Đó là quán hủ tiếu đặc biệt của gia đình ông Hà Hùng Thắng (60 tuổi), nằm ngay mặt tiền đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), bấy lâu nay vẫn đều đặn thực khách xa gần ghé thưởng thức.
Tự thợ trang trí đến chủ quán hủ tiếu
Nhiều người biết đến quán với câu chuyện buổi sáng, từ 6 giờ đến 13 giờ thì do em dâu ông Thắng đứng bán. Còn tới buổi chiều, từ 15 giờ tới 23 giờ thì do ông làm “gương mặt thương hiệu" của quán, khi đứng bếp làm món cho khách. Cứ vậy đã mấy chục năm nay, khách hay gọi vui đây là quán hủ tiếu “sáng em, chiều anh”.
Cỡ 11 giờ trưa một ngày giữa tuần, tôi tìm tới quán để ăn trưa bằng một tô hủ tiếu mì, thêm phần sủi cảo khoái khẩu thì được bà chủ thông báo: “Hết hủ tiếu rồi em! Giờ còn bột chiên thôi. Muốn ăn hủ tiếu thì chiều ghé lại!”.
Hỏi ra, mới biết bữa nay quán đông khách đột biến nên đã bán “sạch sành sanh”, còn những ngày bình thường thì cũng có khi bán tới đầu giờ chiều mới xong. Thấy vậy, tôi mua một phần bột chiên ăn lót dạ, chiều quyết ghé lại sớm hơn.
Trong thời gian chờ đợi món bột chiên, tôi dành chút thời gian để tâm sự với ông Thắng và những người thân. Chủ quán cho biết hơn 20 năm trước, ông quyết định mở quán ăn này vì nghe lời khuyên của một người bạn thân.
Mở quán với con số 0, ông thuê thợ về nấu. Cũng trong những ngày đầu mở quán, thông qua những người thợ làm việc ở quán mình, ông cũng học hỏi được nhiều công thức nấu hủ tiếu mì, há cảo, bột chiên, cơm chiên… theo phong cách ẩm thực của người Hoa. Sau này, những người thợ bếp của quán ông ra riêng mở quán khác, với những kiến thức và kinh nghiệm học được, 6 anh chị em trong gia đình ông có thể tự nấu và duy trì quán.
Chỉ vào thực đơn với hàng chục món ăn đa dạng được tô 3 màu khác nhau, ông nói các anh em của ông chia nhau ra nấu, mỗi người sẽ đảm nhận từng món riêng. Đến khi khách gọi đến món của người nào thì người đó làm món thật nhanh để phục vụ. Riêng ông, làm chủ yếu về các món hủ tiếu mì, há cảo vốn là đặc trưng của quán. Với tôi, đây cũng là một điều “kỳ lạ" đối với một quán ăn gia đình.
Buổi sáng, em dâu ông bán. Chiều tối, ông Thắng đứng quán.
CAO AN BIÊN
Lát sau, phần bột chiên bán vào buổi trưa được mang ra. Mà phải nói, bột chiên ở đây cũng khá hợp khẩu vị với tôi. Dù hương vị không khác biệt nhiều so với những xe bột chiên người Hoa truyền thống tôi từng ăn trong khu Chợ Lớn, nhưng cũng là một buổi trưa ngon và no bụng.
Quyết tâm duy trì quán ăn tâm huyết
Ông Thắng cho biết thời điểm hiện tại, việc buôn bán đôi khi gặp không ít khó khăn khi lượng khách không còn đông đúc như trước. Chủ quán nhận định đây là tình hình chung của nhiều hàng quán ở TP.HCM thời điểm hiện tại.
“Nhiều quán gần đây cũng buông hết rồi, do người ta thuê mặt bằng mà buôn bán không được. May mắn quán ăn này cũng là nhà của gia đình tôi, nên không tới nỗi nào, chứ nếu mà thuê cũng trụ lại khó", ông cho biết.
Phần hủ tiếu mì sủi cảo giá 76.000 đồng.
CAO AN BIÊN
[CLIP]: Quán hủ tiếu mì người Hoa "em sáng, anh chiều" ngay trung tâm TP.HCM.
Tuy nhiên, gắn bó với công việc này hơn 20 năm, ông xem đó không chỉ là cái nghề, mà còn là cái “nghiệp" của mình. Quán ăn đã nuôi sống gia đình ông, các anh chị em ông suốt ngần ấy năm. Cũng nhờ quán ăn này, ông Thắng nuôi 3 con khôn lớn, trưởng thành, ai cũng học đại học.
Chủ quán biết ơn những vị khách suốt những năm qua đã ủng hộ mình. Khi thấy khách ăn ngon, hài lòng, khách khen ngon là động lực lớn để ông và các anh chị em trong nhà duy trì, phát triển quán ăn này mỗi ngày đến khi nào không còn sức nữa thì thôi.
Chiều, quán tiếp tục bán, vẫn đều đặn khách. Là một trong những khách quen của quán suốt 6 năm nay, anh Hùng (35 tuổi, ngụ Q.3) cho biết vì nhà cách quán không xa nên thường ghé đây. Anh thích nhất ở đây món hủ tiếu mì, có khi đổi thành há cảo cho lạ miệng.
“Giá cả ở quán cũng vừa vặn, ngay trung tâm, còn là món ăn của người Hoa nữa nên mức giá đó là hợp lý rồi. Quán bán tới khuya nên có khi tối tối đói bụng cũng là ra làm một tô là hết sẩy luôn. Với tôi, món ăn ở đây hợp khẩu vị, món đa dạng để mình lựa chọn, có thể đổi món cả tuần luôn", vị khách nhận xét.
Bình luận (0)