị Cục này từ chối cấp phép đi thi Hoa hậu Liên lục địa - đã ủy quyền cho người quản lý và luật sư riêng làm hồ sơ khởi kiện Cục Nghệ thuật biểu diễn lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội.
Cái lý của Cục khi từ chối là: Cục đã yêu cầu Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương hủy bỏ kết quả và danh hiệu của cô Ngân Anh bởi cô có phẫu thuật thẩm mỹ, nghĩa là đã vi phạm quy chế thi. Còn cái lý của hoa hậu là: một khi ban tổ chức chưa tước vương miện thì cô vẫn là hoa hậu một cuộc thi cấp quốc gia, nghĩa là cô đáp ứng đủ điều kiện đi thi quốc tế theo luật định.
Bất chấp việc không có giấy phép Cục cấp cho tham dự, Ngân Anh vẫn lên đường đi thi Hoa hậu Liên lục địa. Ngay trong những ngày đang tập luyện bên Philippines để tham dự cuộc thi, cô đồng thời làm việc với luật sư để chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
Rõ ràng, những quy định lỏng lẻo đã khiến phía Bộ VH-TT-DL, dù thấy Ngân Anh không đủ tư cách thí sinh theo luật hiện hành, vẫn không thể tước được vương miện của cô khi ban tổ chức cố tình không làm việc đó. Chỉ cần né tránh, ban tổ chức có thể không thực hiện yêu cầu của Bộ mà hoàn toàn không chịu một trách nhiệm gì.
Cấp phép hay không cấp phép cho thí sinh đi thi hoa hậu quốc tế là việc cho tới giờ vẫn gây tranh cãi. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Bộ VH-TT-DL đã không thể kiểm soát việc cấp phép theo ý muốn. Lê Âu Ngân Anh là trường hợp thí sinh hoa hậu không hợp lệ theo luật hiện hành, nhưng lại được ban tổ chức chấp nhận, rồi đoạt danh hiệu hoa hậu. Và nếu việc đi thi hoa hậu quốc tế mà không có giấy phép trước đây thường là “đi thi chui”, thì Ngân Anh đã công bố thẳng việc sẽ đi thi một cách công khai.
Trường hợp của Lê Âu Ngân Anh cho thấy các cá nhân giờ không thụ động trong quan hệ với quản lý nhà nước nữa. Giữa hai bên không còn là quan hệ xin - cho mà đã hình thành một cuộc “đua” về hiểu biết pháp luật, cũng như việc vận dụng những quy định của pháp luật như thế nào. Ở đó, cá nhân có thể bị hạn chế một số hoạt động, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể đối mặt với một vụ kiện hành chính bất cứ lúc nào. Do đó, khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, họ cần tính đến mọi khả năng có thể xảy ra để có phương án xử lý.
Cũng phải nói thêm, các nghị định về nghệ thuật biểu diễn thường có tuổi thọ không cao. Thậm chí, vừa có hiệu lực thi hành xong trong năm đã phải sửa. Vì thế, vụ việc của Ngân Anh hiện đang là thước đo khả năng bao quát đời sống của văn bản quy phạm pháp luật, cũng như tính tôn trọng pháp luật của sân chơi hoa hậu mà ngành văn hóa muốn quản lý. Nó đòi hỏi ngành phải rà soát lại cả quy định lẫn cách quản lý trong lĩnh vực này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.